Dòng sự kiện:
VND mất giá 3,5%, tồn ngân ngân sách cao khiến việc giảm lãi suất khó
11/10/2023 06:03:31
Các khoản giải ngân của ngân sách nhà nước vẫn chậm so với yêu cầu dẫn đến tồn ngân ngân quỹ nhà nước đang ở mức cao, chiếm 6,94% tổng phương tiện thanh toán.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, những năm gần đây, các khoản giải ngân của ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn chậm so với yêu cầu dẫn đến tồn ngân ngân quỹ nhà nước (là các khoản NSNN thu từ nền kinh tế qua thu thuế, thu từ phát hành trái phiếu…, nhưng chưa được giải ngân) đang ở mức cao, chiếm 6,94% tổng phương tiện thanh toán (cuối năm 2022 là 6,42%, cuối năm 2021 là 4,97%).

Các khoản tồn ngân ở mức cao, ngày càng bị tích tụ chưa được sử dụng, tồn đọng tại NSNN làm giảm lượng tiền trong nền kinh tế, theo đó đã gây khó khăn cho việc huy động vốn của doanh nghiệp để đầu tư vào hoạt động sản, xuất kinh doanh cũng như của tổ chức tín dụng. Trường hợp cầu về vốn của nền kinh tế tăng để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, việc cung về vốn bị đọng tại NSNN sẽ gây khó khăn cho việc giảm lãi suất của hệ thống ngân hàng.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, việc thực hiện chủ trương giảm lãi vay theo chỉ đạo của Quốc hội vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Thứ nhất, do các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, các tổ chức tín dụng huy động vốn với lãi suất ở mức cao và các khoản huy động này chưa đến thời hạn thanh toán.

Thứ hai, mặt bằng lãi suất thế giới tiếp tục gia tăng và vẫn ở mức cao trong các tháng đầu năm 2023; các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất và neo giữ ở mức cao.

Thứ ba, áp lực lạm phát trong và ngoài nước, đặc biệt là lạm phát cơ bản còn cao và dai dẳng nên vẫn tiềm ẩn rủi ro lạm phát.

Thứ tư, thị trường vốn chưa phát triển, hoạt động sản xuất, kinh doanh phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng (tỷ lệ tín dụng/GDP cuối năm 2022 ở mức khoảng 126%22); ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn nhưng vẫn phải đáp ứng các nhu cầu cho vay trung dài hạn.

Tỷ giá nóng lên cũng đang gây áp lực lớn. Từ năm 2022 đến nay, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất điều hành 11 lần (với 7 lần tăng trong năm 2022 và 4 lần tăng từ đầu năm 2023 đến nay), đưa lãi suất điều hành USD lên mức cao nhất trong 22 năm qua.

Bên cạnh đó, chỉ số đo lường sức mạnh USD quốc tế DXY cũng tăng mạnh từ mức 99 khoảng giữa tháng 7/2023 lên mức 106,7 hiện nay, gây áp lực mất giá lên các đồng tiền trong đó có đồng Việt Nam. Việc Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh lãi suất điều hành đối với VND dẫn đến tình trạng lãi suất USD cao hơn nhiều lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng, qua đó, đã và đang gây áp lực lớn lên tỷ giá USD/VND.

Tính đến ngày 27/9/2023, VND mất giá khoảng 3,5% so với cuối năm 202223. Trong thời gian tới, Fed dự kiến duy trì lãi suất USD ở mức cao, do đó, tỷ giá và thị trường trong nước tiếp tục chịu áp lực rất lớn.

Tác giả: T.L

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến