Theo báo cáo thị trường tiền tệ tháng 7/2019 do Bộ phận phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân của Công ty chứng khoán SSI (SSI Retail Research) vừa công bố, đồng USD trên thị trường thế giới đã có tháng 7 tăng ngoại mục.
Cụ thể, kỳ vọng lần đình chiến thứ 2 của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ kéo dài như lần đầu tiên (5 tháng) đã không xảy ra, đợt đình chiến này chỉ diễn ra trọn vẹn trong tháng 7. Trong tháng này, các đồng tiền vận động chủ yếu theo các thông tin kinh tế và động thái của các ngân hàng trung ương mà đi đầu là FED. Những số liệu kinh tế tích cực từ báo cáo việc làm tháng 6, GDP quý 2/2019, thâm hụt thương mại cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn khá vững vàng, đặc biệt là khi so sánh với các nền kinh tế của khu vực Châu Âu. Chỉ số PMI tháng 7 của Châu Âu ở mức 46,4, đánh dấu chuỗi 12 tháng giảm liên tiếp.
Vì vậy, dù FED giảm lãi suất 25 điểm cơ bản (bps) như kỳ vọng nhưng đồng USD không giảm mà lại có một tháng tăng mạnh, chỉ số DXY tăng từ 96,1 lên 98,5, tất cả 6 đồng tiền trong rổ tính toán chỉ số này đều giảm giá trong đó giảm giá mạnh nhất là GBP của Anh (-4,21%), các đồng tiền còn lại là EUR, JPY, CAD, SEK, CHF giảm lần lượt là -2,58%, -0,82%, - 0,73%, -4,18% và -1,81% so với cuối tháng 6.
Đối với khu vực châu Á, hai đồng tiền có mức biến động mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay là đồng Bath (THB) của Thái Lan và đồng Won (KRW) của Hàn Quốc nhưng lại theo hai hướng trái ngược nhau, TBH tăng giá +4,35% so với đầu năm, KRW giảm giá -6,61%. Trong top 3 tăng giá 7 tháng đầu năm 2019 của khu vực Châu Á, ngoài THB còn có INR của Indonesia và PHP của Philippines. Điểm chung của 3 nước này đó là tăng trưởng GDP tích cực, các NHTW nâng lãi suất vào cuối năm 2018 và duy trì đến nay. Trong khi đó, GDP của Hàn Quốc đã tăng trưởng âm trong cả 2 quý 2019. Quan hệ trục trặc với Nhật Bản, căng thẳng Triều Tiên không hạ nhiệt và xuất khẩu giảm mạnh do chiến tranh thương mại tạo áp lực giảm giá đối với KRW.
Tháng 7, Trung Quốc đón nhận thông tin tăng trưởng kinh tế quý 2.2019 chỉ 6,2%, mức thấp nhất trong vòng 27 năm gần đây nhưng vẫn nằm trong mục tiêu của chính phủ nước này là 6-6,5%, tỷ giá USD/CNY giảm nhẹ 0,25%, về sát mức tỷ giá cuối năm 2018 là 6,88 CNY/USD, trước khi mất giá mạnh vượt qua vùng 7 trong tháng 8.
Ở trong nước thì ngược lại, VND đã có tháng tăng thứ 2 liên tiếp tính đến hết tháng 7 và đã bù lại toàn bộ phần giá trị đã mất trong đợt sóng trước đó.
Trong tháng 7, dòng vốn FDI giải ngân đạt 1,45 tỷ USD, cán cân thương mại thặng dư khoảng 200 triệu USD. Mặc dù không tích cực bằng tháng 6 nhưng lũy kế 7 tháng đầu năm 2019, tổng vốn FDI giải ngân là 10,55 tỷ USD, tăng +7,1% so với cùng kỳ năm trước và cán cân thương mại thặng dư 2,06 tỷ USD. Thêm vào đó là các giao dịch bán vốn, phát hành quốc tế thành công giúp gia tăng nguồn cung ngoại tệ trong tháng.
Nhờ vậy, dù USD tăng giá khá mạnh trên thị trường quốc tế nhưng VND là một trong số ít các đồng tiền tăng giá trong tháng qua. Ngay từ đầu tháng, tỷ giá USD/VND đã giảm xuống dưới tỷ giá mua vào của NHNN là 23.200đ/USD và tiếp tục giảm xa mốc này, chốt tháng ở mức 23.140/23.260, giảm 120đ/USD đối với tỷ giá giao dịch của NHTM và 23.170/23.200, giảm 130/120 đ/USD với tỷ giá tự do.
Diễn biến tỷ giá 7 tháng đầu năm 2019 (nguồn SSI Retail Research)
Tỷ giá giảm sâu khiến một phần nguồn ngoại tệ tích lũy từ tháng 6 đã được bán về NHNN, giúp gia tăng dự trữ ngoại hối.
Như vậy riêng trong tháng 7, VND đã tăng giá +0,52% so với USD và tính chung cả 2 tháng 6 và 7 đã tăng giá 0,94%, bù lại toàn bộ mức mất giá 0,89% của đợt sóng tháng 5 khi ông Trump tuyên bố áp thuế 25% lên 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc. Tại thời điểm cuối tháng 7, tỷ giá mua vào USDVND của NHTM đã thấp hơn tại cuối 2018 là 25đ/USD, tương đương 0,11%.
SSI Retail Research cho biết, đáng chú ý, dù tỷ giá giao dịch giảm mạnh nhưng tỷ giá trung tâm vẫn trong xu hướng đi lên, tăng tiếp 7đ/USD trong tháng 7, lên mức 23.073 đ/USD, tiến dần đến tỷ giá mua vào của NHNN. Điều này cho thấy sự nhất quán trong điều hành của NHNN để có thể linh hoạt ứng phó với nhưng diễn biến bất ngờ từ bên ngoài mà thực tế đã xảy ra ngay vào đầu tháng 8.
Theo Trí thức trẻ
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy