Dòng sự kiện:
VNDIRECT: NHNN sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng
17/12/2021 09:36:12
Theo nhận định của VNDIRECT, NHNN sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng ít nhất cho đến cuối quý 2/2022 để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Dự báo cả năm 2021, tăng trưởng tín dụng sẽ khoảng 12%

Tín dụng tiếp tục đà phục hồi

Các chuyên gia phân tích của VNDIRECT nhận định diễn biến tín dụng năm 2021, đáng chú ý là nhu cầu tín dụng đã cải thiện nhẹ kể từ giữa tháng 9/2021 sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại, với tín dụng tăng 8,7% so với đầu năm vào ngày 29/10 (tăng nhanh từ mức 6,4% so với đầu năm vào ngày 30/6).

Do vậy, chuyên gia kỳ vọng nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục duy trì đà phục hồi trong quý 4/2021 và dự báo tín dụng sẽ tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm 2021. Trong tháng 7/2021, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Sau đó, các ngân hàng thương mại cam kết cắt giảm hơn 20,6 nghìn tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay 0,5-2,0% đối với dư nợ của các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Theo NHNN, tổng số tiền các tổ chức tín dụng miễn, giảm lãi cho khách hàng từ ngày 15/7/2021 đến 30/9/2021 là khoảng 12.236 tỷ đồng, tương đương 59,4% cam kết.

“Bất chấp áp lực lạm phát gia tăng, chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cho đến ít nhất là cuối quý 2/2022. Mặc dù chúng tôi không kỳ vọng NHNN sẽ cắt giảm thêm lãi suất điều hành chủ chốt, nhưng chúng tôi cũng cho rằng NHNN sẽ không nâng lãi suất trong 6 tháng đầu năm 2022 nhằm duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ phục hồi kinh tế”, VNDIRECT nhận định.

VNDIRECT kỳ vọng NHNN sẽ sử dụng các công cụ thông qua thị trường mở, chẳng hạn như mua ngoại hối và bơm tiền đồng ra thị trường để hỗ trợ trợ thanh khoản hoặc nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các NHTM. Chuyên gia VNDIRECT dự báo tín dụng năm 2022 tăng trưởng ở mức 13-14% so với cùng kỳ.

CTCK cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại trạng lại “bình thường mới” vào năm 2022 với triển vọng tăng trưởng tươi sáng và vững chắc hơn nhờ đạt tỷ lệ tiêm chủng cao. GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 7,5% so với cùng kỳ vào năm 2022, với tốc độ phục hồi cao trên mọi phương diện.

Các yếu tố nền tảng vĩ mô tiếp tục được củng cố với thặng dư thương mại cao hơn, cũng như thặng dư tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối. Những yếu tố hỗ trợ này có thể giúp Việt Nam đối phó với những rủi ro bên trong và bên ngoài, bao gồm áp lực lạm phát cao hơn, đồng USD mạnh lên và điều kiện thị trường tài chính toàn cầu kém thuận lợi hơn so với năm 2021.


Kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm

Về câu chuyện lãi suất, VNDIRECT kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm hơn nữa, nhưng lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ. Tại thời điểm ngày 1/11/2021, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng không đổi so với mức cuối năm 2020 trong khi lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân ở mức 5,53%/năm, giảm khoảng 10 điểm cơ bản so với cuối năm 2020. Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng đã tăng trở lại từ mức thấp lịch sử vào cuối năm 2020, nhưng vẫn còn rất thấp so với mức trước đại dịch.

Về lãi suất cho vay, NHNN đang thực hiện gói cấp bù lãi suất với quy mô 3.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay chỉ 3 - 4%/năm đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch COVID-19. Ngoài ra, Chính phủ có kế hoạch mở rộng quy mô gói cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp lên đến 10.000 - 20.000 tỷ đồng, tập trung vào một số đối tượng ưu tiên, bao gồm: doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tham gia án trọng điểm quốc gia doanh nghiệp, một số ngành nhất định (du lịch, hàng không, giao thông vận tải, ...).

Các dự báo chính cho giai đoạn 2021-2022.

Nhờ những chính sách hỗ trợ này, VNDIRECT kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm trung bình từ 10-30 điểm cơ bản vào năm 2022. Về lãi suất huy động, lãi suất huy động khó có thể duy trì ở mức thấp lịch sử vào năm 2022 do các nguyên nhân sau: Thứ nhất, nhu cầu huy động vốn cao hơn khi tín dụng được đẩy mạnh; thứ hai, áp lực lạm phát ở Việt Nam có thể gia tăng vào năm 2022 và thứ ba, kênh tiền gửi sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán để thu hút dòng vốn.

“Do đó, chúng tôi kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ 30-50 điểm cơ bản vào năm 2022. Chúng tôi cho rằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên 5,9-6,1%/năm vào cuối năm 2022, vẫn thấp hơn đáng kể so với mức 6,8-7,0%/năm trước đại dịch”, chuyên gia VNDIRECT nhận định.

Đồng USD có thể mạnh lên

Quan điểm lạc quan của VNDIRECT đối với đồng VND đã trở nên trung lập hơn trong năm 2022 do: Thứ nhất, đồng USD có thể mạnh lên trong thời gian tới do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu giảm quy mô chương trình mua trái phiếu khẩn cấp (gói nới lỏng định lượng, QE) kể từ tháng 11/2021. Thứ hai, áp lực lạm phát ở Việt Nam có thể tăng lên kể từ cuối năm 2021.

Về chính sách lãi suất, Fed thông báo giữ lãi suất điều hành ở mức cận 0%. Theo khảo sát của CME Group, thị trường kỳ vọng rằng FED có thể nâng lãi suất điều hành khoảng 50 -70 điểm cơ bản vào năm 2022, bắt đầu từ tháng 7 năm 2022. Trong khi đó, ECB và BOJ nhiều khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất điều hành ở mức thấp trong năm 2022 để tài trợ cho chính sách tài khóa mở rộng và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế .

“Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng các yếu tố hỗ trợ cho đồng VND ổn định trong những năm gần đây vẫn được duy trì, bao gồm thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối cao hơn”, chuyên gia VNDIRECT cho biết. VNDIRECT kỳ vọng thặng dư cán cân thanh toán sẽ tăng lên 1,9% GDP vào năm 2022 từ mức thâm hụt dự kiến là 0,4% GDP trong năm 2021. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam kỳ vọng sẽ đạt 122,2 tỷ USD vào cuối năm 2022 (tương đương với 4,1 tháng nhập khẩu) từ mức hiện tại là 105 tỷ USD. “Do đó, chúng tôi dự báo tỷ giá USD/VND sẽ ổn định trong vùng 22.600 -23.100 VND trong năm 2022”, chuyên gia VNDIRECT nhận định.

Tác giả: Nguyễn Long

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến