Quy mô tiền gửi của VNPT tăng dần qua từng năm. Ảnh: VNPT.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) ghi nhận doanh thu thuần đạt 26.365 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm 2023. Nhờ cải thiện giá vốn, biên lợi nhuận gộp được nâng lên 26,4%.
Kỳ vừa qua, chi phí bán hàng và quản lý của tập đoàn tăng lần lượt 9% và 2%. Mặt khác, chi phí tài chính, phần lớn là lãi vay, giảm 7% xuống gần 75 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ thuế và các loại chi phí, VNPT báo lãi hợp nhất 2.203 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ.
Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của tập đoàn tăng 3% lên 108.426 tỷ đồng. Trong đó, VNPT đang có hơn 60.000 tỷ đồng gửi ngân hàng, tăng nhẹ so với đầu năm và chiếm 55% quy mô tài sản tập đoàn.
Khoản tiền gửi khổng lồ này đem về cho VNPT hơn 1.400 tỷ đồng lãi tiền gửi trong 6 tháng đầu năm. Dẫu vậy, do mặt bằng lãi suất thấp hơn cùng kỳ, nguồn thu từ tiền gửi giảm khoảng 12%.
Tính đến giữa năm, tổng nợ phải trả tăng 10% lên gần 36.200 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí phải trả ngắn hạn phát sinh gấp 5 lần so với đầu năm lên gần 5.500 tỷ đồng.
Ở báo cáo tài chính riêng bán niên, công ty mẹ VNPT ghi nhận doanh thu thuần 18.576 tỷ đồng, tăng 18%. Nhờ lợi thế về giá vốn so với cùng kỳ, lợi nhuận ròng của công ty mẹ VNPT tăng mạnh 71% lên 1.954 tỷ đồng.
Năm nay, VNPT kỳ vọng tổng doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn đạt 59.089 tỷ đồng, tăng gần 8% so với kết quả thực hiện năm 2023 và là mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, doanh thu công ty mẹ hướng tới con số 41.973 tỷ đồng.
Tập đoàn cũng đặt kế hoạch lãi trước và sau thuế của công ty mẹ đạt lần lượt 4.417 tỷ đồng và 3.534 tỷ đồng.
Như vậy sau nửa năm kinh doanh, ở góc độ hợp nhất, tập đoàn đã hoàn thành gần 47% chỉ tiêu doanh thu. Với riêng công ty mẹ, VNPT đã thực hiện hơn 44% chỉ tiêu doanh thu và 55% mục tiêu lợi nhuận ròng.
Mới đây, tập đoàn VNPT cũng nhận được quyết định phê duyệt đề án cơ cấu lại giai đoạn đến hết năm 2025.
Theo đó, đến năm 2025, VNPT hướng tới mục tiêu trở thành tập đoàn công nghệ lấy hạ tầng số, công nghệ số và dịch vụ số làm chủ đạo; sở hữu và khai thác nền tảng, hạ tầng trụ cột của hạ tầng số quốc gia.
VNPT đồng thời sẽ là nhà phát triển và ứng dụng các công nghệ cốt lõi (ảo hóa hạ tầng, công nghệ điện toán đám mây, AI/Big Data...) để chuyển đổi mô hình mạng lưới viễn thông - công nghệ thông tin (CNTT) hướng tới việc cung cấp hạ tầng số, nền tảng cung cấp và kết nối hub - gateway, thông minh hóa sản xuất các sản phẩm dịch vụ số cho nền kinh tế số, chính phủ số và xã hội số.
Về tình hình kinh doanh, VNPT phấn đấu tổng doanh thu giai đoạn đến hết năm 2025 đạt 287.933 tỷ đồng (gần 12 tỷ USD), nộp ngân sách Nhà nước 26.046 tỷ đồng.
Tác giả: Minh Khánh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy