Dòng sự kiện:
Vỡ hụi hơn 40 tỷ đồng ở Bắc Ninh: Người chơi nguy cơ mất trắng
14/06/2024 09:53:59
Để có tiền đóng hụi, có người phải nhịn ăn tiêu, thậm chí dồn những đồng trợ cấp người cao tuổi, người khuyết tật. Giờ đây họ có nguy cơ mất trắng khi chủ hụi tuyên bố vỡ nợ…

Tiết kiệm từng đồng để đóng hụi

Từ giữa tháng 5/2024 đến nay, hàng trăm người dân tại xã Tam Giang (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) hoang mang, lo lắng khi chủ hụi (ở đây gọi là bậu) Ngô Thị L tuyên bố vỡ nợ. Theo thống kê bước đầu của UBND xã Tam Giang, số tiền vỡ hụi hơn 40 tỷ đồng, với trên 100 nạn nhân.

Căn nhà của gia đình chủ hụi Ngô Thị L (ở thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, Bắc Ninh)

“Nhiều người già cả đời tằn tiện chi tiêu, hay công nhân cả tháng tăng ca, ốm cũng lết đi làm, có người tiết kiệm được vài chục triệu đồng sau này cho con làm vốn... đều đóng hết vào hụi. Giờ họ có nguy cơ mất sạch”, một cán bộ UBND xã Tam Giang tiết lộ.

Ông Nguyễn Thế H, chồng chủ hụi cho biết, gia đình có thể trả được 40% số tiền vỡ hụi

Bà Chu Thị C (82 tuổi, thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang) là người mất nhiều nhất. Đến thời điểm chủ hụi tuyên bố vỡ hụi, gia đình bà C đã đóng 1,3 tỷ đồng. Gia đình bà có 8 người góp tiền chơi hụi, nhưng chỉ mình bà C đứng tên. Một người cháu của bà C vốn bị khuyết tật, tiền trợ cấp hàng tháng cũng gom góp lại để chơi và giờ nguy cơ mất trắng.

Chúng tôi tới nhà bà C lúc bà và cháu đang ăn trưa. Bữa cơm chỉ có vài bìa đậu, đĩa rau luộc và bát nước chấm. “Nhịn ăn, nhịn mặc dành từng đồng để đóng hụi với mong muốn có khoản tiền tiết kiệm lớn. Thế nhưng, giờ gia đình tôi mất sạch rồi”, bà C nghẹn ngào.

Bà C chơi hụi từ hơn 2 chục năm nay. Vốn xuất thân nhà nông, bà bảo chơi hụi là cách để gửi “tiết kiệm”. Bà chọn dây hụi của bà L vì gia cảnh cơ bản, có uy tín. Vì thế, tiết kiệm được đồng nào, hay dịp lễ tết con cháu mừng tuổi bà đều dành để đóng hụi. “Hai năm nay, tôi được trợ cấp 440.000 đồng/tháng dành cho người cao tuổi nhưng không dám tiêu mà dành để đóng hụi. Giờ tôi chỉ mong làm sao lấy lại được tiền đã đóng thôi”, bà C bày tỏ.

Đáng thương hơn cả là trường hợp gia đình bà Lê Thị T thôn Vọng Nguyệt. Trong vụ vỡ hụi này, bà T mất hơn 80 triệu đồng, là toàn bộ tài sản tích cóp hàng chục năm qua. Chồng mất sớm, một mình bà T vất vả kiếm tiền nuôi 2 con. Dành dụm được ít tiền, bà mua vàng mong để sau này làm quà cưới cho con. Tuy nhiên, khi chơi hụi, bà bán vàng để lấy tiền đóng. Đến lượt lấy tiền hụi, bà không nhận mà tiếp tục cho bà L vay lại. Bây giờ, chủ hụi tuyên bố vỡ nợ, bà có nguy cơ mất trắng số tiền tiết kiệm trên.

Có hàng trăm dây hụi ở xã

Căn nhà 5 tầng của chủ hụi Ngô Thị L (thôn Vọng Nguyệt) nằm tại ngã ba khu đất đấu giá của thôn chúng tôi. Nghe tiếng gọi, ông Nguyễn Thế H (chồng chủ hụi) mở cửa mời vào nhà. “Sau khi vợ tôi tuyên bố vỡ nợ, gia đình rối như canh hẹ. Vợ tôi như phát điên, còn có ý định tự tử. Tôi phải canh và nhờ người thân túc trực bên cạnh”, ông H chia sẻ.

Ông H. cho biết, bản thân là sỹ quan quân đội về hưu. Quá trình công tác luôn được đồng đội và nhân dân tín nhiệm. Thế nhưng, vụ vỡ hụi này đã khiến ông mất hết uy tín, danh dự. Ông đã xin thôi hết các chức vụ đảng ở địa phương và được chấp nhận. Hằng ngày ông phải chứng kiến nhiều người đến gọi cửa, chửi rủa. “Gia đình chúng tôi đang tính bán hết đất đai, nhà cửa để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, số tiền quá lớn, tổng tài sản của gia đình chỉ được khoảng 40% số tiền vỡ hụi”, ông H nói.

Ông Nguyễn Vân Hà, Phó Chủ tịch UBND Tam Giang xác nhận về vụ vỡ hụi trên. Sau khi nhận được đơn tố cáo, UBND xã phối hợp cùng lực lượng chức năng vào cuộc xác minh và mời vợ chồng chủ hụi lên làm việc. Vợ chồng chủ hụi thừa nhận vỡ hụi, với số tiền trên 40 tỷ đồng và hứa sẽ tìm giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, số tiền vỡ hụi quá lớn, vượt xa tổng số tài sản của gia đình nên chưa có phương án giải quyết cụ thể. Hiện hồ sơ vụ việc đã được chuyển lên Công an huyện Yên Phong để điều tra, giải quyết.

Ông Hà cho biết thêm, chơi hụi là một cách tiết kiệm ở nông thôn. Khi chơi hụi, mỗi tuần hoặc mỗi tháng chỉ đóng một số tiền nhỏ. Khi gia đình nào có việc gấp sẽ được ưu tiên lấy trước. Vì thế, tại Tam Giang, ở các thôn, làng đều có hàng trăm dây hụi. Không chỉ bố mẹ chơi hụi mà các con, cháu cũng tham gia chơi. Ngay tại UBND xã Tam Giang cũng có vài dây hụi, do mấy anh em cán bộ trong ủy ban chơi nhằm giúp đỡ nhau.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, chơi hụi (bậu) khá phổ biển ở nhiều địa phương và Chính phủ đã có Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19/2/2019 về họ, hụi, phường nhằm điều chỉnh hoạt động này. Cụ thể, chủ hụi và thành viên dây hụi phải thông báo về nơi cư trú mới cho các thành viên còn lại nếu có thay đổi nơi cư trú. Dây hụi phải được lập thành văn bản và có đầy đủ tên, số CCCD… Thành viên dây hụi được quyền xem, sao chụp sổ hụi và cung cấp các thông tin liên quan. Khi phát hiện chủ hụi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo chính quyền địa phương và cơ quan công an để được hỗ trợ xử lý, bảo vệ quyền lợi.

Tác giả: Thanh Hiếu

Theo: Tiền Phong
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến