Dòng sự kiện:
Vốn để kho lo tăng trưởng
18/05/2018 08:01:58
Đội vốn, chậm giải ngân, chậm thanh toán ở các dự án đầu tư công và dự án ODA đang ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng và gây lãng phí gấp 3 lần.

“Quốc hội, Chính phủ sốt ruột lắm. Một đồng đầu tư công là vốn mồi mà nay giải ngân chậm thì các nguồn vốn khác cũng chậm theo. Vốn ra chậm ngày nào thì chậm tăng trưởng ngày đó”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phát biểu như vậy trước thực trạng vốn đầu tư công giải ngân chậm.

Một đồng đầu tư công đưa vào càng sớm càng tạo điều kiện cho tăng trưởng, việc làm, thu nhập

Năm 2016, cả nước giải ngân 91,3% kế hoạch vốn giao, năm 2017 tỷ lệ này thấp hơn khi đạt 85,6%. Trong quý I/2018, cả nước mới giải ngân được 9,4% kế hoạch vốn. “Một đồng giải ngân trong quý I sẽ tác động tới kinh tế, xã hội của các quý sau. Giải ngân chậm cũng sẽ làm ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô khi Nhà nước huy động được tiền từ trái phiếu, ODA mà lại không thể tiêu được”, Phó Thủ tướng thúc giục.

Chính phủ đặt mục tiêu năm  nay giải ngân 100% vốn đầu tư công, nhưng với tiến độ thực hiện này cho thấy đây sẽ là một thách thức. Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng cho biết, quý I mới giải ngân được 19,92% vốn ODA, tính chung vốn đầu tư công ở Hải Phòng mới giải ngân được 1,4% kế hoạch và đang cố gắng hết nửa năm giải ngân được 50% vốn được giao. Đến nay, ở Hải Phòng, vốn hỗ trợ có mục tiêu chưa giải ngân được đồng nào, các nguồn vốn của địa phương mới giải ngân được hơn 609 tỷ đồng (bằng 6,5% kế hoạch).

Ở Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND khẳng định năm nay thành phố sẽ hoàn thành 100% tiến độ và khối lượng giải ngân vốn. Nhưng nhìn vào tiến độ thì thấy sự khẳng định này là một thách thức. Trong năm 2018, thành phố phải hoàn thành và đưa vào sử dụng 89/117 công trình khi mà tới nay mới triển khai được gần 10 công trình. Nếu chủ trương đầu tư 3 dự án đường sắt đô thị được Quốc hội phê duyệt thì Hà Nội kiến nghị Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, tăng trần chi và giải ngân từ nguồn vốn ODA.

Lãnh đạo TP. Hải Phòng cho biết đang gặp khó khi số vốn ODA cấp phát còn thiếu cho 4 dự án so với nhu cầu để kết thúc Hiệp định tài trợ vốn đã ký (có 3 dự án kết thúc năm 2018) , cần phải bổ sung cho kế hoạch trung hạn hơn 2.404 tỷ đồng.

Một trong những vấn đề chia sẻ với báo giới đầu tiên của tân Trưởng Đại diện Jica tại Việt Nam ông Konaka Tetsuo là vấn đề chậm thanh toán tại các dự án sử dụng vốn ODA và tình trạng chậm giải quyết các thủ tục liên quan đến dự án ODA.

“Chúng tôi hiểu cơ chế của Việt Nam là các bộ ngành phải trao đổi với nhau trước khi đưa ra quyết định nhưng quá trình này đang dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án”, ông Konaka phát biểu.

Điển hình là dự án đường sắt đô thị TP.Hồ Chí Minh và một số dự án sử dụng vốn ODA khác mà Bộ Giao thông là chủ đầu tư. Ngay như dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản ở Hải Phòng cũng đang chững lại.

JICA nhận thấy rằng việc thực hiện Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư trung hạn một mặt nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư trong đó có vốn vay ODA nhưng mặt khác lại phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính  và nảy sinh tình trạng vốn dự án vượt trần Quốc hội cho giải ngân. Vì thế vốn còn đó mà giải ngân không được phải chờ được phê duyệt.

"Để các dự án ODA của Nhật Bản được thực hiện một cách thuận lợi và nhanh chóng, đạt được hiệu quả mong muốn, JICA đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục rà soát các thủ tục để nhanh chóng đưa ra những quyết định về việc phân bổ ngân sách cho các dự án vốn vay ODA và đơn giản hóa thủ tục…" – Trưởng đại diện JICA Việt Nam cho biết.

Vốn có mà để đó, chậm giải ngân gây thiệt hại kinh tế chung không nhỏ và gây lãng phí gấp 3 lần. Đó là lãng phí khi dự án chậm tiến độ, chậm hoàn thành. Trong khi vốn vay về để đó, ngân sách vẫn phải trả lãi, công trình kéo dài thời gian thi công, nhà thầu chậm được thanh toán là chậm trả lương cho người làm… thời gian thi công kéo dài, kèm theo lạm phát là lại kéo chi phí đầu tư cao lên… Còn phía nhà thầu thì bên này chậm được thanh toán bên kia phải vay ngân hàng chịu lãi suất.

Luật Đầu tư cho phép giải ngân vốn ODA theo tiến độ thực hiện dự án nhưng Luật Ngân sách nhà nước lại quy định giải ngân theo dự toán; thẩm quyền điều chỉnh vốn giữa các dự án (không làm tăng tổng mức đầu tư) với các nguyên tắc bắt buộc, kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục giải ngân... Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công ban hành năm 2014 đã khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán nhưng tới nay phát sinh bất cập về pháp lý, làm ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn.

Theo ý kiến của các chủ đầu tư, do số lượng dự án đầu tư xây dựng hàng năm tại các bộ, ngành, địa phương lớn, trong khi lực lượng cán bộ của cơ quan chuyên môn về xây dựng có hạn, vì vậy làm chậm tiến độ thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng, ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn, ngay như  Bộ Tài chính đã có dự án mất 6 tháng để thẩm định thiết kế, dự toán tại Bộ Xây dựng.

 Phó Thủ tướng thúc giục: “Chúng ta có tiền mà không tiêu được là thiếu trách nhiệm, một đồng đầu tư công đưa vào càng sớm, công trình đưa vào hoạt động càng tốt thì càng tạo điều kiện cho vấn đề tăng trưởng, việc làm, thu nhập cho người lao động và thuế cho ngân sách Nhà nước, giải quyết được các cân đối vĩ mô hiệu quả hơn”.

Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, các bộ khẩn trương và tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính: “Đương nhiên chúng ta phải làm đúng, làm nhanh, có tính quyết đoán, tăng cường bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm và phối hợp trong xây dựng kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công. Anh nào không quyết đoán được hay ôm hồ sơ, xử lý chậm phải gạt sang một bên để thay thế”. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu việc quản lý nguồn vốn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn về thẩm quyền quyết định, phân cấp hơn nữa cho địa phương, đặc biệt là dự án sử dụng nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/4/2018 ước tính đạt 353,3 nghìn tỷ đồng, bằng 23,2% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 54,6 nghìn tỷ đồng, bằng 13,7%; chi trả nợ lãi 37,6 nghìn tỷ đồng, bằng 33,4%. Giải ngân nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi trong 4 tháng đầu năm giải ngân khoảng 700 triệu USD, tương đương 6.425 tỷ đồng. Trong đó 60% vốn vay về rồi cấp phát khoảng 520 triệu USD, tương đương 11.650 tỷ đồng.

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến