Dòng sự kiện:
Vốn điều lệ các ngân hàng tăng thêm hơn 55.000 tỉ trong năm 2018
31/01/2019 20:04:42
Theo thống kê của người viết, trong năm qua có đến hơn 20 ngân hàng có kế hoạch tăng vốn điều lệ.

Kết quả huy động cho thấy gần một nửa số đó đạt tỷ lệ thành công 100%, thành công nhất phải kể đến Techcombank với số vốn mang về gấp 3 lần. Trong khi đó, BIDV ngậm ngùi với kế hoạch tăng vốn thêm một năm bất thành.

Đa sắc thái tăng vốn ngân hàng

Cụ thể, trong năm qua có 23 ngân hàng đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ. Có 8 ngân hàng hoàn thành 100% kế hoạch, trong khi có 4 ngân hàng đến nay vẫn chưa huy động được cổ phiếu nào.

Tổng giá trị vốn điều lệ (theo mệnh giá) của các ngân hàng tăng thêm 55.155 tỉ đồng. Chiếm hơn 40% là đợt tăng vốn “khủng” của Techcombank thông qua chia 2,3 tỉ cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu theo tỉ lệ 1:2.

Đây có thể được xem là đợt tăng vốn thành công nhất năm qua trong giới ngân hàng, nhờ đó, Techcombank đã vượt mặt BIDV để đứng Top 3 về vốn điều lệ các ngân hàng cổ phần sau VietinBank, Vietcombank.


Hầu hết đợt tăng vốn của ngân hàng thông qua việc phát hành cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu, chào bán cho cổ đông hiện hữu hoặc nhà đầu tư riêng lẻ.

Xét về con số tuyệt đối, đứng sau Techcombank là VPBank với số vốn điều lệ tăng thêm gần 9.600 tỉ lên 25.300 tỉ đồng, đưa VPBank trở thành ngân hàng có vốn tỉ USD và đứng vào top 5 (so với top 6 vào năm 2017).

Tuy nhiên xét về tỷ lệ thành công thì đợt tăng vốn của VPBank chỉ mới đạt khoảng 80% kế hoạch. Mục đích ban đầu là tăng lên 27.799 tỉ đồng gồm từ phát hành cổ phiếu thưởng, ESOP, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.

SeABank và OCB cũng rất đáng chú ý với việc hoàn thành mục tiêu tăng vốn trong năm qua, ngoài cổ phiếu thưởng, cổ tức bằng cổ phiếu thì còn có phát hành cho đối tượng chọn lọc. Cả hai cùng đưa vốn lên ngưỡng 7.500 tỉ đồng.

Ngân hàng kín tiếng và duy trì vốn 3.000 tỉ đồng suốt 7 năm qua, Bản Việt, gây bất ngờ với việc tăng vốn điều lệ lên 3.500 tỉ đồng thông qua chào bán cho cổ đông hiện hữu. Gần như thông tin về tăng vốn của Bản Việt chỉ được công bố khi có kết quả hoàn thành. Trong lộ trình năm 2018, Bản Việt vẫn còn dở dang kế hoạch phát hành 20 triệu cp thưởng để đưa vốn đạt 3.700 tỉ đồng.

Đợt tăng vốn của Vietbank gây không ít chú ý thời gian qua. Bởi đi sau đó là sự thay đổi lớn trong cơ cấu cổ đông sáng lập của ngân hàng khi gia đình bầu Kiên thoái sạch vốn VietBank, đồng thời vợ là bà Đặng Thị Ngọc Lan rút lui khỏi HĐQT ngân hàng.

Không những thế, Vietbank còn gây xôn xao với việc phân phối 6,6 triệu cổ phần “ế” trong đợt phát hành cho 1 cá nhân sinh năm 1994. Theo tìm hiểu, cá nhân này có mối liên hệ với Tập đoàn Hoa Lâm thông qua việc đứng tên đại diện pháp luật của khá nhiều doanh nghiệp liên quan tới tập đoàn.

Hành trình tăng vốn của Vietcombank năm qua cũng tốn không ít giấy mực của báo giới khi ròng rã nhiều năm ngân hàng này vẫn chưa thể chốt mức giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Phải đến những ngày cuối cùng của năm 2018, kết quả mới được lãnh đạo ngân hàng hé lộ rằng quỹ đầu tư quốc gia của Singapore GIC và Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản đã mua lần lượt hơn 94,4 triệu cp và 16,7 triệu cp Vietcombank, đưa vốn điều lệ ngân hàng lên gần 37.089 tỉ đồng.

Mặc dù thu về số tiền 6,2 nghìn tỉ đồng, gấp hơn 5 lần mệnh giá, nhưng Vietcombank cũng chỉ mới đạt được 1/3 chặng đường tăng vốn đặt ra trong năm.

(ĐVT: tỉ đồng, nguồn: TV tổng hợp)

Chật vật không kém là Nam A Bank. Năm qua ngân hàng chỉ mới hoàn tất việc tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu lên hơn 3.300 tỉ đồng. Kế hoạch chào bán gần 165 triệu cổ phần cho cđ vẫn chưa thể thực hiện suốt hai năm qua.

Đối với HDBank, câu chuyện tăng vốn của ngân hàng đang trông chờ vào kết quả sáp nhập với ngân hàng PG Bank. Năm qua, HDBank chỉ mới hoàn tất phát hành 20 triệu cp ESOP để nâng vốn lên 10.010 tỉ đồng.

Đau đầu nhất có lẻ là vấn đề tăng vốn của BIDV và VietinBank. Năm qua, BIDV lên rất nhiều kế hoạch, từ chào bán ra công chúng hoặc riêng lẻ gần 171 triệu cp, chào bán cho nước ngoài hơn 603 triệu cp, ESOP gần 171 triệu cp… nhưng tất cả đều bất thành.

Tín hiệu gần đây nhất là việc hồi tháng 11/2018, cổ đông BIDV đã đồng ý việc phát hành riêng lẻ hơn 600 triệu cổ phiếu (17,65% vốn điều lệ hiện tại) cho Ngân hàng Hàn Quốc KEB Hana. Tuy nhiên hiện mức giá phát hành chưa được công bố, ước tính sơ bộ theo thị giá, lượng cổ phiếu này tương đương 19.115 tỉ đồng.

VietinBank nan giải trong bài toán tăng vốn khi các nguồn lực để tăng vốn tự có, vốn điều lệ đều đã được khai thác ở mức tới hạn; room ngoại gần phủ kín, tỷ lệ sở hữu Nhà nước đã ở mức tối thiểu được chính phủ phê duyệt. Dư địa tăng vốn cấp 2 thông qua trái phiếu ngân hàng chỉ còn khoảng 700 tỉ đồng, trái phiếu chuyển đổi thì chưa có cơ sở để phát hành. Trong khi đó, con đường tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc giữ lại lợi nhuận vẫn chưa được sự đồng thuận của cổ đông lớn Nhà nước.

Chủ tịch VietinBank Lê Đức Thọ nhấn mạnh: “Việc tăng vốn, tăng năng lực tài chính là một vấn đề trọng tâm và cấp bách của VietinBank. Do đó, VietinBank đang tích cực hoàn thiện và đề xuất để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm phê chuẩn kế hoạch tăng vốn của VietinBank”.

Đối với NCB, hiện là ngân hàng có mức vốn điều lệ thấp nhất hệ thống, kế hoạch tăng vốn lên hơn 5.004 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phiếu ESOP, cp cho cổ đông hiện hữu và NĐT chiến lược chỉ mới nhận được sự chấp thuận của NHNN hồi tháng 12/2018. Đến nay vẫn chưa thấy ngân hàng công bố kết quả.

Nhiều thứ hạng vốn điều lệ ngân hàng thay đổi sau khi tăng vốn trong năm 2018


Tăng vốn trước nhiều áp lực

Năm 2019, theo các chuyên gia tài chính việc tăng vốn ngân hàng vẫn sẽ là một trong những áp lực lớn đối với các ngân hàng, khi nào Thông tư 41/2016 về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng trong lộ trình triển khai Basel II, sẽ chính thức có hiệu lực vào đầu 2020.

Nhiều ngân hàng năm qua chọn thêm phương án phát hành trái phiếu song song với phát hành cổ phiếu. Tuy nhiên về lâu dài, trái phiếu sẽ gây áp lực trả nợ cho ngân hàng khi trái phiếu đáo hạn. Bên cạnh đó, ảnh hưởng lên mặt bằng lãi suất khi nhiều người đem tiền đầu tư vào nơi lãi suất cao trong trung dài hạn, ảnh hưởng nguồn huy động ngắn hạn. Vô hình chung, ngân hàng phải tăng lãi suất tiền gửi ngắn hạn để tránh hụt nguồn vốn, từ đó ảnh hưởng lãi suất ở các kỳ hạn khác.

Mặt khác, trong cuộc đua fintech và khi các Hiệp định thương mại Việt Nam gia nhập chính thức có hiệu lực trong năm 2019 - 2020, sự cạnh tranh của ngành tài chính sẽ càng khốc liệt hơn. Điều này có thể thấy thông qua hầu hết mục đích tăng vốn của các ngân hàng tập trung vào đầu tư cho công nghệ thông tin, cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới…

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến