Dòng sự kiện:
Vốn FDI đạt 14 tỷ USD
31/05/2021 06:33:12
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê cho biết, trong số đó có 613 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 8,83 tỷ USD, giảm 49,4% về số dự án và tăng 18,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 342 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 3,86 tỷ USD, tăng 11,7%; có 1.422 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 1,31 tỷ USD, giảm 56,3%.

Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 430 lượt góp vốn làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 500,8 triệu USD và 992 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 807,2 triệu USD.

Vốn FDI đạt 14 tỷ USD trong 5 tháng năm 2021.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5.172,4 triệu USD, chiếm 72,3% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 967,2 triệu USD, chiếm 13,5%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 509,6 triệu USD, chiếm 7,2%.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2021, ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt gần 5 tỷ USD, chiếm 56,5% tổng số vốn đăng ký cấp mới; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2,6 tỷ USD, chiếm 29,1%, các ngành còn lại đạt 1.265,7 triệu USD, chiếm 14,4%.

Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5,68 tỷ USD, chiếm 44,8% tổng số vốn; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 5,33 tỷ USD, chiếm 42%; các ngành còn lại đạt 1,68 tỷ USD, chiếm 13,2%.

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 461,3 triệu USD, chiếm 35,3% tổng vốn; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 248,4 triệu USD, chiếm 19%; hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy đạt 161,7 triệu USD, chiếm 12,3%; các ngành còn lại đạt 436,5 triệu USD, chiếm 33,4%.

Trong số 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2021, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4.443,8 triệu USD, chiếm 50,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; Nhật Bản 1.830 triệu USD, chiếm 20,7%; Đặc khu hành chính Hồng Công (TQ) 798,5 triệu USD, chiếm 9%; Trung Quốc 599,6 triệu USD, chiếm 6,8%; Hàn Quốc 447,9 triệu USD, chiếm 5,1%; Hoa Kỳ 148,8 triệu USD; chiếm 1,7%; Đài Loan 90,4 triệu USD, chiếm 1%.

Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, Tổng cục Thống kê cho hay, trong 5 tháng đầu năm 2021 có 21 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu tư của phía Việt Nam là 143,5 triệu USD; có 9 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm đạt 403,2 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 5 tháng đạt 546,7 triệu USD, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trong 5 tháng đầu năm có 15 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Hoa Kỳ là nước dẫn đầu với 302,8 triệu USD, chiếm 55,4%; Campuchia 89,1 triệu USD, chiếm 16,3%; Canada 32,1 triệu USD, chiếm 5,9%; Pháp và Đức cùng đạt 32 triệu USD, cùng chiếm 5,8%.

Tác giả: Linh Giang

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến