Dòng sự kiện:
Vốn hóa Alibaba bốc hơi 28 tỷ USD
31/01/2023 17:20:20
Giá cổ phiếu của Alibaba giảm mạnh sau nhiều tuần tăng trưởng mạnh. Giới đầu tư lo ngại rằng mã này đang bị quá mua và lợi nhuận của tập đoàn sẽ không cao như kỳ vọng.

Theo Bloomberg, đợt bán tháo lớn nhất của cổ phiếu Alibaba trong vòng 3 tháng cho thấy giới đầu tư vẫn lo ngại về đà phục hồi của hoạt động tiêu dùng tại đất nước tỷ dân. Tuần này, giá cổ phiếu của gã khổng lồ thương mại điện tử đã lao dốc 9,1%.

Điều này đồng nghĩa với việc giá trị vốn hóa thị trường của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc bay hơi 28 tỷ USD.

Đợt bán tháo khiến mức tăng trong tháng 1 bị thu hẹp còn 25%. Dù đã sụt giảm, tốc độ tăng trưởng của mã này vẫn cao gấp đôi Hang Seng Index ở Hong Kong.

Các nhà đầu tư thận trọng hơn sau đợt tăng trưởng phi mã của cổ phiếu Alibaba. Ảnh: Reuters.

Giới đầu tư thận trọng

Giới đầu tư lo ngại rằng lợi nhuận của Alibaba không phục hồi nhanh như những gì đã được thể hiện trên thị giá. Điều đó có thể làm đà tăng trưởng của cổ phiếu mất đi nhiệt lượng. Trước đó, giá cổ phiếu Alibaba tăng phi mã sau các báo cáo lạc quan từ các tổ chức như Citigroup và Goldman Sachs Group hồi đầu tháng này.

Các tổ chức đầu tư tin rằng ngành công nghệ của Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh mẽ. Đất nước 1,4 tỷ dân đã nới lỏng những biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, từ đó phục hồi các hoạt động kinh tế và chi tiêu tiêu dùng.

Một số nhà đầu tư đang trở nên thận trọng sau đợt tăng giá mạnh. Họ cũng chờ đợi những dữ liệu mới, bao gồm thu nhập và định hướng kinh doanh

Ông Banny Lam - Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Ceb International Inv Corp

Thêm vào đó, Bắc Kinh đã nới lỏng các quy định kiểm soát đối với ngành công nghiệp công nghệ nước này.

Kể từ năm 2020, chính quyền Trung Quốc tăng cường chấn chỉnh các tập đoàn công nghệ tư nhân nước này sau nhiều thập kỷ tăng trưởng thần tốc. Năm 2021, Cục Quản lý thị trường Trung Quốc thông báo phạt Alibaba 18 tỷ nhân dân tệ, tương đương 2,75 tỷ USD vì vi phạm quy định về chống độc quyền. Đây là mức phạt kỷ lục đối với một công ty Trung Quốc.

Giới phân tích nhận định "thịnh vượng chung" là mục đích đằng sau cuộc trấn áp của chính quyền Bắc Kinh đối với các công ty tư nhân của đất nước. Hàng loạt tập đoàn lớn từ lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính), giao đồ ăn, gọi xe đến giáo dục đều bị nhắm đến.

Giờ đây, việc chấn chỉnh khu vực tư nhân của Bắc Kinh được gạt sang một bên để thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng giới phân tích lo ngại rằng các nhà chức trách sẽ không bao giờ từ bỏ hoàn toàn mục tiêu này.

Cổ phiếu bị quá mua

"Một số nhà đầu tư đang trở nên thận trọng sau đợt tăng giá mạnh. Họ cũng chờ đợi những dữ liệu mới, bao gồm thu nhập và định hướng kinh doanh", Bloomberg dẫn lời ông Banny Lam - Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Ceb International Inv Corp - nhận định.

Giá cổ phiếu của Alibaba đã tăng vọt 75% từ mức thấp trong tháng 10 năm ngoái. Đà tăng trưởng của mã này mạnh hơn hầu hết cổ phiếu thuộc chỉ số Hang Seng.

Cổ phiếu Alibaba không phải mã duy nhất tăng mạnh. Cổ phiếu của gã khổng lồ công nghệ Tencent Holdings và NetEase cũng có dấu hiệu bị quá mua.

Ngoài Alibaba, cổ phiếu của gã khổng lồ công nghệ Tencent Holdings và NetEase cũng có dấu hiệu bị quá mua. Ảnh: Reuters.

Theo dữ liệu được Bloomberg tổng hợp, dự báo lợi nhuận 12 tháng của Alibaba đã được điều chỉnh giảm khoảng 4% kể từ giữa tháng 12.

Tỷ lệ put-to-call (tỷ lệ số lượng quyền chọn bán trên số lượng quyền chọn mua) của cổ phiếu này đã tăng trở lại trong tháng 1 trên sàn Hong Kong. Điều này cho thấy cho các nhà đầu tư đang sử dụng nhiều biện pháp phòng vệ trước rủi ro cổ phiếu sụt giá hơn.

Theo dữ liệu của Bloomberg, xét về mặt kỹ thuật, cổ phiếu của Alibaba đã bị quá mua trong khoảng 3 tuần, trước khi lao dốc vào phiên giao dịch ngày 30/1.

Tác giả: Thảo My

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến