Tin liên quan
Việc xuất hiện những doanh nghiệp vốn lớn có thể giúp nâng giá trị vốn hóa của Hose thêm 12-15 tỉ đô la Mỹ từ mức hiện nay (chừng 60 tỉ đô la Mỹ). Ảnh TL SGT
Giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán là một khái niệm động, nó biến thiên không phải hàng ngày, mà là hàng giờ, hàng phút, thậm chí hàng giây. Bởi thế những nhà đầu tư bán ra cổ phiếu, cho dù với mục đích gì, rất hao công tổn sức canh thị trường để chọn thời điểm có lợi nhất.
Sabeco là một trong những cổ phiếu hiện có sức ảnh hưởng lớn nhất lên VN-Index nhờ giá trị vốn hóa của nó. Ngày 3-1-2017 ở mức giá 197.000 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa của Sabeco là 5,54 tỉ đô la Mỹ. Sau 10 phiên liền tăng điểm trong đó 9 phiên tăng trần, SAB đã giao dịch tương đối ổn định ở vùng giá quanh 200.000 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa của Sabeco đã từng chạm đến 6,33 tỉ đô la Mỹ.
Trong năm 2017, giá trị vốn hóa và ảnh hưởng của những cổ phiếu lớn lên VN-Index nhiều khả năng thay đổi do sàn TPHCM đón nhận thêm những doanh nghiệp mới niêm yết và một số doanh nghiệp chuyển từ sàn UpCom qua. Trong số này có những tên tuổi không thể không chú ý như ACV, Habeco, Masan Consumer, PV Power, QNS, Vinatex, Vietnam Airlines, Petrolimex, Tổng công ty Lâm Nghiệp, VietJet Air, PV Oil...
Việc xuất hiện những doanh nghiệp vốn lớn có thể giúp nâng giá trị vốn hóa của Hose thêm 12-15 tỉ đô la Mỹ từ mức hiện nay (chừng 60 tỉ đô la Mỹ). Giá trị vốn hóa thị trường và những công ty tầm cỡ là một trong những điều kiện để chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ cận biên lên thị trường mới nổi. Hãng tin CNBC mới đây nhận định VN-Index nằm trong số những chỉ số chứng khoán tăng trưởng mạnh của châu Á năm 2016, chỉ sau Pakistan và Thái Lan.
Những doanh nghiệp “tân binh” mới kể trên còn làm cho danh sách các công ty trong VN30 biến động. Không ít cổ phiếu quen thuộc với nhà đầu tư phải rời sân VN30 để nhường chỗ cho một thế hệ trẻ tiềm năng. Các tổ chức dù muốn hay không cũng phải cơ cấu lại danh mục đầu tư để tránh bị tụt lại so với VN-Index.
Một trong những ẩn số của thị trường sẽ là cổ phiếu ngân hàng. Ngày giao dịch đầu tiên của năm con gà, cổ phiếu ngân hàng tăng điểm rất mạnh mà không có sự hỗ trợ của thông tin mới nào. Có thể lý do chỉ đơn giản là cổ phiếu ngân hàng đã giảm sâu hàng tháng trời và nay bật lên như một phản ứng mang tính kỹ thuật. Ngoài ra một số ngân hàng cổ phần chuẩn bị đăng ký giao dịch trên UpCom như VIB, Techcombank có giá giao dịch ở OTC khá tốt. So với thị giá các cổ phiếu ngân hàng tại OTC, cổ phiếu ngân hàng trên Hose và Hnx như BID, CTG, EIB, STB, ACB... trở nên rẻ.
Mặt khác xu hướng tăng trưởng của cổ phiếu tài chính trên thị trường quốc tế đã được khẳng định và đang bước vào chu kỳ mới. Trên thế giới khi các chỉ số chứng khoán đạt đỉnh cao mới và lãi suất đồng đô la Mỹ bắt đầu đi lên, cổ phiếu ngân hàng tại Mỹ được hưởng lợi nhiều nhất. Lợi nhuận các ngân hàng thường được cải thiện rõ rệt nhờ chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra, điều hầu như bị triệt tiêu khi mặt bằng lãi suất quá thấp mà thị trường Nhật Bản đang là thí dụ điển hình.
Ở chiều ngược lại lãi suất cao sẽ “giết chết” ngành kinh doanh bất động sản bởi không ai bỏ tiền vào thứ hàng hóa phải trả lãi vay quá cao hay nói cách khác là chịu gánh nặng chi phí tài chính lớn. Tất nhiên thị trường bất động sản Việt Nam có đặc thù riêng, tuy nhiên lãi suất tiền đồng đang ở vùng thấp nhất nhiều năm qua mà cổ phiếu bất động sản còn chật vật, vậy khi lãi suất biến động, thì tình hình sẽ ra sao?
Quay lại với các doanh nghiệp lớn vừa lên sàn và sắp sửa chuyển sàn, một số tổ chức tỏ ra e ngại khi chỉ số P/E của chúng đang ở mức cao so với mặt bằng chung thị trường. SAB đang được giao dịch với PE khoảng 30 lần, của Vietnam Airlines 35 lần, ACV 32 lần, Habeco 40 lần...
Các cổ phiếu mới đều có đặc điểm chung là Nhà nước vẫn còn nắm tỷ lệ vốn cao, hầu hết trên 70%, có công ty trên 90-95%, và lượng cổ phiếu có thể giao dịch rất ít, nhờ đó giá cổ phiếu lên xuống thất thường. Điều này rõ ràng sẽ gây trở ngại cho việc thoái vốn nhà nước sắp tới.
Thí dụ ACV, hiện nay các công ty trong cùng lĩnh vực như ACV ở châu Á có PE khoảng 14 lần và B/V khoảng 2 lần trong khi hai chỉ số tương ứng của ACV là 32 và 4,5 lần. Cho dù thị trường hàng không và dịch vụ hàng không ở Việt Nam đang tăng trưởng cao hơn một số nước khu vực, sự chênh lệch nói trên vẫn là quá lớn.
Hiện tại theo thống kê của Hnx và Hose, Nhà nước vẫn đang nắm giữ 33% cổ phần tại 312 doanh nghiệp niêm yết tại Hose, 43% cổ phần các đơn vị đăng ký giao dịch ở UpCom và 24% cổ phần của 378 công ty niêm yết trên Hnx. Việc Nhà nước thoái vốn là cơ hội để nhà đầu tư chọn lựa cổ phiếu tốt nhưng đồng thời cũng gây sức ép không nhỏ cho thị trường khi dòng tiền vào chứng khoán còn hạn hẹp.
Theo Thesaigontimes
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy