Dòng sự kiện:
Vốn ngân hàng chảy vào sản xuất kinh doanh tăng
06/05/2018 21:42:29
Tăng trưởng tín dụng của TP. Hồ Chí Minh trong 4 tháng đầu năm 2018 đạt 1.836,82 ngàn tỷ đồng, tăng 17,96% so với tháng cùng kỳ.

Đặc biệt có đến 80% tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, góp phần đảm bảo phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của thành phố.

Cùng với việc hỗ trợ nguồn lực cho các chương trình phát triển trọng tâm của kinh tế TP thì hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) đã tham gia tích cực hoạt động kết nối doanh nghiệp (DN) đưa dòng vốn phục vụ hoạt động hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều NH có cơ chế chính sách ký kết và giải ngân hiệu quả, đồng thời ưu tiên trợ vốn cho DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ, DN khởi nghiệp...

Tính đến tháng 4/2018 tổng vốn huy động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt 2.065,7 ngàn tỷ đồng, tăng 14,77% so với tháng cùng kỳ. Trong đó, vốn huy động của các ngân hàng thương mại cổ phần (NH TMCP) chiếm 50,94% tổng vốn huy động, tăng 9,73% so tháng cùng kỳ. Tiền gửi tiết kiệm chiếm tỷ trọng 50% tổng vốn huy động, tăng 8,01% so với tháng cùng kỳ. Theo loại tiền gửi, vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 10,85%; vốn huy động VNĐ tiếp tục tăng trưởng nhanh và chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng nguồn vốn, chiếm 89,15%.

Nhìn chung, nguồn vốn huy động tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực, đảm bảo khả năng thanh khoản và điều kiện để tăng trưởng tín dụng đạt kết quả tích cực trong năm 2018.

Tổng dư nợ tín dụng trên địa TP. Hồ Chí Minh tính đến tháng 4/2018 đạt 1.836,82 ngàn tỷ đồng, tăng 17,96% so với tháng cùng kỳ và tăng 4,29% so với tháng 12/2017. Trong đó, dư nợ tín dụng của các NH TMCP đạt 967,01 ngàn tỷ đồng, chiếm 52,65% tổng dư nợ, tăng 14,27% so tháng cùng kỳ. Dự ước dư nợ tín dụng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với các năm trước giúp cho DN có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Để đảm bảo tăng trưởng tín dụng, cung vốn kịp thời cho DN sản xuất kinh doanh, nhiều NHTM đã chủ động tháo gỡ vướng mắc cho DN vay vốn nhất là tài sản thế chấp, thực hiện tiếp tục các chương trình kết nối NH- DN, thiết kế riêng các gói tín dụng cho DN siêu nhỏ theo yêu cầu và đa dạng mục đích sử dụng vốn, tạo điều kiện tối đa cho DN tiếp cận vốn. Bởi lẽ, các DN nhỏ thường mới thành lập, doanh thu ít, không có tài sản thế chấp nên rất khó tiếp cận nguồn vốn NH. Ngoài ra, nhiều NH cũng rút ngắn quy trình thẩm định hồ sơ thủ tục theo tiêu chí nhanh gọn, đơn giản, đa dạng.

Từ phía các NHTM cũng cho rằng để tránh nợ xấu các NH đều có kế hoạch chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh; đặc biệt, đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao.

Theo Báo Công thương

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến