Dòng sự kiện:
Vốn ngoại quan tâm ngân hàng
15/09/2018 07:09:20
Không chỉ rót vốn dưới hình thức hợp tác, dòng vốn ngoại còn hướng đến việc tham gia trực tiếp vào thị trường tài chính – ngân hàng Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán sáp nhập.

Tìm dòng vốn ngoại

Dòng vốn ngoại đang không ngừng đổ vào Việt Nam theo nhiều hình thức. Quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế được khởi động, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch tạo thêm nhiều điều kiện thu hút các nhà đầu tư (NĐT) ngoại rót vốn vào thị trường Việt Nam.

Trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, mới đây nhất SHB đã ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược toàn diện với Ngân hàng Đầu tư Quốc tế (IIB) và trao Hợp đồng tín dụng khung với Ngân hàng Hợp tác Kinh tế Quốc tế (IBEC). Theo đó, IIB sẽ cung cấp cho SHB khoản vay trị giá 20 triệu USD kỳ hạn 5 năm. Số vốn này tài trợ cho việc thực hiện các giao dịch thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại, các giao dịch xuất nhập khẩu hàng hoá giữa các nước thành viên IBEC, hoạt động ngoại hối, huy động vốn, các hoạt động tài trợ và bảo lãnh đối với các dự án hai bên cùng quan tâm.

Lĩnh vực ngân hàng đang thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại

Chủ tịch HĐQT SHB ông Đỗ Quang Hiển chia sẻ: Đây là hoạt động hiện thực hoá chủ trương của Chính phủ, NHNN và Liên bang Nga trong việc mở ra phương thức thanh toán mới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng thương mại, xuất nhập khẩu, đầu tư cho các DN giữa hai quốc gia; góp phần thúc đẩy phát triển hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Liên bang Nga.

Trước đó, LienVietPostBank cũng đã nhận được khoản vay 50 triệu USD từ JPMorgan Chase với kỳ hạn 3 năm. IFC cũng đã cấp khoản vay 100 triệu USD cho TPBank vào đầu năm 2018. Deutsche Bank cũng cấp khoản vay 100 triệu USD cho FE Credit (VPBank), hay như ABBank nhận khoản vay hợp vốn 150 triệu USD từ IFC năm 2017…

Không chỉ rót vốn dưới hình thức hợp tác, dòng vốn ngoại còn hướng đến việc tham gia trực tiếp vào thị trường tài chính – ngân hàng Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A). Tại Hội nghị lần thứ 33 của Hiệp hội Ngân hàng châu Á (ABA), Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã bày tỏ mong muốn các NĐT nước ngoài tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu cùng các ngân hàng Việt Nam. Và tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2018 mới đây, một trong những nội dung quan trọng được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề cập là Việt Nam sẽ xem xét cho phép một NĐT nước ngoài được mua và sở hữu một ngân hàng yếu kém trong diện tái cơ cấu trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Trao đổi với một chuyên gia kinh tế, ông này cho rằng việc cho phép NĐT nước ngoài được mua và sở hữu một ngân hàng yếu kém diện tái cơ cấu sẽ đem lại hỗ trợ tích cực cho hệ thống ngân hàng Việt Nam, góp phần gia tăng sự ổn định của toàn hệ thống.

Đảm bảo giữ ổn định hệ thống

Một chuyên gia kinh tế thẳng thắn chia sẻ, đối với một số ngân hàng yếu kém có hoạt động rất giới hạn về vốn, sản phẩm, thị phần… nên chắc chắn cần phải có sự tổ chức, cải tổ lại một cách toàn diện những ngân hàng trong diện này. “Việc có thể cho phép các NĐT nước ngoài mua lại các ngân hàng yếu kém, trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài là điều tích cực và phù hợp để huy động thêm nguồn lực vào cơ cấu lại ngân hàng yếu kém, xây dựng một hệ thống ngân hàng Việt Nam ngày càng lành mạnh và hiệu quả”, vị này cho hay.

Chuyên gia này cũng nhìn nhận, chắc chắn các NĐT nước ngoài đã phải có những khảo sát toàn diện, phân tích rõ ràng, cụ thể, chi tiết đối với những ngân hàng mà họ có dự định mua lại. Theo đó, các đối tác ngoại sẽ mua lại ngân hàng với mục đích “cải biến” ngân hàng đó hoạt động lành mạnh, hiệu quả hơn, chứ không ai mua một ngân hàng để trục lợi từ đó rồi rút khỏi thị trường Việt Nam. Vì làm như vậy, bản thân họ cũng sẽ phải chịu thiệt hại.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng nêu suy nghĩ, việc mua lại một ngân hàng yếu kém chắc chắn rủi ro đi cùng là vô cùng lớn. Song cũng nên hiểu rằng, việc mua lại một ngân hàng có năng lực yếu kém, tồn tại nhiều vấn đề rất cần tới NĐT ngoại là một định chế tài chính lớn, có năng lực tài chính đủ mạnh mới có thể mua được. “Ôm một ngân hàng có nợ xấu không nhỏ, việc tái cơ cấu là cực kỳ khó khăn. Song ngược lại, các NĐT này sẽ có được toàn quyền, có thể tái cơ cấu toàn bộ ngân hàng đó từ con người, bộ máy, quy trình, sản phẩm, ngay cả thị trường phát triển cũng có thể phần nào đó theo đường lối họ vạch ra. Dĩ nhiên, tất cả đều phải thực hiện theo đúng luật pháp của Việt Nam, quy định của NHNN”.

Trong các thương vụ M&A, vấn đề đầu tiên của các NĐT ngoại khi mua ngân hàng yếu kém tại Việt Nam là về giá cả. Chủ nhân của các ngân hàng yếu kém dĩ nhiên muốn bán được giá cao, trong khi các NĐT nước ngoài lại mong muốn mua được giá thấp. Như vậy, hai bên phải có sự gặp nhau, đồng thuận về giá cả. Bởi vậy, theo một lãnh đạo NHTM, để thương vụ thành công yếu tố mấu chốt là phải hài hoà được lợi ích của các bên.

Các chuyên gia cũng cho rằng, khi đã đồng ý cho các định chế tài chính nước ngoài mua lại ngân hàng yếu kém và có quyền cải tổ toàn diện, NHNN cũng cần tạo điều kiện phù hợp cho họ làm việc này. Phương pháp quản lý, tiến trình ra quyết định của ngân hàng đó có thể sẽ có những khác biệt với Việt Nam. “NHNN nên cho phép họ sử dụng phương pháp, quy trình truyền thống của họ, miễn sao không đi ngược lại với luật pháp Việt Nam, để họ có thể tạo ra môi trường kinh doanh phù hợp, thuận lợi cho họ nhưng vẫn bảo đảm nghiêm các quy định của luật pháp Việt Nam”, một chuyên gia nêu ý kiến.

Cũng theo vị chuyên gia này, trình độ quản trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát triển và tồn tại của một ngân hàng, tạo ra cả thách thức và cơ hội. Một ngân hàng có năng lực quản trị kém khi hoạt động trong một thị trường cạnh tranh cao sẽ rất dễ bị thâu tóm, ngay kể cả khi hoạt động tài chính còn đang tốt. Nếu không cũng sẽ dẫn tới kịch bản sáp nhập khi mà ngân hàng đã quá yếu kém trong hoạt động kinh doanh của mình. Ngược lại, quản trị ngân hàng tốt sẽ tạo ra nhiều cơ hội trong một thị trường có sự tồn tại của một hệ thống đối tác phong phú và đa dạng. Nếu nắm bắt cơ hội tốt, ngân hàng sẽ có thể thâu tóm lại hoặc nhận sáp nhập những ngân hàng mà giá trị thuần vẫn còn dương, từ đó càng củng cố sức mạnh cho ngân hàng mình.

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến