Dòng sự kiện:
Vốn ngoại tiếp tục chảy mạnh vào thị trường ngân hàng
02/06/2024 13:01:44
Hoạt động chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài đã được nhiều ngân hàng đẩy mạnh trở lại sau giai đoạn trầm lắng.

Hút thêm vốn ngoại để tăng vốn

Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap (VCSC) cho biết, với tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024, kỳ vọng các hoạt động huy động vốn sẽ mạnh hơn từ nửa cuối năm. Trong đó, Vietcombank, BIDV và LPBank sẽ huy động vốn mới thông qua phát hành riêng lẻ, với tổng giá trị ước tính là 64.900 tỷ đồng.

HDBank có kế hoạch phát hành 12.200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi quốc tế vào năm 2024. Song VCSC cho rằng, thời gian có thể kéo dài do chi phí tài trợ trong nước vẫn thuận lợi trong phần lớn năm nay.

Tại một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, ông Jens Lottner, CEO Techcombank cho biết, ngân hàng này có thể “mở cửa” chào đón thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình tìm kiếm đối tác chiến lược dài hạn. Các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm khoảng 22% cổ phần của Techcombank, nhưng có thể sở hữu thêm 8% nữa. Tuy nhiên, Ngân hàng sẽ không quá tập trung vào việc tìm kiếm các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Ban Quan hệ đầu tư của HDBank, ngân hàng này đã có sự chuẩn bị cần thiết cho đối tác chiến lược, để dành khoảng 10% room ngoại cho việc phát hành tăng vốn. Kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược hoàn toàn có thể triển khai khi điều kiện thị trường thuận lợi và Ngân hàng tìm được đối tác phù hợp.

Thời gian qua, HDBank đã nhận được sự quan tâm từ một số đối tác nước ngoài đến từ Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ. Ông Tùng cho biết, việc lựa chọn nhà đầu tư để phát hành tăng vốn, thu hút cổ đông chiến lược luôn nằm trong định hướng của Ngân hàng nhằm nâng cao năng lực tài chính để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, đồng thời bảo đảm chỉ tiêu an toàn vốn và thanh khoản.

Theo TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Dragon Capital, đầu năm nay, có một vài thông tin trên thị trường về việc các ngân hàng lớn bán vốn. Cụ thể, Vietcombank dự kiến bán 6,5% vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài, BIDV chào bán 9%. Các ngân hàng khác cũng đã xin ý kiến tăng vốn trong kỳ đại hội vừa rồi và chủ động khóa room chờ các nhà đầu tư nước ngoài.

Luật Tổ chức tín dụng mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, với các điều khoản về quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan cụ thể hơn, sẽ hỗ trợ đẩy mạnh việc nhập, chuyển giao các ngân hàng yếu kém. Trong đó, theo ông Tuấn, đối với nhóm bán vốn, khối ngoại sẽ là nguồn vốn bổ sung làm tăng tỷ lệ an toàn vốn, năng lực cạnh tranh và khả năng mở rộng danh mục cho vay.

Còn đối với nhóm các ngân hàng nhận chuyển giao các ngân hàng yếu kém, trong thời gian đầu, sẽ cần phải dành nhiều nguồn lực để cơ cấu, hỗ trợ ngân hàng được chuyển giao. Nhưng trong dài hạn, các ngân hàng này sẽ được những hỗ trợ khác từ Ngân hàng Nhà nước như có thêm hạn mức tín dụng trong thời gian hỗ trợ tái cấu trúc ngân hàng yếu kém.

Nhiều thương vụ bán vốn trong năm nay

Đại hội đồng cổ đông BIDV đã thông qua việc điều chỉnh thời gian thực hiện chào bán thêm cổ phiếu tại phương án tăng vốn điều lệ năm 2023 sang năm 2024. Trong báo cáo về BIDV vừa được ra, chuyên viên phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, BIDV đã tiếp xúc với 38 nhà đầu tư để thực hiện kế hoạch phát hành riêng lẻ 9% cổ phần. Tuy nhiên, việc hoàn tất thương vụ có thể kéo dài đến năm 2025 trước bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài thu hẹp khẩu vị rủi ro, chưa mở rộng đầu tư vào Việt Nam.

Lãnh đạo Vietcombank cho biết, kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài của nhà băng này đang dừng ở bước thuê tổ chức tư vấn. Vietcombank được cho là đã lựa chọn Citigroup để tư vấn triển khai thương vụ chào bán riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ, dự kiến hoàn tất trong năm nay, với khoảng 1 tỷ USD được thu về. Theo đánh giá của VCSC, giá bán kỳ vọng cho thương vụ là 100.000 đồng/cổ phiếu.

Theo Chủ tịch HĐQT SHB, ông Đỗ Quang Hiển, ngân hàng này sẽ hoàn tất việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2024. Hồi tháng 7/2023, Reuters từng dẫn nguồn tin thân cận cho biết, SHB đang trong quá trình đàm phán bán 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Một số nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiếp cận SHB trong thương vụ này, với định giá ngân hàng có thể đạt mức 2 - 2,2 tỷ USD. Thỏa thuận này dự kiến được hoàn tất trong năm 2023 hoặc 2024.

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài đã mang lại những thay đổi tích cực tại các tổ chức tín dụng. Vì vậy, nâng giới hạn sở hữu nước ngoài trong các ngân hàng là cần thiết.

Tác giả: Vân Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến