Dòng sự kiện:
Vốn vào ETF tăng lên mức kỷ lục 4 ngàn tỷ USD
12/11/2019 09:07:53
Mặc dù dòng vốn đổ vào các quỹ ETF đã lên tới 4 ngàn tỉ USD, nhưng một chuyên gia hàng đầu về ngành này vẫn xem đây chỉ mới là giai đoạn đầu. Hãy gọi đây là giai đoạn ETF bùng nổ.

Các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) có trụ sở ở Mỹ đã quản lý 4 ngàn tỉ USD tài sản tính tới thời điểm này của năm 2019, trong đó 136 nhà tạo lập quỹ ETF cung cấp khoảng 2,062 chứng chỉ quỹ ETF đến nhà đầu tư, theo công ty nghiên cứu ETFGI.

Xét chung, các quỹ ETF nhận được quá nhiều sự quan tâm trên toàn cầu – một xu hướng đã được xác nhận bằng lượng vốn đổ vào kỷ lục – và điều này khó mà suy giảm trong thời gian tới, Deborah Fuhr, Sáng lập viên của ETFGI và là một trong những chuyên gia đi đầu trong ngành ETF, cho hay. 

“Tôi nghĩ ngành ETF mới chỉ trong những ngày đầu được chấp nhận vì tôi nghĩ ETF đang dần bước vào sân chơi công bằng”, bà cho biết trong ngày thứ Hai (11/11).

Khi Ủy ban Giao dịch Chứng khoán (SEC) nới lỏng quy định và giúp các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận hơn đến ETF, rõ ràng các quỹ ETF đang bước vào kỷ nguyên mới có thể mở rộng thị trường thêm, bà Fuhr cho biết.

“Khi quy định mới của ETF được đưa ra, điều này có nghĩa việc tung ra quỹ ETF cũng dễ như tung ra quỹ tương hỗ”, bà nói. “Tôi nghĩ bạn sẽ thấy nhiều dạng sản phẩm khác sẽ xuất hiện trên thị trường”.

“Ngày nay, ngành ETF toàn cầu đang có giá trị cao hơn 2.5 ngàn tỉ USD so với ngành quỹ đầu cơ”, bà Fuhr cho hay. “Và nếu bạn xem xét tới tỷ suất sinh lời có tỷ trọng theo tài sản của ngành quỹ đầu cơ trong 8 năm qua, chúng thấp hơn so với thành tích của chỉ số S&P 500”.

Việc đổ xô sang ETF dù đang diễn ra rất mạnh mẽ, nhưng cũng khá hẹp, theo nhận định của ETFGI. Top 10 chứng chỉ quỹ ETF giao dịch trên các sàn Mỹ chiếm 28% tổng lượng tài sản dưới quyền quản lý tại Mỹ, trong đó top 20 quỹ ETF chiếm gần 40% tài sản trong lĩnh vực này.

Điều tương tự cũng diễn ra đối với các nhà cung cấp quỹ ETF. Top 5 nhà cung cấp quỹ ETF – iShares của BlackRock, Vanguard, SPDR, Charles Schwab và First Trust – chiếm hơn 87% tổng tài sản ở thị trường ETF, trong đó chỉ riêng iShares và Vanguard chiếm 65%, ETFGI ghi nhận.

Nick Colas, đồng sáng lập của DataTrek Research, cho biết rằng cấu trúc thị trường hiện nay có lợi cho ETF.

“Xét cho cùng, đây là một ngành mang lại lợi thế kinh tế nhờ quy mô và phạm vi”, Colas cho biết. “Vì vậy, nếu bạn là nhà cung cấp ETF và có một quỹ ETF lớn hơn so với những nhà cung cấp khác, bạn có thể giảm bớt phí và cung cấp sản phẩm tới nhiều khách hàng hơn”.

Việc thu hút khách hàng vào thị trường vừa mới nổi sẽ sớm trở thành tâm điểm chú ý: ESG – vốn tượng trưng cho Môi trường (Environmental), Xã hội (Social) và Quản trị (Governance) và thúc đẩy cách đầu tư có trách nhiệm đối với xã hội. Lượng tài sản đầu tư vào các quỹ ESG đã vượt ngưỡng 18 tỷ USD trong năm nay, tăng từ mức 7 tỷ USD trong năm 2017 và 4 tỷ USD trong năm 2015.

“Tôi nghĩ ESG ngày càng trở nên quan trọng, xét tới việc các nhà điều hành châu Âu buộc ESG trở thành một phần của cuộc thảo luận và cũng được người dân ủng hộ”, Fuhr cho hay. “Họ rồi sẽ có quan điểm rằng họ không muốn đầu tư vào các công ty không giúp ích cho khí hậu hoặc tình hình thế giới trong tương lai”.

Vì thế, “nhiều người muốn bao gồm một số loại chứng khoán và tôi nghĩ mọi người muốn trao thưởng cho những quỹ đang làm tốt điều đó”, Fuhr cho biết. “Tôi nghĩ ESG sẽ không còn được bàn tới trong 5 năm nữa vì những chỉ số sẽ bao gồm những yếu tố đó và nó sẽ trở thành dòng chính trên thị trường”.

Theo FILI

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến