Dòng sự kiện:
VPBank bị 'tố' 'chặn đường sống' của doanh nghiệp
26/09/2014 11:20:15
Không ít doanh nghiệp nhỏ rơi vào tình trạng khó khăn đã không nhận được sự hỗ trợ từ ngân hàng, thậm chí còn bị ngân hàng đe dọa, yêu cầu phải trả nợ với thái độ rất khó chịu.

Ảnh minh hoạ (Internet)

Trường hợp bà Mai Thị Anh ở Quảng Ninh là một điển hình. Sau khi gia đình xảy ra biến cố lớn, công việc kinh doanh phải tạm dừng, bà Anh đã gửi đơn xin gia hạn nợ với 3 ngân hàng. Sau 2 lần gửi đơn xin gia hạn nợ, bà Anh chỉ nhận được phản hồi chính thức bằng văn bản của Ngân hàng TMCP Đồng bằng sông Cửu Long (MHB), 2 ngân hàng còn lại là VPBank và DongABank đã không có văn bản trả lời. Trong đó, bà Anh “tố” VPBank còn thực hiện những cuộc điện thoại đe dọa, ép buộc phải trả nợ.

Từ chối “kiểu”... VPBank

Bà Mai Thị Anh, trú tại số 51A đường 25 Tháng 4, tổ 10 khu 3 phường Hòn Gai, Hạ Long, Quảng Ninh phản ánh việc bị ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chi nhánh Quảng Ninh buộc phải trả nợ ngân hàng nếu không sẽ bị “xử lý”.

Do hoàn cảnh gia định gặp nạn hỏa hoạn nghiêm trọng vào ngày 26/7/2013 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản (mẹ và ba con trai của bà Anh đã tử vong, chồng ngã từ trên tầng 3 xuống nên bị trấn thương cột sống và phải điều trị thời gian dài, còn nhà thì phải xây sửa lại nên chưa thể kinh doanh quay lại kinh doanh) nên bà Anh đã gửi đơn đến 3 ngân hàng VPBank, MHB, DongABank để xin gia hạn nợ trong vòng 1 năm.

Đáp lại đơn này của chị không phải là văn bản trả lời mà là cách hành xử rất không theo lệ thường của ngân hàng với những cuộc gọi từ số lạ để đe dọa, ép buộc phải trả nợ.

Bà Anh cho biết, trong 3 ngân hàng gửi đơn xin gia hạn, chỉ có mỗi MHB là có văn bản trả lời, còn 2 ngân hàng VPBank, DongABank không có văn bản trả lời mà chỉ là những cuộc điện thoại đe dọa.

Cụ thể, bà Anh đã gửi 2 lần đơn xin gia hạn nợ đến VPBank nhưng không có một văn bản trả lời mà chỉ nhận được những cuộc điện thoại từ số lạ đe dọa.

“Số điện thoại 0982xxxxxx gọi đến cho tôi và xưng là giám đốc chi nhánh ngân hàng, yêu cầu tôi trả nợ với thái độ khó chịu và đe dọa nếu không trả nợ thì sẽ có cách xử lý”, bà Anh cho biết.

Rất nhiều cuộc điện thoại tương tự cũng đã được thực hiện sau đó từ những số máy 0473xxxxx, 0977xxxxxx… tự xưng là cán bộ xử lý nợ xấu trên Hà Nội. “Họ nói với giọng rất trịnh thượng, khó nghe và áp đặt tôi phải làm theo lời họ chứ không có văn bản giấy tờ gì. Họ ép tôi phải bán nhà để trả nợ theo kiểu giang hồ, đe dọa tinh thần và được củng cố thêm bằng rất nhiều số điện thoại lạ khác”, bà Anh cho biết.

Theo bà Anh, dù bà rất cầu thị nhưng phía ngân hàng không hợp tác bằng cách gửi văn bản mời bà đến trụ sở làm việc theo lẽ thường, mà gọi điện ép buộc phải bán tài sản trả nợ.

VPBank “tố” ngược khách hàng

Theo VPBank, bà Mai Thị Anh có tổng dư nợ tính đến đầu tháng 9 tại VPBank là khoảng 811 triệu đồng, bao gồm 675 triệu đồng nợ gốc trong hạn, 90 triệu đồng nợ quá hạn và trên 46 triệu đồng nợ lãi quá hạn. Số ngày quá hạn tính đến thời điểm đầu tháng 9 là 135 ngày.

Ông Trần Tuấn Việt, Giám đốc Trung tâm thông tin và truyền thông VPBank, cho biết để có phương án xử lý khoản nợ của khách hàng tại VPBank, cán bộ Ngân hàng đã nhiều lần liên hệ và đề nghị khách hàng bố trí làm việc nhưng khách hàng không đồng ý tiếp xúc.

“Sau khi gửi thông báo chính thức vào đầu tháng 6 đề nghị thực hiện nghĩa vụ trả nợ và nhận Đơn đề nghị khoanh nợ từ phía khách hàng, VPBank đã ra thông báo đề nghị khách hàng thanh toán phần gốc quá hạn và đề xuất gia hạn nợ cho khách hàng theo đúng quy định cũng như trên tình thần hỗ trợ khách hàng khi gặp khó khăn. Tuy nhiên, khách hàng liên tiếp tỏ ra không hợp tác và từ chối tiếp xúc với cán bộ VPBank”, ông Việt nói thêm.

Tuy nhiên, về phía khách hàng, bà Anh khẳng định, tính đến thời điểm này bà vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo nào từ phía VPBank về vấn đề liên quan đến khoản nợ mà bà đã làm đơn xin gia hạn.

Bà Anh xác nhận phía VPBank có gọi điện hẹn gặp bà nhưng không phải là ở trụ sở ngân hàng và ép buộc bà phải bán ngôi nhà hiện đang ở để trả nợ.

“Ngân hàng chỉ biết đến quyền và lợi ích của mình chứ không quan tâm chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp. Có lý do chính đáng nên tôi mới làm đơn xin gia hạn nợ chứ không phải tôi cố tình không muốn trả nợ, nhưng ngân hàng o ép, đối xử với tôi như dân chợ đen, không cho tôi cơ hội và thời gian thu xếp”, bà Anh bức xúc.

Bà Anh cho biết thêm, trong lịch sử tín dụng của mình với VPBank, bà luôn là khách hàng tốt, chưa bao giờ trả nợ chậm tính đến thời điểm xảy ra biến cố của gia đình.

Theo Bizlive

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến