Dòng sự kiện:
Nợ xấu của FE Credit vẫn chưa 'hạ nhiệt' trước thềm IPO
01/06/2020 12:04:40
Khi nhiều nhà băng đang đẩy mạnh thị trường cho vay tiêu dùng thì mới đây, VPBank lại lên kế hoạch với nhiều nhà đầu tư về việc bán một phần vốn FE Credit.

Cuối tháng 2/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có văn bản số 762/NHNN-TTGSNH về việc chấp thuận chuyển đổi FE Credit (công ty con của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank) từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành công ty cổ phần. Bên cạnh đó, quy mô vốn điều lệ của FE Credit cũng được điều chỉnh tăng lên ở mức 7.333 tỷ đồng.

Việc chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần là một bước đi cần thiết để FE Credit có thể đẩy nhanh thực hiện IPO.

Quả thực như vậy, trong đại hội cổ đông thường niên năm 2020 mới đây, một trong những nội dung được VPBank đưa ra lấy ý kiến ĐHCĐ hôm nay là bán cổ phần tại FE Credit, vấn đề này được các cổ đông của FE Credit đặc biệt quan tâm, bởi đây là “gà đẻ trứng vàng” của VPBank.

Về vấn đề này, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho hay, thời gian qua HĐQT VPBank đã đàm phán với nhiều nhà đầu tư về việc bán một phần vốn FE Credit. Mặc dù việc đàm phán đang tạm gián đoạn do dịch bệnh, song Chủ tịch HĐQT VPBank tin rằng, quá trình đàm phán sẽ tiếp diễn và mang lại kết quả tích cực, bởi FE Credit là công ty tài chính hấp dẫn trong ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.

Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) nhiều năm liền được ví như “con gà đẻ trứng vàng” cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Song, trong vài năm gần đây, lợi nhuận sau thuế của FE Credit có dấu hiệu chững lại, tỷ lệ nợ xấu vẫn duy trì quanh mức 6%.

FE Credit chiếm từ 22 - 23% trong tỷ trọng tín dụng và đóng góp lớn trong kết quả kinh doanh hợp nhất của VPBank. Theo số liệu từ báo cáo kiểm toán của Công ty, lãi sau thuế năm 2019 đạt 3.590 tỷ đồng, cao hơn năm 2017 và 2018 lần lượt là 6,9% và 8,9%. Điều đó cho thấy, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của Công ty (phụ trách mảng tài chính tiêu dùng của VPBank) có xu hướng chững lại so với giai đoạn 2015 - 2017 (tốc độ tăng trưởng bình quân 108%).

Hơn nữa, trong giai đoạn 2017 - 2019, quy mô vốn chủ sở hữu của FE Credit tăng từ 8.435,8 tỷ đồng lên mức hơn 12.519,6 tỷ đồng. Điều này khiến chỉ số lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của FE Credit năm 2019 giảm xuống chỉ còn 28,68%, thấp hơn so với con số 32,67% của năm 2018 và 49,71% của năm 2017.

Cùng với hiệu quả kinh doanh giảm sút, tỷ lệ nợ xấu của FE Credit cũng có nhiều diễn biến đáng chú ý. Tỷ lệ này tăng từ 5% trong năm 2017 lên 6% trong năm 2018, sau đó bất ngờ giảm mạnh xuống mức 5,35% vào cuối tháng 6/2019, nhưng bật tăng trở lại mức 6% vào cuối năm 2019.

Được biết, dư nợ cho vay của FE Credit vào cuối năm 2019 đạt 60.594 tỷ đồng. Như vậy, quy mô nợ xấu của doanh nghiệp này vào cuối năm ngoái tạm tính lên tới 3.636 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu cao của FE Credit cũng góp phần đẩy chỉ số này của VPBank lên mức 2,95%, dù vẫn dưới mức 3% theo quy định của NHNN, nhưng cũng đủ khiến VPBank lọt top những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao trong hệ thống.

FE Credit dù đang dẫn đầu cuộc chơi nhưng rất dễ bị “tụt” lại nếu không có sự thay đổi cần thiết, mà nguồn lực tài chính là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng. Bởi, các công ty tài chính không được phép huy động tiền trực tiếp từ cá nhân, mà phải vay vốn từ các tổ chức khác. Do đó doanh nghiệp vay càng rẻ thì lợi nhuận càng cao.

Như Tiên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags : , vpbank , ipo , fe credit , nợ xấu
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến