Dòng sự kiện:
VPI dự báo giá xăng bán lẻ đảo chiều tăng trong kỳ điều hành ngày 23/10
21/10/2023 10:24:50
Theo VPI, giá xăng bán lẻ trong nước có thể đảo chiều tăng khoảng 1,3 - 1,7% nếu Liên bộ Tài chính - Công Thương quyết định không trích lập hoặc chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.


Cửa hàng xăng dầu PVOIL tại Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN 

Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho thấy, tại kỳ điều hành ngày 23/10 tới đây, giá xăng bán lẻ trong nước có thể đảo chiều tăng khoảng 1,3 - 1,7% nếu Liên bộ Tài chính - Công Thương quyết định không trích lập hoặc chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. 

Theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 về kinh doanh xăng dầu, 21/10 là đến kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, do trùng với ngày nghỉ lễ theo quy định của Nhà nước nên sẽ lùi ngày điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu từ 21/10/2023 sang thứ Hai ngày 23/10/2023.

Cụ thể, mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng mô hình mạng nơ ron nhân tạo (Artificial Neural Network - ANN) và thuật toán học có giám sát (Supervised Learning) trong Machine Learning của VPI dự báo giá xăng bán lẻ trong nước trong kỳ điều hành ngày 23/10 có thể tăng khoảng 292 - 383 đồng, lên mức 22.192 đồng/lít (E5 RON 92) và 23.423 đồng/lít (RON 95).

Diễn biến giá bán lẻ xăng RON 95 và mô hình dự báo giá trong kỳ điều chỉnh ngày 23/10. Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN

Diễn biến giá bán lẻ xăng E5 RON 92 và mô hình dự báo giá trong kỳ điều chỉnh ngày 23/10. Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN

Mô hình dự báo giá bán lẻ dầu diesel trong kỳ điều chỉnh ngày 23/10. Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN

Trong khi đó, giá dầu bán lẻ dự báo tăng không đáng kể, cụ thể giá dầu diesel có thể tăng nhẹ 78 đồng lên mức 22.488 đồng/lít; dầu hỏa có thể tăng 215 đồng lên mức 22.675 đồng/lít, dầu mazut có thể tăng 151 đồng lên mức 16.381 đồng/lít. Mô hình của VPI dự báo kỳ này Liên bộ có thể sẽ không trích lập hoặc chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

VPI cho biết, giá dầu thế giới đang trên đà tăng tuần thứ hai do lo ngại cuộc khủng hoảng Israel-Palestine có thể lan rộng ở Trung Đông và làm gián đoạn nguồn cung từ một trong những khu vực sản xuất hàng đầu thế giới. 

Chốt phiên giao dịch ngày 19/10, giá dầu Brent giao tháng 12 tăng lên 92,38 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI giao tháng 11 được giao dịch ở mức 88,37 USD/thùng. Giá dầu thô cũng như giá sản phẩm bật tăng mạnh mẽ sau khi chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tháng 9/2023 chỉ tăng 0,4%, giảm so với mức tăng 0,6% của tháng trước đó cho thấy lạm phát tại Mỹ đang có dấu hiệu chậm lại, thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm ngừng chính sách tăng lãi suất, để kích thích sản xuất.

Trước đó, Mỹ lần đầu tiên áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số chủ tàu chở dầu của Nga có mức giá vượt trần 60 USD/thùng, điều này làm dấy lên lo ngại nguồn cung dầu có thể bị thắt chặt hơn nữa trong thời gian tới.

Theo chuyên gia phân tích Tony Sycamore của Công ty phân tích thị trường IG, leo thang căng thẳng nghiêm trọng tại Gaza có nguy cơ khiến giá dầu thô sẽ tăng cao hơn.
Giá dầu cũng được hỗ trợ bởi dự báo nguồn cung thâm hụt ngày càng lớn trong quý IV/2023 sau khi các nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới là Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2023 và dự trữ dầu thô toàn cầu giảm xuống mức thấp, đặc biệt là tại Mỹ.

Bộ Năng lượng Mỹ cho biết Washington có kế hoạch mua 6 triệu thùng dầu thô vào tháng 12/2023 và tháng 1/2024 để tiếp tục bổ sung vào kho dự trữ khẩn cấp./.

Tác giả: A.N

Theo: Bnews
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến