Dòng sự kiện:
Vụ 3 thủy thủ bị ngạt khí tử vong: Nỗi đau tận cùng nơi xóm nghèo ven biển xứ Thanh
14/04/2018 07:30:56
3 thủy thủ đều xuất thân từ những gia đình nghèo ở vùng biển xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Sự ra đi của cả 3 người là nỗi đau tận cùng của mẹ già, con thơ và gánh nặng oằn lên vai những người vợ trẻ.

Làng quê nhuốm màu tang thương

Những ngày qua, cả làng quê xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) chìm trong đau thương, tang tóc bởi vụ 3 thủy thủ tử vong trên con tàu Thành Công 98 (thuộc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Thành Mỹ Phát, trụ sở tại Đồng Nai).

Trước đó, khoảng 8h30' ngày 11/4, con tàu vào Tân Cảng Miền Trung ở phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn (Bình Định). Trưa cùng ngày, 3 người là Nguyễn Đức Quân (SN 1991), Bách Văn Sáu (SN 1991) và Phạm Trọng Hòa (SN 1984), đều quê ở xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) xuống hầm tàu thì bị ngạt khí và tử vong.


Nỗi đau tận cùng của những người thân các nạn nhân

Khoảng 9h ngày 13/4, thi thể của các nạn nhân đã được đưa về quê nhà Thanh Hóa bàn giao cho gia đình tổ chức an táng.

Nhận được tin, hàng ngàn người dân địa phương nườm nượp kéo đến nghĩa trang làng Xuân Vy, xã Hoằng Thanh để tiễn đưa và an ủi linh hồn của những người trẻ xấu số. Những giọt nước mắt lăn dài, những tiếng khóc nghẹn, những ánh mắt thẫn thờ không chỉ là niềm tiếc thương vô hạn đối với người ra đi, mà còn là nỗi xót xa với hoàn cảnh của người thân các thủy thủ.

Lời hứa với vợ con còn dang dở

Cả 3 thanh niên trên đều xuất thân từ những gia đình nghèo khó, họ ấp ủ giấc mơ kiếm đủ tiền về nuôi mẹ già, con nhỏ, đỡ đần cho vợ khỏi vất vả nơi quê nhà.

Anh Phạm Trọng Hòa có hoàn cảnh khó khăn nhất. Gia đình anh thuộc hộ nghèo, lại đông anh em. Tất cả đều sống cùng trong một căn nhà chật chội, vì vậy vợ chồng anh phải đi ở nhờ nhà chú ruột. Ngay cả đám tang của anh cũng không có chỗ để tổ chức trọng thể nhất.

Bà Phạm Thị Ngoạn (SN 1961), mẹ anh Hòa đau đớn nói, con trai bà thiệt thòi từ nhỏ. Khi 2 tuổi thì bố mất, anh Hoà phải bươn chải đi làm thuê từ bé.

Trước đó, cả hai vợ chồng anh Hòa đều đi làm trong miền nam nhưng làm ăn không được nên đưa nhau về quê. Anh Hòa đi làm từ ngày mùng 4 Tết chưa về nhà cho đến khi gặp nạn, cũng chưa có lương để gửi về quê.


Vụ việc khiến cả làng quê bàng hoàng, đau xót

Chị Dương Thị Hà (SN 1983), vợ anh Hòa, từ hôm nhận được tin chồng tử nạn đã khóc cạn nước mắt, người đờ đẫn như mất hồn. Chồng ra đi để lại những gánh nặng oằn lên vai chị, khi phía trước còn là bà nội 81 tuổi nằm liệt giường và 2 đứa con đang cần sự nuôi dạy của bố (1 con trai 14 tuổi và 1 con gái 2 tuổi).

Chị Hà nghẹn ngào nói: “Anh ấy còn hứa với tôi, cố gắng kiếm đủ tiền để xây một ngôi nhà nhỏ cho vợ con có chỗ ở ổn định. Thế mà, chưa kịp gặp nhau lần cuối, anh ấy đã đi rồi, tôi không biết sẽ xoay sở ra sao”.

Cách nhà anh Hòa không xa là nhà anh Bách Văn Sáu, hoàn cảnh cũng không khấm khá gì hơn khi thuộc hộ nghèo, vợ mới sinh con được 18 tháng tuổi.

Cả 3 anh chị em trong gia đình anh Sáu đều là nạn nhân của chất độc màu da cam, trong đó 1 người đã mất nhưng đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ do giấy tờ bị thất lạc.

Bà Nguyễn Thị Duyên (SN 1948), mẹ anh Sáu khi tỉnh, khi mê, người già sọm đi vì mất con. Bà cho biết, lâu nay anh Sáu ở quê chăn nuôi, chỉ mới đi được tàu được mấy ngày thì xảy ra chuyện.

Ông Lê Hữu Tư, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Thanh cho biết, khi đưa thi thể các anh về, các lãnh đạo của tỉnh, của huyện và địa phương đã đến thăm hỏi, động viên gia đình.

“Xã đã vận động bà con quyên góp vào hòm công đức để chia sẻ nỗi đau về tinh thần và phần nào vật chất với gia đình các nạn nhân bởi các hộ đều thuộc hộ nghèo và cận nghèo”, ông Tư nói.

Lương Diễn
 


Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến