Thưa PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, được biết cục Phòng, chống HIV/AIDS vừa có chuyến thăm và làm việc tại xã Kim Thượng và tỉnh Phú Thọ liên quan đến việc nhiều người dân nhiễm HIV. Vậy ông có thể cho biết tình hình dịch HIV tại xã hiện nay như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long: Theo báo cáo của sở Y tế tỉnh Phú Thọ và qua làm việc với địa phương cho thấy, trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại xã Kim Thượng là năm 2012. Trong những năm gần đây, số người nhiễm HIV mới được phát hiện và số người tử vong do AIDS tại địa bàn xã Kim Thượng ngày càng gia tăng. Trước tình hình đó, ngành Y tế tỉnh Phú Thọ đã triển khai nghiên cứu, làm xét nghiệm HIV và phát hiện được 42 người bị nhiễm HIV tại xã này.
Trong số người nhiễm HIV được phát hiện, có những người đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Ngoài ra, từ năm 2015 đến nay đã có 5 người tử vong vì AIDS. Những thông tin này cho thấy tình hình nhiễm HIV tại xã Kim Thượng đã xảy ra từ lâu. Có thể đây là một điểm dịch HIV tích lũy đã lâu, nay qua triển khai xét nghiệm HIV rộng rãi mới phát hiện được. Như vậy, tình hình dịch HIV ở đây được coi là khá nghiêm trọng, tỉ lệ nhiễm HIV cao hơn khoảng 2,5 lần so với mức trung bình toàn quốc và cần có biện pháp kiểm soát dịch ngay.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng cục Phòng, chống HIV/AIDS.
Nhiều người đang nghi ngờ về khả năng lây nhiễm HIV do sử dụng chung bơm kim tiêm. Qua chuyến đi thực tế, ông nhận định thế nào về khả năng này?
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long: Với những thông tin hiện có, chưa thể có cơ sở để kết luận về nguồn lây nhiễm HIV tại xã Kim Thượng. Nhiễm HIV là nhiễm một bệnh mãn tính. Một người từ khi nhiễm HIV đến khi chuyển sang giai đoạn AIDS thường trung bình sau 5-7 năm. Do vậy, với những người đã bị AIDS và tử vong tại xã Kim Thượng chứng tỏ dịch HIV ở đây cũng đã có từ rất lâu chứ không phải mới xảy ra nhiễm HIV gần đây. Có người nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS, nhưng mới đi khám bệnh lần đầu tại y sĩ tư nhân trên địa bàn 6 tháng trước đây. Như vậy, không thể kết luận việc lây nhiễm HIV là do y sĩ trong vùng dùng chung bơm kim tiêm.
Bộ Y tế đã giao cho viện Vệ sinh – Dịch tễ Trung ương làm đầu mối, phối hợp với cục Phòng, chống HIV/AIDS, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan có liên quan của tỉnh Phú Thọ khẩn trương triển khai nghiên cứu khoa học, khách quan để tìm hiểu nguyên nhân. Cần phải xem xét toàn diện các đường lây và các yếu tố liên quan, như tình trạng người dân trong xã đi làm ăn xa khi nông nhàn, tình hình tệ nạn mại dâm, nghiện chích ma túy, cũng như nhiều yếu tố nguy cơ khác.. Việc này cần có thời gian để thực hiện.
Vậy cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ xử lý như thế nào với thực trạng này?
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long: Chúng tôi đã làm việc với tỉnh Phú Thọ và chỉ đạo ngành Y tế tỉnh Phú Thọ thực hiện ngay một số công việc sau: Thứ nhất, cần thông báo kết quả xét nghiệm HIV cho những người không may bị nhiễm HIV; tư vấn, giải thích, hỗ trợ để điều trị ngay bằng thuốc ARV miễn phí cho những người nhiễm HIV trong xã. Nếu một người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV sớm và tuân thủ điều trị thì vẫn có thể sống khỏe mạnh và có tuổi thọ tương đương người không nhiễm HIV. Hơn nữa, điều trị ARV sẽ giúp giảm tải lượng virus HIV trong máu và có thể giảm đến 95% khả năng lây nhiễm HIV cho vợ hay bạn tình qua quan hệ tình dục. Hiện nay, việc điều trị bằng thuốc ARV rất đơn giản. Thuốc ARV được cấp miễn phí tại bệnh viện huyện hoặc trạm y tế xã. Người nhiễm HIV có thể lĩnh thuốc hàng tháng về uống tại nhà; khi ổn định có thể 3 tháng đến cơ sở y tế lĩnh thuốc một lần.
Thứ hai, chúng tôi đã chỉ đạo ngành Y tế tỉnh Phú Thọ tổ chức mở rộng xét nghiệm HIV miễn phí cho người dân trong vùng và các khu vực khác của tỉnh Phú Thọ nếu có nhu cầu. Chúng ta biết rằng, chỉ có xét nghiệm mới biết một người có nhiễm HIV hay không. Việc xét nghiệm sàng lọc tìm HIV hiện nay cũng rất đơn giản, có thể làm tại trạm y tế xã hoặc tại nhà.
Thứ ba, bộ Y tế đã yêu cầu viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm đầu mối tiến hành điều tra, khảo sát nhằm tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ lây nhiễm HIV cao tại xã Kim Thượng. Nghiên cứu này cũng cần phải có thời gian vài tháng để thực hiện.
Thứ tư, địa phương cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao kiến thức cho nhân dân trong vùng về phòng, chống HIV/AIDS. HIV/AIDS là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhưng không đáng sợ nếu có hiểu biết đúng về bệnh này.
Lây nhiễm HIV hoàn toàn có thể phòng tránh được thông qua các biện pháp dự phòng, như tình dục an toàn, sử dụng bao cao su, sử dụng bơm kim tiêm sạch, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (như Methadone)… Khi không may bị nhiễm HIV thì phải tham gia điều trị ARV ngay để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho người thân và cộng đồng. Ngày nay, nếu nhiễm HIV mà được điều trị sớm bằng thuốc ARV thì vẫn sống khỏe mạnh lâu dài. Chúng tôi cũng kêu gọi cộng đồng không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV, hãy chung tay giúp đỡ họ vượt qua hoạn nạn, cùng hướng tới mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam.
Xin cảm ơn Cục trưởng!
NĐT
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy