Dòng sự kiện:
Vụ án dân sự kéo dài 5 năm: Thẩm phán Võ Đình Sớm nói gì về bản án phúc thẩm bị hủy?
31/03/2018 10:50:18
Sau khi bị TAND cấp cao tại Đà Nẵng ra quyết định hủy bản án cấp phúc thẩm, vụ án 'Tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản' tại tỉnh Gia Lai, ông Võ Đình Sớm, Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa, đưa ra quan điểm của mình.

Trao đổi với PV về việc vì sao bản án phúc thẩm trong vụ án "Tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản" tại tỉnh Gia Lai do mình làm Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa lại bị TAND cấp cao tại Đà Nẵng ra quyết định hủy, ông Võ Đình Sớm cho biết: “Đó là quan điểm mỗi cấp khác nhau. Chứng cứ thì thế, nhưng người này có quan điểm này, người khác có quan điểm khác. Đến cấp tối cao họ cũng không dám khẳng định nguyên đơn đúng hay không đúng. Chỉ nói nước đôi”.

TAND tỉnh Gia Lai.

Về việc một mình ông có quan điểm riêng, công nhận đơn của phía nguyên đơn, khác với cấp sơ thẩm lần 1 và lần xét xử lại gần đây, Thẩm phán Sớm khẳng định: "Trong xét xử dân sự, chấp nhận đơn hoặc bác đơn là chuyện bình thường. Cái này do chứng cứ của các bên. Thứ 2 nữa là trong vụ này giao dịch của các bên phức tạp, thanh toán lằng nhằng, dẫn đến tranh chấp.

Cấp sơ thẩm bác đơn là không đúng, thì cấp phúc thẩm chấp nhận đơn của nguyên đơn. Còn chấp nhận hay bác là quan điểm của mỗi cấp.

Việc Tòa cấp cao bác bản án, cho rằng việc gia đình ông Phan Đình Thiện và  bà Vương Thị Giáng Hương nợ 2 triệu là có cơ sở thì đó là quan điểm đánh giá chứng cứ của Tòa cấp cao. Sơ thẩm xử lại rồi, còn tới phúc thẩm nữa, chưa chắc dừng lại ở sơ thẩm. Còn xét xử tranh chấp dân sự thắng thua là bình thường chứ không làm sai là được. Còn cố ý làm sai lại khác”.

Khi được hỏi về việc, gia đình ông Thiện và bà Hương có phản ánh, tại phiên tòa, luật sư của gia đình không được trình bày quan điểm, đưa ra chứng cứ bảo vệ nhận chứng, Thẩm phán Sớm bác bỏ: "Làm gì có chuyện đó. Đó là họ thông tin 1 chiều. Phiên tòa mở ra là khách quan, chặt chẽ. Trừ khi anh cứ nói vòng đi vòng lại một chiều mới có chuyện đó".

Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ "Tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản” tại TAND tỉnh Gia Lai 

Còn về việc vì sao phải yêu cầu lực lượng Công an tư pháp bảo vệ tòa, cưỡng chế ông Phan Đình Thiện, chồng bà Vương Thị Giáng Dương (bị đơn) ra khỏi tòa, ông Sớm nói: “Ông Thiện có sự la lối, tòa phải dừng lại không thể xét xử một thời gian, nên phải đưa ra”.

Liên quan đến vụ án dân sự kéo dài 5 năm, trong suốt quá tình xét xử, nguyên đơn là Mai Thị Kim Oanh và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan liên tục vắng mặt tại các phiên xét xử vụ án Tranh chấp hợp đồng vay vốn do TAND tỉnh Gia Lai xét xử, khiến bị đơn là ông Phan Đình Thiện và bà Vương Thị Giáng Hương vô cùng bức xúc.

Luật sư Nguyễn Hương Giang (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: "Tôi đã tham gia nhiều vụ án dân sự, nhưng chưa bao giờ nghe thấy chuyện nguyên đơn lại từ chối tham dự xét xử nhiều lần như vậy tại tòa cả".

Cũng theo Luật sư Giang, đúng theo luật tố tụng, việc nguyên đơn liên tục vắng mặt phải đình chỉ vụ án ngay. Nhưng trong trường hợp này, nhiều khả năng nguyên đơn đã từ bỏ quyền lời, nghĩa vụ, tòa vẫn diễn ra theo yêu cầu của bị đơn nên không có gì trái luật cả.

Thẩm phán Võ Đình Sớm từng vi phạm đạo đức ngành Tòa án

Qua tìm hiểu được biết, vào ngày 20/11/2014, TAND tỉnh Gia Lai ra Thông báo số 350/TB-TCCB kết luận, Thẩm phán Võ Đình Sớm có hành vi tư vấn pháp luật và có nhận số tiền 10 triệu đồng để giúp ông Từ Tiến Huy trong việc giải quyết vụ án dân sự "Tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu chấm dứt hành vi trỏ cửa trái phép" giữa nguyên đơn là ông Từ Tiến Huy và bà Huỳnh Thị Mỹ Tín với bị đơn là ông Lâm Thanh Ngưu ở giai đoạn phúc thẩm.

Hành vi của ông Sớm là vi phạm đạo đức Thẩm phán, công chức nhành Tòa án, gây nên dư luận xấu trong nhân dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của Thẩm phán, công chức ngành Tòa án.

Đoàn Tân

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến