Dòng sự kiện:
Vụ án HH Phương Nga: Tạm đình chỉ điều tra không có nghĩa là 'chiến thắng' cho bị cáo
12/03/2018 19:39:25
Chuyên gia pháp lý trong vụ án của cựu hoa hậu Phương Nga nhận định, việc tạm đình chỉ điều tra không có nghĩa là "chiến thắng" cho các bị cáo.

Liên quan đến vụ án cựu hoa hậu Trương Hồ Phương Nga (THPN) xảy ra trong thời gian qua đã thu hút đông đảo dư luận đặc biệt quan tâm. Hiện vụ việc đang được tạm đình chỉ để điều tra bổ sung, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả chính thức từ cơ quan điều tra. Để có thêm thông tin, phóng viên Pháp luật Plus đã có cuộc trao đổi cùng ông Trần Huy Tuấn - Chuyên gia pháp lý cao cấp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Cao Toàn Mỹ (CTM) trong vụ án này.

Phóng viên: Liên quan vụ án THPN cùng đồng phạm bị cơ quan tố tụng cáo buộc lừa đảo và hai lần đưa vụ án ra xét xử, cũng là hai lần Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung, kéo dài đến nay đã lâu. Vậy, hiện tại vụ án này đang diễn biến tới đâu, thưa ông?

Ông Trần Huy Tuấn: Trước khi cơ quan tố tụng chính thức công bố quyết định phục hồi điều tra và tiến hành các hoạt động tố tụng khác liên quan thì tôi chưa thể nói trước điều gì. Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại quy trình tố tụng của vụ án này vào thời điểm hiện nay, sau phiên tòa sơ thẩm, hội đồng xét xử đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung với 9 điểm yêu cầu cần được Cơ quan cảnh sát điều tra (CQCSĐT) Công an TP HCM làm rõ, và thay đổi biện pháp ngăn chặn cho tại ngoại đối với THPN và đồng phạm Nguyễn Đức Thùy Dung (NĐTD).

Cần thấy rằng, việc tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung là chuyện thường gặp và quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn là quyết định mang tính nhân văn. Đây là một quy trình tố tụng bình thường, chứ không phải là "chiến thắng" về phía các bị cáo.

Chuyên gia pháp lý cao cấp Trần Huy Tuấn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Cao Toàn Mỹ cho rằng, việc tạm đình chỉ điều tra không có nghĩa là "chiến thắng" cho các bị cáo.

Phóng viên: Việc Tòa án cho các bị cáo được tại ngoại, nhiều người cho rằng THPN có dấu hiệu bị oan sai, ông nghĩ sao về điều này?

Ông Trần Huy Tuấn: Cần phải hiểu rằng, THPN vẫn là thân phận bị cáo, một thân phận “trôi nổi” theo quá trình tố tụng và CQCSĐT đang trưng cầu giám định các tài liệu cần thiết theo quy định của pháp luật, và rồi sẽ có cáo trạng, sẽ có phiên tòa. Còn việc ai đó tưởng rằng một quy trình tố tụng bình thường đó trở thành một "chiến thắng", hay tưởng rằng sẽ đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can, bồi thường oan sai là trở nên xa xỉ hơn bao giờ hết.

Phóng viên: Thưa ông, khi Tòa án quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung với 9 điểm, vậy cho tới thời điểm này đã điều tra được tới đâu? Ông đã thu thập thêm được những chứng cứ gì, ông có thể chia sẻ được không?

Ông Trần Huy Tuấn: Như tôi đã nói ở trên, rằng trước khi cơ quan điều tra chính thức công bố quyết định phục hồi điều tra vụ án thì tôi chưa thể nói được điều gì. Còn trong thời gian chờ đợi kết quả từ cơ quan điều tra, chúng tôi đã có các biện pháp pháp lý cần thiết, cũng như thu thập thêm một số chứng cứ quan trọng, bổ sung thêm vào hệ thống chứng cứ toàn diện để khẳng định rằng THPN có hay không hành vi lừa gạt nhằm chiếm đoạt số tiền của thân chủ tôi? Tuy nhiên, trước khi vụ án này được tòa án tiếp tục đưa ra xét xử, chúng tôi xin phép được bảo vệ chứng cứ của mình một cách thận trọng.

Khi tòa án quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung và kèm theo một quyết định cho các bị cáo tại ngoại, mặc dù đây là một quyết định thể hiện tính nhân văn, nhưng nó đã vô tình giúp các bị cáo liên kết với ekip của mình thống nhất lời khai, thủ tiêu chứng cứ gây bất lợi cho việc xác định sự thật và bản chất của vụ án. Qua đó đặt thân chủ tôi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, suy sụp tinh thần, ảnh hưởng đến các quan hệ đối tác công việc và gia đình, điều này là bất lợi và gây thiệt hại rất lớn đối với thân chủ tôi.

Phóng viên: Những gì THPN đối đáp trước tòa, cãi tay đôi với luật sư, luôn giữ "quyền im lặng" cho thấy THPN rất bản lĩnh và tự tin mình vô tội. Ông nghĩ sao?

Ông Trần Huy Tuấn: Có thể đồng cảm và dể hiểu với ước mơ của bị cáo. Dù ước mơ vụng về nhưng không trách được THPN vì cô ấy không hiểu luật, cũng không phải là luật sư và là tâm lý thường thấy của một người mong muốn thoát khỏi thân phận bị cáo. Việc tòa cho Nga tại ngoại khiến Nga tưởng rằng mình vô tội. Đó là chuyện bình thường, chứ luật sư mà nhầm tưởng mới là tai hại.

Việc THPN liên tục im lặng trước nhiều câu hỏi của Tòa cũng như trước luật sư, thực ra dể hiểu thôi, vì Nga thừa hiểu rằng nếu Nga khai thì sẽ bị lộ tẩy, bị phát hiện khai dối. Vậy nên Nga im lặng để khỏi bị sai thôi. Nhưng do truyền thông và nhiều giới chuyên gia nhầm tưởng rằng đó là "quyền im lặng".

Cựu hoa hậu Phương Nga và Thùy Dung vui mừng khi nhận được quyết định tại ngoại.

Phóng viên: Theo diễn biến các phiên tòa vừa qua, ông đánh giá thế nào về tính pháp lý giữa các lời khai và chứng cứ được nêu ở tòa?

Ông Trần Huy Tuấn: Tại phiên tòa, lời khai của THPN là cực kỳ bất nhất. Phiên tòa đầu tiên, THPN khai là giữa THPN và CTM có tồn tại cái gọi là “hợp đồng tình dục”, theo Nga thì thời gian “có hiệu lực” của hợp đồng này đến 7 năm và chi phí “tình dục” theo hợp đồng là bằng chính số tiền 16,544 tỷ mà cơ quan tố tụng cáo buộc Nga lừa của CTM. Nhưng khi được HĐXX yêu cầu trưng bản hợp đồng này, cô ấy lại không đưa ra được.

Còn phiên tòa lần thứ 2, Nga khai cô yêu CTM thật sự và số tiền 16,544 tỷ là CTM “cho” cô để mở Spa. Cả hai lời khai đều không đúng, không lôgic và không thể biện minh một cách khoa học rằng số tiền 16,544 tỷ cô đã nhận của ông Mỹ là tiền gì?

Một doanh nhân như ông CTM không thể "ngớ ngẩn" đến nổi phải ký vào cái “hợp đồng tình dục” mà ông ta thừa biết đó là vi phạm thuần phong mỹ tục, chứ đừng nói là theo lời của Nga là ông Mỹ soạn ra và gửi cho Nga. Một điểm nữa là giữa Nga và NĐTD đều khai có “hợp đồng” này nhưng không ai trong số 2 bị cáo trưng ra được cái hợp đồng có chữ ký của ông Mỹ.

Trong khi không thể chứng minh được có sự tồn tại của cái gọi là “hợp đồng tình dục”, thì một cái hoàn toàn có thật là THPN đã thuê ông Nguyễn Văn Yên làm giả giấy tờ nhà số 7 Nguyễn Trãi, Quận 1, đặc biệt hành vi làm giả này có sau thời điểm Nga nhận tiền của ông Mỹ.

Vậy, câu hỏi đặt ra là Nga làm giả để làm gì? Mỗi hành vi này thôi đủ để thấy Nga đã có hành vi gian dối, và việc nhận 16,544 tỷ của ông Mỹ từ hành vi gian dối của mình. Hãy nhìn cách THPN đối đáp trước tòa, liệu có thể tin cô bị ép ký vào thỏa thuận mua bán cho ông Mỹ. Điều này hoàn toàn trái ngược với tính cách và sự "khôn khéo” của Nga đã thể hiện trước tòa. Một chứng cứ tồn tại không cần chứng minh mà chính THPN cũng đã thừa nhận trước tòa là có giấy thỏa thuận nhờ mua bán nhà cùng các giấy tờ mà Nga làm giả, có giấy nháp Nga tập ký giả chữ ký của ông Mỹ, mà các chứng cứ có hành vi gian dối, có hành vi chiếm đoạt tiền thì dù có điều tra bổ sung đến đâu cũng không làm thay đổi bản chất của vụ án.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

Nhiều vấn đề cần làm rõ

Nhận định về vụ việc này, theo Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chánh Pháp, thuộc Đoàn luật sư Hà Nội, cho biết: Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo Phương Nga và Thuỳ Dung tạm thời khép lại ở kết quả tranh tụng tại phiên tòa vừa rồi. Có lẽ thành công lớn nhất của Phương Nga và các luật sư là tòa án đã không đủ căn cứ để kết tội và đã thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với các bị cáo.

Ở các phiên tòa trước, nhiều người đánh giá cao Phương Nga và cách vận dụng các quy định pháp luật để thực hiện quyền bào chữa của mình trước tòa. Đồng thời cũng cho thấy sự thận trọng trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ của các cơ quan tiến hành tố tụng. Do vụ án có sự quan tâm đặc biệt của dư luận và tính chất đặc biệt nghiêm trọng nên các cơ quan tố tụng cũng thận trọng trong việc thu thập các chứng cứ để làm căn cứ xác định sự thật vụ án.

Trong vụ án này, vấn đề chuyển tiền của Cao Toàn Mỹ cho Phương Nga là rất rõ ràng, vấn đề còn lại là mục đích chuyển tiền là gì? Phương Nga có được toàn quyền sử dụng số tiền này không hay chỉ là chuyện nhờ vả liên quan đến mua bán bất động sản mới là vấn đề mẫu chốt của vụ án để xác định Phương Nga có tội hay không?

Ở đây, cơ quan tố tụng cần làm rõ các giao dịch về bất động sản có liên quan đến vụ án để xác định người chủ sở hữu số tiền trong giao dịch bất động sản đó thực sự là ai? Ý chí của ông Cao Toàn Mỹ và Phương Nga đối với giao dịch đó là gì? Nếu các giao dịch bất động sản đó hoàn toàn không liên quan gì đến số tiền của ông Mỹ, Phương Nga không có bất cứ thủ đoạn gian dối nào nhằm chiếm đoạt số tiền mà ông Mỹ đã chuyển cho Nga thì cựu hoa hậu này mới có thể vô tội, đồng nghĩa với việc cơ quan tiến hành tố tụng phải chịu trách nhiệm về quá trình điều tra truy tố xét xử đối với Phương Nga và Thùy Dung.

Còn đối với hợp đồng tình ái mà bị cáo và các luật sư có nhắc tới tại phiên tòa thì việc thu thập chứng cứ này cũng là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Nếu hợp đồng này là có thật thì phải làm rõ nội dung của hợp đồng và việc thực hiện hợp đồng. Làm rõ hợp đồng này giá trị pháp lý tới đâu, việc mua bán nhà đất sau này có phải là sự thỏa thuận sửa đổi nội dung hợp đồng đó hay không?

Còn nếu cơ quan tố tụng, các luật sư bào chữa và các bị cáo không xuất trình được hợp đồng này và các tài liệu chứng cứ khác có liên quan thì chưa đủ cơ sở để xác định có việc thỏa thuận về tình ái có trả tiền giữa các bên. Khi đó giao dịch duy nhất liên quan đến hành vi có chiếm đoạt hay không là giao dịch liên quan đến bất động sản mà tòa án đang xem xét.

Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chánh Pháp, thuộc Đoàn luật sư Hà Nội.

Theo Pháp luật Plus

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến