Cơ quan điều tra - Bộ Công an đã ban hành Kết luận điều tra, đề nghị truy tố Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu cùng 40 bị can khác trong vụ án Phúc Sơn. Tại vụ án này, tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều cựu cán bộ bị đề nghị truy tố nhất, với tổng số 15 người. Trong đó có hai cựu Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan, Phạm Văn Vọng; cựu Phó bí thư thường trực Phạm Hoàng Anh, hai cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành, Phùng Quang Hùng. Cũng trong vụ án, cựu Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường là ông Bùi Minh Hồng; hai cựu Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường là Khổng Văn Thuyết và Hoàng Quốc Trị cũng bị đề nghị truy tố.
Liên quan đến Dự án cải tạo, nâng cấp Đê tả sông Hồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, Kết luận điều tra xác định: Ngày 7/5/2010, Phùng Quang Hùng (khi ấy là Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) ký quyết định số 1178/QĐ-UBND phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp Đê tả sông Hồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, với tổng mức đầu tư 1.570 tỷ đồng, giao UBND huyện Vĩnh Tường làm chủ đầu tư.

Nhiều cựu quan chức của các tỉnh "nhúng chàm" trong vụ án Nguyễn Văn Hậu, Tập đoàn Phúc Sơn. Trong đó riêng tỉnh Vĩnh Phúc có đến 15 người.
Đầu năm 2010, Nguyễn Văn Hậu liên hệ, đặt vấn đề và được Bùi Minh Hồng, khi ấy là Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường cho tham dự cuộc họp của UBND huyện Vĩnh Tường để bàn công tác triển khai dự án Đê tả sông Hồng. Tuy nhiên, dự án được phê duyệt Kế hoạch đấu thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi với chi phí đầu tư lớn, thi công công trình đặc thù, Tập đoàn Phúc Sơn không đủ năng lực để tham gia trúng thầu thi công.
Bởi vậy nên Hậu đã liên hệ, đặt vấn đề với Phạm Văn Vọng (khi ấy là Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc), Phùng Quang Hùng (khi ấy là Chủ tịch UBND tỉnh). Hai người này đồng ý cho Tập đoàn Phúc Sơn được tham gia dự án theo hình thức chỉ định thầu.
Kết luận điều tra xác định: Do được tạo điều kiện bằng việc điều chỉnh hình thức đấu thầu từ đấu thầu rộng rãi thành chỉ định thầu để Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu, Nguyễn Văn Hậu đã đưa tiền cảm ơn cho Phạm Văn Vọng 2 tỷ đồng vào cuối năm 2013 tại nhà riêng của Vọng ở huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Hậu đưa 30.000 USD cho Phùng Quang Hùng vào đầu năm 2012 tại phòng làm việc của Hùng ở trụ sở UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Bên cạnh đó, Hậu cũng đưa cho Hà Hoà Bình (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) số tiền 300 triệu đồng vào đầu năm 2012 tại phòng làm việc của Bình ở trụ sở UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Tại cơ quan công an, ông Bùi Minh Hồng, cựu Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường khai nhận: Thực hiện chỉ đạo của Phạm Văn Vọng và Phùng Quang Hùng về việc tạo điều kiện cho Tập đoàn Phúc Sơn tham gia thực hiện dự án Đê tả sông Hồng, trước khi tổ chức đấu thầu, Hồng đã cho Hậu tham gia cuộc họp bàn về công tác triển khai dự án.
Hồng ký văn bản đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho áp dụng hình thức chỉ định thầu, lựa chọn đơn vị thi công dự án với lý do để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện, phòng chống lụt bão trước mùa mưa năm 2012.
Không những thế, Hồng khai đã chỉ đạo Hoàng Quốc Trị, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường và lãnh đạo 11 xã thuộc huyện Vĩnh Tường gửi báo cáo sai sự thật về hiện trạng tuyến đê "đang hư hỏng" làm căn cứ áp dụng chỉ định thầu. Chỉ đạo cấp dưới cung cấp thông tin, dự toán các gói thầu cho Tập đoàn Phúc Sơn để lập Hồ sơ dự thầu.
Khi Tập đoàn Phúc Sơn nộp Hồ sơ dự thầu, Hồng tiếp tục chỉ đạo cấp dưới ký hợp thức Báo cáo kết quả đánh giá xét chọn nhà thầu để cựu Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường - Khổng Văn Thuyết ký các quyết định phê duyệt trúng thầu thi công gói thầu số 01; gói thầu số 03 của dự án. Sau chuỗi hành vi này, Hồng khai được Nguyễn Văn Hậu chi 550 triệu đồng và đã sử dụng, hưởng lợi cá nhân.
Cơ quan điều tra xác định, quá trình tổ chức thi công, UBND huyện Vĩnh Tường không thực hiện vai trò quản lý, giám sát của Chủ đầu tư, để Tập đoàn Phúc Sơn sử dụng 5 công ty khác không được Chủ đầu tư phê duyệt làm nhà thầu phụ để thi công. Nguyễn Văn Hậu yêu cầu các công ty này cắt lại 58,4 tỷ đồng tiền % khối lượng hoàn thành thi công; đồng thời Hậu yêu cầu 11 đơn vị cung cấp vật tư, vật liệu chuyển lại 231 tỷ đồng chênh lệch vật tư, vật liệu cho Hậu và Tập đoàn Phúc Sơn hưởng lợi bất chính.
Chuỗi hành vi này gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước tổng số tiền 289,6 tỷ đồng. Trong đó gói thầu số 01 là 9,8 tỷ đồng và gói thầu số 03 là 279,8 tỷ đồng.
Tác giả: Võ Nam
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy