Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh An Giang thông báo kết quả đấu giá quyền khai thác mỏ cát có trữ lượng gần 2,4 triệu m3 ở sông Tiền thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới và hai mỏ cát trên 1,4 triệu m3 ở sông Hậu thuộc hai huyện Châu Phú, Phú Tân.
Giá khởi điểm mỏ cát sông Tiền là 7,2 tỷ đồng. Đơn vị chấp nhận chi 2.811,9 tỷ đồng để giành quyền khai thác mỏ cát này là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ T-S.HOME (quận 7, TP.HCM). Hai mỏ cát sông Hậu có giá khởi điểm 4,4 tỷ đồng và Công ty TNHH Phúc Thành Tân Châu (thị xã Tân Châu, An Giang) giành quyền khai thác với mức giá 272,8 tỷ đồng.
Trao đổi với Zing chiều 10/4, ông Nguyễn Việt Trí - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang - cho biết mỏ cát sông Tiền trữ lượng 2,4 triệu m3. "Nếu nhân với giá cát như hiện nay thì mọi người đều biết giá trị bao nhiêu", ông Trí nói.
Theo khảo sát, giá cát san lấp tại mỏ hiện vào khoảng 90.000 đồng/m3. Ông Trí cho rằng chưa thể đánh giá được mục tiêu của doanh nghiệp trúng đấu giá trong thương vụ này.
Sông Tiền và sông Hậu đoạn qua tỉnh An Giang có rất nhiều mỏ cát lớn. Ảnh: Châu Thành Long.
Năm năm phải đóng đủ 2.811,9 tỷ đồng
“Trước khi nhận giấy phép khai thác mỏ cát này, doanh nghiệp phải đóng 145 tỷ đồng. Bốn năm tiếp theo, mỗi năm họ phải đóng 543 tỷ đồng để đủ 2.811,9 tỷ đồng sau 5 lần nộp tiền”, ông Trí cho biết.
Theo tư lệnh ngành TN&MT An Giang, hai mỏ cát còn lại dưới sông Hậu có trữ lượng trên 1,4 triệu m3. Doanh nghiệp chấp nhận chi gần 273 tỷ đồng để trúng đấu giá cũng là số tiền rất lớn. Trong trường hợp khảo sát thực tế trữ lượng cát tại mỏ cao hơn số lượng mời thầu, ngành chức năng sẽ cộng thêm tiền cát theo quy tắc tam suất. Doanh nghiệp bỏ thầu sẽ mất 1,4 tỷ đồng tiền ký quỹ.
Zing đặt vấn đề về khả năng cát bồi lắng thêm trong vài năm tới và giá cát sẽ cao gấp hàng chục lần so với hiện nay. Ông Trí nói cát ở khu vực thượng nguồn có thể tăng thêm tại mỏ, còn những mỏ hạ nguồn như trường hợp này thì phải chờ rất lâu.
“Số năm khai thác cát được giới hạn, không cho kéo dài. Mỗi năm khai thác ít nhất 200.000 m3. Vì vậy, mỏ cát 2,4 triệu khối được khai thác 12 năm sẽ xong nhưng doanh nghiệp phải đóng đủ tiền 2.811,9 tỷ đồng trong 5 năm đầu”, ông Trí nói.
Một số doanh nghiệp chuyên khai thác cát tại Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng… khẳng định không đơn vị nào dám mua 1 m3 cát với giá hơn 1,1 triệu đồng. Một chủ doanh nghiệp kinh doanh cát tại Sóc Trăng chỉ ra kịch bản nếu công ty ở TP.HCM bỏ gói thầu, doanh nghiệp ra giá thấp hơn kế tiếp sẽ trúng thầu.
“Cần phải xem doanh nghiệp ra giá thấp hơn tiếp theo có quan hệ gì với đơn vị vừa trúng thầu hay không. Ví dụ, tôi ra giá cao chót vót để trúng thầu rồi bỏ, anh ra giá thấp tiếp theo nhưng hợp lý sẽ được đôn lên. Khi đó, mọi người sẽ đặt vấn đề về quan hệ giữa tôi và anh”, chủ doanh nghiệp này phân tích.
Công an đang tìm hiểu
Cùng quan điểm, đại tá Đinh Văn Nơi - Giám đốc Công an tỉnh An Giang - nói rằng 1 m3 cát trị giá hơn 1,1 triệu đồng "là điều bất thường". Do đó, không loại trừ khả năng doanh nghiệp đưa ra giá cao để trúng thầu khai thác mỏ cát nhằm mục đích khác.
“Có khả năng trúng thầu với số tiền khủng khiếp như vậy để làm thủ tục gì đó chứ làm sao mua nổi với giá này. Doanh nghiệp có thể bỏ cái này (mất tiền ký quỹ - PV) nhưng được cái kia. Công an đang tìm hiểu”, đại tá Nơi nói.
Theo đại tá Nơi, tất cả mỏ cát tại An Giang đều có gắn thiết bị định vị. Do đó, đơn vị nào khai thác vượt phạm vi của mỏ cát, công an sẽ đến điều tra ngay. “Tôi mở máy ra thấy khai thác cát ra ngoài mỏ là cho công an tới liền. Lần đầu còn phạt, lần 2 là đề nghị rút giấy phép", ông Nơi nói.
"Ở An Giang bây giờ muốn khai thác cát gian lận là công an tới liền. Công an tỉnh đang xây dựng kế hoạch, muốn làm bậy bạ là không nhúc nhích gì được đâu”, Giám đốc Công an tỉnh An Giang khẳng định.
Mỏ cát trên 1,4 triệu m3 dưới sông Hậu được doanh nghiệp đồng ý chi gần 273 tỷ đồng cũng được cho là ra giá cao. Ảnh: Châu Thành Long.
Về vấn đề mỏ cát 2,4 triệu m3 có giá 2.811,9 tỷ đồng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Chỗ này thấy cũng lạ nên sắp tới tôi giao cho Sở TN&MT mời doanh nghiệp đến để thỏa thuận các điều khoản ràng buộc trước khi ra quyết định trúng thầu".
"Nếu doanh nghiệp này bỏ thầu sẽ mời các doanh nghiệp tiếp theo để chấm thầu tiếp chứ không hủy. Đơn vị này thỏa thuận không xong thì mời các đơn vị kế tiếp”, ông Bình nhấn mạnh.
Phóng viên Zing nhiều lần liên lạc điện thoại với lãnh đạo doanh nghiệp chấp nhận chi 2.811,9 tỷ đồng để mua mỏ cát sông Tiền nhưng vị này không nghe máy.
Tác giả: Việt Tường
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy