Dòng sự kiện:
Vụ bị truy tố oan sai ở Bắc Kạn: Vì sao không thể buộc tội bị cáo?
25/07/2018 08:33:34
Theo HĐXX đánh giá, CQĐT đã vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng hình sự, nên kết quả nhận dạng, tài liệu chứng minh hành vi trộm cắp tài sản của Lâm Viết Dương là không có giá trị, không thể dùng để buộc tội bị cáo.

Vụ trộm cắp tài sản tại trường tiểu học

Khoảng 7h15 ngày 16/12/2015, chị Nguyễn Thị Thảo là Phó hiệu trưởng và chị Đinh Thị Hằng là giáo viên của trường Trường tiểu học Phùng Chí Kiên, TP Bắc Kạn (Bắc Kạn) phát hiện một thanh niên lạ mặt trên tay cầm một túi nilon màu trắng đứng gần phòng làm việc của chị, nhìn vào khu vực nhà để xe của nhà trường.

Cả 2 sau đó gọi điện thoại thông báo cho ông Nguyễn Phúc Vân là bảo vệ của nhà trường. Khi đến phòng bảo vệ, 2 chị thấy 1 thanh niên lạ mặt đang ngồi trên chiếc xe máy của ông Vân đề nổ máy, điều khiển xe đi ra ngoài.


Bị cáo Lâm Viết Dương được thả tự do tại tòa sau hơn 2 năm bị giam giữ.

Thấy vậy, chị Thảo và chị Hằng chạy đến trước đầu xe giữ lại, thì nam thanh niên nhảy khỏi xe bỏ chạy, làm xe bị đổ, bỏ lại túi nilong màu trắng treo ở xe.

2 chị sau đó liền tri hô và cùng bảo vệ đuổi theo. Thanh niên này sau đó bị ngã, đánh rơi chiếc điện thoại di động iPhone 4S, bên trong gắn sim số 0979.087.817 rồi đứng dậy chạy thoát.

Sau khi sự việc xảy ra, nhà trường và ông Vân đã báo cho Công an phường Phùng Chí Kiên đến hiện trường làm việc và lập biên bản sự việc, tạm giữ chiếc xe máy mang BKS: 97B1 - 176.73, 1 chiếc điện thoại di động nhãn hiệu iPhone 4S màu đen, bên trong gắn sim 0979.087.817 và các đồ vật có trong túi nilong màu trắng treo ở xe mô tô gồm: 1 chía khóa mô tô; 1 mũ len màu đen; 1 đôi gang tay màu đen ghi; 1 biển số xe 72K1 - 228.13; 1 đăng ký xe mô tô số 026192 mang tên Nguyễn Thị Kim Sơn; 1 cờ lê vặn ốc số 8 và số 10 màu trắng bằng kim loại; 1 khăn mặt màu trắng.

Qua khai thác thông tin lưu trữ trong chiếc điện thoại di động nhãn hiệu iPhone 4S đối tượng trộm cắp làm rơi tại hiện trường, cùng ngày, Công an TP Bắc Kạn đã tiến hành lấy lời khai của chị Lý Thị Hiền (SN 1987), trú tại thôn Bài Kinh, xã Yên Trạch, huyện Phú Lương (Thái Nguyên).

Chị Hiền cho biết, số điện thoại 0979.087.817 là của một người chị mới quen trên xe khách đi từ tỉnh Đắk Lắk về tỉnh Thái Nguyên. Người này tên là Dương khoảng 34 tuổi, cao 1,70cm, người gầy, tóc hớt mái, da đen. Sau khi làm quen, 2 người cho nhau số điện thoại.

Sáng 15/12/2015, chị và người này gặp nhau tại nhà nghỉ Hoa Hồng ở TP Bắc Kạn rồi cùng đi về quê chị ở huyện Ngân Sơn chơi. Đến buổi chiều thì quay về TP Bắc Kạn, còn chị đi về nhà ở Thái Nguyên.

Ngày 28/12/2015, phát hiện người như chị Hiền mô tả đang ở nhà nghỉ Thiên Phong, thuộc xóm Bằng Ninh, xã Yên Ninh, huyện Phú Lương (Thái Nguyên), CQĐT Công an TP Bắc Kạn đã triệu tập người này về trụ sở làm việc.

Tại CQĐT, người đàn ông khai tên là Lâm Viết Dương (SN 1982), trú tại thôn 12, xã Eakmút, huyện Eakar (Đắk Lắk), có mặt tại TP Bắc Kạn từ đêm ngày 14/12/2015 đến chiều 16/12/2015.

Dương thừa nhận chiếc điện thoại thu tại hiện trường vụ án là của mình, nhưng sáng ngày 16/12/2015 đã cho người bạn tên Dũng mượn, sau đó không thấy trả lại. Vì vậy, anh này không thừa nhận mình là người thực hiện hành vi trộm cắp chiếc xe máy mang BKS: 97B1 - 176.73 của ông Vân tại Trường tiểu học Phùng Chí Kiên.

Ngày 28 và 29/12/2015, CQĐT đã cho chị Thảo, Hằng, Hiền nhận dạng ảnh Lâm Viết Dương. Ngày 29/12, CQĐT Công an TP Bắc Kạn đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Dương.

Những sai lầm của CQĐT

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 10/2018/HSST ngày 26/4/2018 theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 11/2018/QDXXST-HS ngày 11 tháng 5 năm 2018 đối với bị cáo Lâm Viết Dương, HĐXX nhận định, quá trình CQĐT thu thập chứng cứ và kết quả các lần nhận dạng ảnh và nhận dạng người của những người làm chứng Nguyễn Thị Thảo, Định Thị Hằng vào ngày 28/12/2015 và ngày 27/2/2016, thu thập 1 chiếc điện thoại di động nhãn hiệu iPhone 4S, bên trong gắn sim số 0979.087.817 không được tiến hành theo trình tự, thủ tục quy định tại các Điều 75, Điều 95 và Điều 139 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.

Trụ sở TAND TP Bắc Kạn.

Cụ thể, thực tế địa điểm tiến hành nhận dạng tại trường Tiểu học Phùng Chí Kiên, TP Bắc Kạn và thời gian nhận dạng là buổi sáng ngày 28/12/2015, nhưng trong các biên bản nhận dạng lại thể hiện, địa điểm nhận dạng là tại trụ sở Công an TP Bắc Kạn, thời gian lại vào buổi chiều.

Việc nhận dạng vào ngày 28/12/2015 và ngày 27/2/2016, không được tiến hành theo trình tự, thủ tục, quy định tại Điều 139 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Việc này vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên không hợp pháp và không có giá trị chứng minh trong vụ án.

Măc dù các lần sau đó, CQĐT đã tiến hành cho những người làm chứng nhận dạng người và nhận dạng ảnh lại theo quy định của pháp luật nhưng kết quả các lần nhận dạng lại không còn tính khách quan, không thể sử dụng kết quả các lần nhận dạng này làm chứng cứ buộc tội bị cáo.

Quá trình thu thập, bảo quản vật chứng, cán bộ điều tra đã tháo chiếc sim mang số thuê bao 0979.087.817 trong chiếc điện thoại di động nhãn hiệu iPhone 4a thu tại hiện trường lắp vào điện thoại cá nhân sử dụng để điều tra, nhưng việc sử dụng chứng cứ không được tiến hành lập biên bản, không đảm bảo tính nguyên vẹn của chứng cứ, theo quy định tại các Điều 75 và Điều 95 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, nên không hợp pháp và không có giá trị chứng minh trong vụ án.

Các vi phạm trên là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bị cáo, nên kết quả các lần nhận dạng ảnh, nhận dạng của những người làm chứng và chứng cứ là chiếc điện thoại iPhone 4A mang số thuê bao 0979.087.817 do CQĐT thu thập là không hợp pháp.

Về hành vi bị truy tố của bị cáo, qua các lời khai của người bị hại, những người làm chứng và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, HĐXX xét thấy, các chứng cứ CQĐT thu thập về số điện thoại 0979.087.817, Dương khai có sử dụng để liên lạc với Dũng có sự mâu thuẫn.

Cụ thể, tại biên bản kiểm tra thông tin trong điện thoại di động nhãn hiệu iPhone 4S màu đen, bên trong có gắn thẻ sim số 0979.087.817, đã xác định tình trạng máy đang hoạt động bình thường, các cuộc gọi đi, gọi đến, gọi nhỡ, hộp thư đến, hộp thư đã gửi trong ngày 15 và ngày 16/12/2015 thể hiện trong ngày 16/12/2015, không nhận cuộc gọi đến nào.

Tuy nhiên, tại Báo cáo chi tiết lịch sử liên lạc do Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel cung cấp thì trong ngày 16/12/2015, số điện thoại 0979.087.817 vẫn nhận 2 cuộc điện thoại đến, cụ thể 1 cuộc gọi lúc 9h40 từ số 01635.334.445 với thời gian là 23 giây và 1 cuộc gọi lúc 18h56 từ số 0946.284.778 với thời gian là 106 giây.

Sau khi đối chiếu thì tài liệu do CQĐT thu thập không thể sử dụng là chứng cứ buộc tội bị cáo.

Đối với các vật chứng thu tại hiện trường, CQĐT đã trưng cầu giám định và kết quả đã xác định: "Không thu được dấu vết đường vân, dấu vết sinh học trên các mẫu gửi giám định đủ yếu tố giám định truy nguyên đối tượng".

Trên cơ sở các phân tích trên, đánh giá một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ các lời khai của bị cáo, người bị hại, người làm chứng, lời trình bày của điều tra viên tại phiên tòa và các chứng cứ, tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án có liên quan trong việc chứng minh tội phạm, HĐXX xét thấy, bị cáo Lâm Viết Dương kêu oan là có cơ sở, cáo trạng và luận tội của VKSND TP Bắc Kạn truy tố bị cáo Dương về tội Trộm cắp tài sản, theo điểm c khoản 2 Điều 138 của Bộ luật hình sự năm 1999 là không có căn cứ, nên không được HĐXX chấp nhận.

An ninh Tiền tệ sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.


Sa Hà - Quốc Phương

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến