Dòng sự kiện:
Vụ buôn lậu xăng dầu: Cựu thiếu tướng cảnh sát biển nói 'tủi nhục' với gia đình
28/12/2022 13:42:45
Cựu Tư lệnh Cảnh sát biển vùng 4 Lê Văn Minh khai về hành vi nhận hối lộ từ "trùm" xăng lậu, bật khóc nói cảm thấy "tủi nhục" với gia đình.

Ngày 28/12, Tòa án quân sự Trung ương tiếp tục làm việc với phần xét hỏi các bị cáo kháng cáo trong vụ án cảnh sát biển, bộ đội biên phòng "bảo kê" buôn lậu xăng dầu.

Do xuất hiện một số tình tiết giảm nhẹ chưa thể xác minh tại tòa, VKS đề nghị rời phần luận tội, đề nghị mức án sang 14h chiều nay và được HĐXX chấp thuận.


Cựu Tư lệnh Cảnh sát biển vùng 4 Lê Văn Minh (đeo kính). Ảnh: Trọng Đức

Tại phần xét hỏi, bị cáo Lê Văn Minh, cựu thiếu tướng, cựu Tư lệnh Cảnh sát biển vùng 4 khai về hành vi nhận hối lộ từ trùm xăng lậu, bật khóc nói cảm thấy "tủi nhục" với gia đình.

"40 năm gia đình nuôi ăn học rồi phục vụ cách mạng, không ngờ đến cuối đời vướng vòng lao lý. Bị cáo rất ân hận", bị cáo Minh nói.

Trước ý kiến của ông Minh cho rằng VKS cáo buộc ông nhận số tiền cao hơn thực tế, VKS cho biết, ông Phan Thanh Hữu và con trai (Phan Lê Hoàng Anh) đã khai chuyển tiền cho bị cáo Minh tất cả các tháng, gồm cả giữa năm 2020.

"Cha con Hữu khai tất cả các hành vi buôn lậu đều xin ý kiến của bị cáo hết, đều nhắn tin, tọa độ nọ kia cho bị cáo. Dù tháng 6 có thể dịch bệnh, doanh nghiệp buôn lậu của Hữu không hoạt động nhưng con trai Hữu vẫn chuyển tiền cho bị cáo, Phan Lê Hoàng Anh đã xác định số tiền không nên phải tranh cãi nhiều", VKS nêu quan điểm.

Bị cáo Lê Xuân Thanh, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 khai "đúng, tôi nhận 1,8 tỷ của Hữu", song bị cáo cho rằng mình bị phạt 12 năm tù là "quá nghiêm khắc".

Nhà chức trách cáo buộc, chính cựu thiếu tướng Lê Văn Minh là người "dắt mối" cho trùm xăng lậu quen biết và đến thăm nhà ông Thanh hồi cuối tháng 1/2020.

Nhắc về cuộc gặp, ông Thanh phân trần, "khi ông Hữu nhờ giúp đỡ, tôi đã nói anh ở TP.HCM hoạt động kiểu gì tôi không cần biết nhưng ở trên biển, thì cấp dưới và cơ quan tôi bắt được sẽ xử lý nghiêm". Ông Thanh khẳng định không bao giờ cho Hữu số điện thoại của mình hay của vợ.

"Tôi không đặt vấn đề gì về lợi ích vật chất với ông Hữu, đó là lần đầu tiên và duy nhất ông Hữu gặp tôi và từ đó đến nay không có mối quan hệ nào", bị cáo Thanh nói và xin cho đối chất với ông Hữu. Ông Hữu sau đó xác nhận lời khai này đúng.

Vợ ông Thanh bị cấp sơ thẩm phạt 2 năm 6 tháng tù treo với cùng tội danh, hành vi, song bà không kháng cáo.

Tổng số tiền các bị cáo nhận hối lộ trong vụ án được xác định hơn 38 tỷ đồng. Ngoài bị cáo Nguyễn Thế Anh trước đó kêu oan, không khắc phục hậu quả, hầu hết các bị cáo đã nộp lại toàn bộ để được hưởng tình tiết giảm nhẹ. HĐXX cho biết, người duy nhất chưa hoàn thành nghĩa vụ này là bị cáo Lê Văn Phương, Phó phòng CSGT Công an Trà Vinh.

Ông Phương bị cấp sơ thẩm 3 năm 6 tháng tù do nhận 360 triệu đồng để "làm ngơ" cho các tàu chở xăng lậu của ông Hữu đi qua địa bàn mà Phương quản lý. So với các bị cáo còn lại, HĐXX nhận định số tiền Phương nhận không lớn, nhưng đến nay, bị cáo mới nộp lại 250 triệu đồng. Ông Phương giải thích "hoàn cảnh gia đình rất khó khăn".

"Khó khăn đến mức nào? Khi phạm tội làm tới thượng tá, phó phòng cảnh sát giao thông tỉnh đúng không?", VKS hỏi.

Ông Phương cho hay, khi tại chức mức lương tháng chỉ khoảng 20 triệu đồng, nhà phải đi thuê, không có thu nhập thứ hai, nợ nần lãi ngoài nhiều. Bị cáo xin hưởng án treo để lao động và khắc phục nốt số tiền còn thiếu "đỡ cảnh khi chết vẫn mang nợ Nhà nước", ông khai trong phiên tòa sáng nay.

14h chiều nay, VKS công bố bản luận tội với 9 bị cáo trong phiên tòa phúc thẩm.

Tác giả: Nhị Tiến

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến