Dòng sự kiện:
Vụ cháu bé bị hổ vồ: Nghi vấn 'núp bóng' việc nuôi nhốt bảo tồn để buôn bán hổ
11/06/2017 13:31:27
Xuất phát từ vụ một cháu bé 13 tuổi bị hổ vồ trúng chân rơi vào tình huống nguy hiểm đến tính mạng ở xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), nhiều thông tin liên quan đến trại nuôi nhốt này mới được phát hiện và khiến nhiều người đặt ra nghi vấn về việc cơ sở này đang “núp bóng” việc nuôi nhốt, bảo tồn để buôn bán hổ.

Từ cơ sở nuôi nhốt “chui” thành trại nuôi nhốt, bảo tồn hổ

Sau vụ việc cháu bé 13 tuổi bị hổ vồ phải nhập viện cấp cứu, nguồn gốc của trại nuôi hổ tại thôn Tàu Voi, xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) mới được dư luận quan tâm và tìm hiểu. 

Chủ nhân của cơ sở này là ông Nguyễn Mậu Chiến (SN 1970, trú tại 16BT7, khu Đô thị Văn Quán, phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP Hà Nội). Theo tìm hiểu được biết, ông Chiến xây dựng trại nuôi hổ vào năm 2006, với số lượng 12 con hổ. 

Tuy nhiên, việc nuôi nhốt hổ của ông Chiến khi đó là bất hợp pháp, cho đến năm 2008, UBND tỉnh Thanh Hóa mới phát hiện và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở này. Từ một cơ sở nuôi nhốt hổ “chui”, trong vòng 6 năm, trại nuôi này đã trở thành trại nuôi hợp pháp với danh nghĩa bảo tồn và phát triển hổ.

Tháng 5/2012, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cấp giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi sinh trưởng/ sinh sản động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm cho trại nuôi hổ này trong thời hạn 5 năm với số lượng 12 cá thể. 

Trước đó, ông Thiều Văn Lực, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cho biết: “Hiện giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi hổ của gia đình bà Hồng đã hết thời hạn từ ngày 22/5/2017. Gia đình bà Hồng (vợ ông Chiến – PV) đang làm đơn đề nghị các cơ quan chức năng ra hạn giấy phép và chưa được cấp lại thì xảy ra vụ việc. Chúng tôi sẽ xem đây là một trong những tình tiết để sau này xem xét có tiếp tục cấp giấy chứng nhận nuôi nhốt hổ nữa không”. 

Nghi vấn nuôi nhốt hổ để làm “vỏ bọc” cho việc buôn bán hổ

Hổ được ghép đôi đã nhiều năm nhưng số lượng sổ trên hồ sơ của trại vẫn

không hề thay đổi

Theo thông tin từ Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV - Education for Nature Vietnam), tổ chức phi chính phủ hoạt động với mục đích bảo vệ sự đa dạng sinh học của đất nước, cũng như bảo vệ các loài động vật hoang dã. 

Cho đến nay, ngoài 1 cá thể hổ chết được ghi nhận vào tháng 12/2008, số lượng hổ tại cơ sở này trong những năm qua không hề biến động (không có hổ con sinh mới hoặc chết đi). Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng hình ảnh cho thấy, các đặc điểm định dạng của các cá thể hổ được nuôi nhốt tại trại này lại có nhiều thay đổi.

Thêm vào đó, hiện tại, ông Nguyễn Mậu Chiến đang bị khởi tố và bắt giữ về vì tình nghi liên quan đến đường dây buôn bán động vật hoang dã, quý hiếm xuyên quốc gia. Trước đó, tháng 4/2017, Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu, Bộ Công an đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Mậu Chiến cùng đồng bọn đang buôn bán, vận chuyển 36kg sừng tê giác, 2 cá thể hổ đông lạnh, 3 bộ da sư tử cùng nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ ngà voi và các loài động vật hoang dã khác. Các đối tượng đã khai nhận 2 cá thể hổ đông lạnh bị tịch thu có nguồn gốc từ cơ sở nuôi nhốt hổ của Nguyễn Mậu Chiến.

Sau hàng loạt những điểm bất thường trên thì dư luận đặt ra nghi vấn về việc cơ sở nuôi nhốt hổ của ông Nguyễn Mậu Chiến thực chất chỉ đóng vai trò “vỏ bọc” cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép hổ và các loài ĐVHD khác mà không hề phục vụ mục đích nuôi thí điểm, bảo tồn hổ như gia đình ông Chiến đã đặt ra trước đó. 

Theo bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Tổ chức ENV: “Tổ chức  ENV cho rằng,  đã đến lúc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần kiểm soát sự phát triển của các cơ sở nuôi nhốt hổ. Trong năm 2007, cả nước có 5 cơ sở được phép nuôi nhốt hổ thì hiện nay, con số đó hiện nay đã lên đến 13 cơ sở nuôi nhốt hổ tư nhân (không bao gồm các vườn thú và trung tâm cứu hộ thuộc sự quản lý của Nhà nước). Trong khi đó, hiện nay vẫn chưa có các quy định cụ thể về điều kiện thành lập cũng như quy định trong quản lý và xử lý vi phạm tại các cơ sở nuôi nhốt hổ và các loài nguy cấp, quý, hiếm khác. Chính điều này đã gây khó khăn cho các địa phương trong việc quản lý cũng như tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng việc nuôi nhốt hổ để hợp pháp hóa các cá thể hổ buôn bán bất hợp pháp”. 

Lương Thị

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến