Ngày 24/2, một lãnh đạo UBND huyện Krông Nô (Đắk Nông) cho biết, đơn vị vừa nhận được văn bản của UBND xã Quảng Phú về việc đề nghị tiếp tục đầu tư xây dựng cầu Quảng Phú dựa trên nguyện vọng của người dân.
Người dân xã Quảng Phú (huyện Krông Nô, Đắk Nông) kiến nghị tiếp tục xây dựng cây cầu nối hai tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông, mà tỉnh Đắk Lắk chủ trương chi 3 tỷ để phá bỏ (Ảnh: Trương Nguyễn).
Theo vị lãnh đạo này, cây cầu do tỉnh Đắk Lắk xây dựng nên việc phá dỡ hay tiếp tục xây dựng thì cơ quan chức năng sẽ thẩm định, tính toán phương án cụ thể để có kết luận.
"Trong trường hợp đầu tư xây dựng cầu đúng nguyện vọng của nhân dân thì huyện rất ủng hộ. Tuy nhiên mức đầu tư xây dựng cũng không nhỏ nên phải xem xét kỹ nhiều yếu tố", lãnh đạo UBND huyện Krông Nô bày tỏ quan điểm.
Ông Trần Thanh Hùng - Chủ tịch UBND xã Quảng Phú - xác nhận, hầu hết người dân trên địa bàn xã đều mong muốn cây cầu được tiếp tục xây dựng để đi lại, giao thương phục vụ nhu cầu người dân.
Cây cầu bị bỏ hoang suốt 23 năm qua gây phản cảm (Ảnh: Uy Nguyễn).
"Nếu cầu được xây dựng, người dân muốn đi tới Đắk Lắk, Lâm Đồng sẽ được rút ngắn khoảng cách. Hiện người dân xã Quảng Phú canh tác ở xã Nam Ka, xã Ea Rbin (huyện Lắk, Đắk Lắk) với khoảng 100 hộ nên trông mong có cầu để thuận tiện thu hoạch vụ mùa nông sản", ông Hùng cho hay.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, người dân đã phản ánh, đề nghị các cấp, ngành xem xét việc phá dỡ cầu Quảng Phú là không cần thiết, gây lãng phí, bức xúc trong dư luận xã hội và đề nghị các cấp có giải pháp khôi phục cây cầu này.
Như đã đưa tin, tháng 12/1998, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt dự án xây dựng cầu Quảng Phú, giao Sở Giao thông vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 4,7 tỷ đồng. Cây cầu sau đó được thi công nhưng đã phải 3 lần tạm dừng do liên quan đến các dự án thủy điện.
Qua thời gian cây cầu cũng bị xuống cấp một số hạng mục (Ảnh: Uy Nguyễn).
Năm 2004, UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định dừng triển khai thi công cầu Quảng Phú, giao cho Sở GTVT kiểm kê, nghiệm thu khối lượng đã thi công, thực hiện các thủ tục thanh quyết toán theo quy định. Thời điểm này, công trình đã xây dựng được 2 mố cầu, 4 trụ, 4 dầm nhịp 18 m… Tổng giá trị hoàn thành và được phê duyệt quyết toán khoảng 6,4 tỷ đồng.
Cây cầu xây dở dang rồi bỏ mặc hoang hóa suốt 23 năm qua. Vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý chủ trương chi khoảng 3 tỷ đồng để phá dỡ cây cầu này.
Sở GTVT Đắk Lắk nhận định, cầu Quảng Phú với kết cấu công trình chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chưa đưa vào khai thác, sử dụng. Bên cạnh đó, với thời gian hơn 20 năm chịu sự tác động của dòng chảy, thời tiết, địa chất khó lường, việc kiểm định, đánh giá chất lượng khó khăn và tốn nhiều kinh phí, khả năng tận dụng lại các hạng mục đã đầu tư không cao.
Theo Sở GTVT Đắk Lắk, việc tiếp tục đầu tư cầu Quảng Phú trong thời điểm hiện tại và tương lai là không cần thiết, quy mô đầu tư thấp, kinh phí đầu tư lớn (dự kiến khoảng 30 tỷ đồng), không có hiệu quả nên kiến nghị phương án phá dỡ.
Tác giả: Trương Nguyễn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy