Dòng sự kiện:
Vụ con dâu 'khai tử' bố mẹ chồng: Những câu hỏi còn bỏ ngỏ
26/08/2017 07:21:42
Mặc dù đối xử tốt với con dâu hơn con gái nhưng mười năm trước ông Đỗ Văn Hợp và Nguyễn Thị An (SN 1932) tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ (Hà Nội) đã bị con dâu là Vũ Thị Viễn "khai tử" nhằm chiếm tài sản thừa kế.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Đỗ Văn Hợp và bà Nguyễn Thị An tại số 60, ngõ 399 Âu Cơ, Tây Hồ (Hà Nội). Ông Hợp đón chúng tôi ở cửa, đôi chân run run bước chậm từng bước. Sức khỏe của ông ngày càng yếu, một phần vì tuổi cao, một phần là bởi phải chịu áp lực tinh thần nặng nề từ việc vợ chồng ông bị con dâu là Vũ Thị Viễn "khai tử" giả nhằm chiếm tài sản thừa kế.

Ông Đỗ Văn Hợp đang sống khỏe mạnh mà bị con dâu "khai tử" từ 10 năm trước.

Ông Hợp mắt đỏ hoe kể lại cho chúng tôi nghe đầu đuôi câu chuyện. Năm 1998, vợ chồng ông bà có chia cho con trai là anh Đỗ Mạnh Tiến 185m2 đất (120m2 đất ở, 65m2 đất vườn), thửa số 70+70A tờ bản đồ số 19 thuộc tổ 7 cụm 1 phường Nhật Tân (số mới 62A, ngõ 399 đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội).

Đầu năm 2005, anh Đỗ Mạnh Tiến mắc bệnh hiểm nghèo rồi qua đời. Sau đó chị Vũ Thị Viễn (vợ anh Tiến) đến Phòng Công chứng số 3 Hà Nội thực hiện thủ tục kê khai nhận di sản thừa kế gồm chị Viễn và hai con gái còn vợ chồng ông Hợp bà An bị khai là đã chết.

Ông Đỗ Văn Hợp và con gái Đỗ Thị Huyền trao đổi với phóng viên ANTT.

Sự việc trôi vào im lặng cho đến năm 2015 khi vợ chồng ông Hợp phát hiện chị Viễn đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ nhà đất số 62A, ngõ 399 đường Âu Cơ, cho một gia đình khác và rời khỏi nơi cư trú. Đến nay gia đình ông Hợp cũng không biết chị Viễn đang ở đâu.

Chị Đỗ Thị Huyền (con gái ông Hợp, bà An và cũng là người được ông bà ủy quyền) kể: “Hai ông bà đối xử rất tốt với chị Viễn, nhiều khi còn tốt hơn cả con gái. Chị cũng lấy chồng ở gần đây mà còn thiệt thòi hơn chị ấy. Từ ngọn rau bí, quả chuối non, quả đu đủ non bà cũng dành dụm mang xuống cho ba mẹ con nhà chị Viễn. Thế mà không ngờ chị dâu chị lại dã tâm khai tử bố mẹ chị để chiếm đoạt mảnh đất”.

Theo lời chị Huyền, khi anh Tiến còn sống, cuộc sống của hai vợ chồng anh Tiến chị Viễn cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Sau khi xuất ngũ (năm 1980), anh Viễn xin làm bảo vệ cho một công ty với mức lương 45 nghìn đồng/tháng. Cuộc sống túng thiếu nên hai vợ chồng ngày nào cũng xích mích cãi cọ thậm chí ném đồ đạc ra ngoài. Chị Viễn nhiều lần viết đơn ly hôn nhưng anh Tiến thương hai đứa con nhỏ nên nhất quyết không ký.

Những lá đơn tố cáo, đơn kêu cứu được gửi đi khắp nơi mà không có hồi âm.

Năm 1990, chị Viễn sang Đức làm ăn, hai đứa con của vợ chồng chị một tay ông Hợp, bà An chăm nom từ lúc 6, 7 tháng tuổi. Ông Nguyễn Văn Hảo hàng xóm của gia đình ông Hợp chia sẻ: “Tôi còn nhớ ngày hai đứa con chị Viễn còn nhỏ, ốm đau liên miên, ông Hợp phải bế nó khắp xóm để dỗ nó ăn”.

Khi biết tin con dâu “khai tử” để chiếm đoạt tài sản thừa kế, ông Hợp quá sốc thêm tiền sử bệnh tim nên ông ngã quỵ, toàn thân tím tái gia đình phải đưa đi cấp cứu lúc 11 giờ đêm giữa trời mưa gió. Bà An dù không nghe rõ nhưng khi được con cái ghé sát tai kể lại câu chuyện cũng rất buồn và tức giận.

Suốt hai năm qua, gia đình ông Hợp không gặp và nói chuyện được với chị Viễn, điện thoại cũng không liên lạc được. Lễ, Tết hay ngày giỗ anh Tiến, chị Viễn cũng không về. Chị Viễn đã hai, ba lần thuê người đến phá khóa cửa, vứt chăn gối cùng nhiều đồ đạc trong căn nhà 62A để giao nhà cho người mua nhưng gia đình ông Hợp phát hiện kịp thời ngăn cản.

Chị Huyền bức xúc: “Dù có đi theo tổ tiên, bố mẹ chị cũng có một tâm nguyện là theo đến cùng vụ việc này để đòi lại mảnh đất của ông cha, hủy văn bản khai nhận di sản và các giấy tờ liên quan sai pháp luật”.

Hành trình đi tìm lại quyền sống của vợ chồng ông Hợp, bà An đằng đẵng suốt hai năm trời. Trong nỗi bức xúc, cay đắng vì bị con dâu "khai tử", lập di chúc giả, âm mưu chiếm đoạt tài sản, ông Đỗ Văn Hợp và vợ dù đã ở tuổi cao nhưng vẫn lặn lội các nơi để kêu cứu.

Gia đình ông đã gửi đơn tố cáo, đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền các cấp từ ngày 4/5/2015 nhưng gia đình ông chỉ nhận được các câu trả lời như: "Dân số phường Nhật Tân đông quá không kiểm soát được", "Chúng tôi không đủ thẩm quyền giải quyết", "Chúng tôi tin ba mẹ con chị Viễn nên không xác minh lại, họ khai như thế nào chúng tôi viết như thế"...

Ngày 21/4/2017 vụ việc của vợ chồng ông Hợp đã được Tòa án Nhân dân TP Hà Nội thụ lý vụ án dân sự sơ thẩm số 28/TLST/DS ngày 21/4/2017 đến nay mà vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng theo quy định của pháp luật.

Ông Hợp tâm sự: “Vợ chồng tôi vẫn sống khỏe mạnh, hàng tháng vẫn nhận được trợ cấp người cao tuổi đều đặn thế mà bị khai tử cả chục năm nay. Vợ chồng tôi cũng gần đất xa trời rồi không biết có đợi được đến lúc đòi được quyền sống hay không”.

Chị Huyền trao đổi với phóng viên ANTT: “Tại sao không có giấy chứng tử nhưng vẫn được công chứng viên chứng thực? Nếu không có giấy chứng tử thì ít nhiều cũng phải có một giấy xác minh về phường để xác nhận người mất, ngày mất chứ! Liệu có sự tiếp tay hay sự quan liêu hay không mà lại tin vào một lời nói miệng mà không xác minh lại?”

Những câu hỏi đó vẫn bỏ ngỏ và không biết đến bao giờ mới có câu trả lời.

Mạnh Long - Dương Nga

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến