Ngày 30/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận với các thành viên trong Hội đồng An ninh quốc gia về các biện pháp đáp trả ngoại giao sau khi nhiều nước phương Tây trục xuất số lượng lớn nhân viên ngoại giao của nước này trong một cuộc tranh cãi liên quan tới vụ cựu điệp viên hai mang người Nga và con gái bị đầu độc tại Anh.
Trong một tuyên bố trước đó cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Nga không đồng tình với nhận định của Chính phủ Mỹ rằng quyết định của Nga trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ cho thấy Moskva không quan tâm tới ngoại giao.
Điện Kremlin khẳng định, Nga không phải bên khơi mào cuộc chiến ngoại giao với phương Tây, Moskva muốn "quan hệ hữu hảo" và vẫn để ngỏ khả năng đối thoại.
Trong khi đó, liên quan đến các công bố mới nhất về những biện pháp đáp trả của Nga, Bộ Ngoại giao nước này cho biết đã triệu tập người đứng đầu các phái đoàn ngoại giao của 23 quốc gia có hành động không thân thiện với Nga phục vụ cái gọi là "ủng hộ Anh liên quan đến vụ việc cựu điệp viên Skripal và con gái bị đầu độc."
Theo đó, ngoài Hà Lan, Italy, Nga đã thông báo trục xuất 13 nhà ngoại giao Ukraine, 4 nhà ngoại giao Đức, 4 nhà ngoại giao Ba Lan, 3 nhà ngoại giao Litva, 3 nhà ngoại giao Séc, 2 nhà ngoại giao Tây Ban Nha, 1 nhà ngoại giao Na Uy và 1 nhà ngoại giao của Thụy Điển, tương ứng với số nhà ngoại giao Nga bị trục xuất.
Ngoài ra, thông báo cũng nhấn mạnh Moskva bảo lưu quyền trả đũa đối với quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga của Bỉ, Hungary, Gruzia và Montenegro.
Hiện tổng cộng hơn 150 nhà ngoại giao Nga đã bị yêu cầu rời khỏi các nước Liên minh châu Âu, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cả những quốc gia khác.
Theo VietnamPlus