Dòng sự kiện:
Vụ dân vây 2 nhà máy thép Đà Nẵng: Văn phòng Chính phủ đề nghị giải quyết và báo cáo
20/11/2018 06:07:10
Văn phòng Chính phủ chuyển đơn của Công ty thép Dana Ý đến UBND TP Đà Nẵng và yêu cầu đơn vị này xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và đề nghị thông báo cho Văn phòng Chính phủ kết quả giải quyết.

Ngày 16/11 vừa qua, thay lời Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ, Vụ trưởng vụ 1 Trần Bích Ngọc đã ký văn bản số 11160?VPCP-V1 gửi UBND TP Đà Nẵng về việc phản ánh kiến nghị của nhà máy thép Dana Ý.

Theo đó, Văn phòng Chính phủ chuyển đơn của Công ty thép Dana Ý đến UBND TP Đà Nẵng và yêu cầu đơn vị này xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và đề nghị thông báo cho Văn phòng Chính phủ kết quả giải quyết.

Theo đó, câu chuyện về nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng bị người dân vây dai dẳng, tố ô nhiễm đến nay vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa.

Về phía cơ quan chức năng, ngày 6/11 vừa qua, tại Chương trình HĐND với cử tri lần thứ 4 do Thường trực HĐND TP Đà Nẵng tổ chức, vấn đề này đưa ra bàn thảo nhưng số phận 2 nhà máy thép này vẫn chưa được định đoạt.

Văn phòng Chính phủ giao UBND TP Đà Nẵng giải quyết vụ việc và báo cáo

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết: Thực hiện kết luận Thanh tra ngày 3/10, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai những việc liên quan tới chức năng nhiệm vụ của mình, trong đó xử lý vi phạm liên quan tới môi trường. Sở đã có báo cáo ngày 30/10 liên quan đến việc xử lý ô nhiễm hai nhà máy Dana – Úc, Dana – Ý. Đối với nhà máy Dana - Úc bị vi phạm 4 hành vi, Dana - Ý vi phạm 3 hành vi.

Trong xử lý vi phạm thì thực hiện theo Nghị định 115/2016, trong đó liên quan những hành vi mà 2 nhà máy vi phạm thì tinh thần là xử phạt với số tiền tương ứng, đồng thời tạm dừng hoạt động trong 6 tháng. Tuy nhiên, trong 6 tháng nếu 2 nhà máy khắc phục được những vấn đề vi phạm thì có thể cho phép hoạt động lại được.

Theo ông Hùng, sau khi có báo cáo, Sở đã có văn bản báo cáo với TP về hướng giải quyết và hướng khắc phục những vi phạm này, hiện đang chờ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo TP về vấn đề này.

"Theo quy chuẩn thì khoảng cách ly này quy định rất khắt khe, đặc biệt đối với các cơ sở nguy hại thì khoảng cách ly phải từ 500 - 1.000m. Tuy nhiên, vừa rồi nghiên cứu một số quy chuẩn thì có một nội dung thế này: Nếu khi có điều kiện che chắn thuận lợi, có biện pháp khử chất độc hại và đảm bảo thì phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để giảm bớt kích thước khoảng cách ly.

Điều đó có nghĩa rằng, đặt trong bối cảnh hiện nay, chúng ta rất khó để giải quyết câu chuyện để đảm bảo khoảng cách ly theo quy chuẩn, bởi lẽ đô thị phát triển thì luôn luôn là như thế. Chúng ta thử hỏi đặt ra, nếu đảm bảo khoảng cách ly từ 500 - 1.000m thì lấy đâu ra đất để phát triển đô thị? Trong khi đó, quy chuẩn thì ghi rất rõ trong điều kiện mà anh có thể ứng dụng những công nghệ mà có thể khử chất độc, đảm bảo được các tiêu chuẩn xả thải về ô nhiễm môi trường thì các cơ quan chức năng có thể xem xét để giảm khoảng cách ly này", ông Hùng cho biết thêm.

Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, với những lùm xùm của 2 nhà máy thép, chính quyền cần phải có biện pháp xử lý dứt điểm và không để kéo dài sự việc.

"Nếu để kéo dài thì ảnh hưởng nhiều lắm, người dân thì suốt ngày nói chuyện đi hay ở, còn doanh nghiệp nói sản xuất không được, phải trả lãi suất cho ngân hàng, lo cho công nhân. Chúng ta cũng thấy được nỗi niềm của doanh nghiệp khi người ta phải dừng sản xuất như thế này. Nên tôi đề nghị sớm có giải pháp, phải dứt điểm trên cơ sở đảm bảo quy định, vận dụng làm sao đó hài hòa lợi ích của nhà nước, của nhân dân, của doanh nghiệp và báo cáo việc này trước kỳ họp HĐND thành phố cuối năm 2018", ông Trung nói thêm. 

Người dân bao vây, ngăn cấm hoạt động 2 nhà máy thép

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, hiện nay đã giao cho Phó chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh chỉ đạo vấn đề liên quan đến sự việc 2 nhà máy thép, đồng thời UBND TP Đà Nẵng cũng đã đề nghị Phó chủ tịch UBND Đặng Việt Dũng hỗ trợ thêm, cùng với các sở ban ngành để có câu trả lời thỏa đáng.

Ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thép Dana - Ý cho biết, ngày 16/11 vừa qua, doanh nghiệp cũng đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng để tiếp tục tìm giải pháp xử lý dứt điểm vấn đề.

Theo vị này, Kết luận số 785/KL-TTTP ngày 5/10/2018 của Thanh tra TP và Biên bản xử phạt vi phạm hành chính số 41/BB-VPHC ngày 29/10/2018, công ty đã giải trình nhiều nội dung công ty không vi phạm và hết thời hiệu xử phạt chi tiết tại văn bản gửi các cơ quan, ban, ngành của TP.

Về chuyện khắc phục theo kết luận thanh tra, ông Tân cho rằng, hiện tại, công ty không biết phải khắc phục thêm vấn đề gì, vì những vấn đề khắc phục do thanh tra nêu đều liên quan đến TP Đà Nẵng như, về vành đai cách ly: TP phải giải tỏa dân thì công ty mới xây hàng rào được; về cây xanh: TP phải giao đất thì công ty mới trồng cây xanh được; về tác động môi trường ĐTM điều chỉnh, hồ sơ hoàn thành công trình BVMT thì TP phải phê duyệt ĐTM điều chỉnh thì công ty mới hoàn thành xác nhận công trình BTMT được. Công ty nộp hồ sơ lại ĐTM hơn 3 năm rồi, TP cũng đã họp và thẩm định rồi nhưng lại không trả lời và không phê duyệt.

"Về các vấn đề về môi trường đã được chúng tôi đã khắc phục tốt từ những năm trước đây, các công trình và biện pháp bảo vệ môi trường tương đối tốt (Thanh tra TP cũng ghi nhận tại Kết luận thanh tra số 785/KL-TTP ngày 5/10/2018), không có khí thải, nước thải ô nhiễm, các chỉ số môi trường đo đạc định kỳ đều nằm trong giới hạn cho phép. Như vậy, TP phải công bố kết quả quan trắc môi trường để doanh nghiệp biết còn thiếu sót những gì mới khắc phục được.

Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn của UBND TP phải tư vấn cho công ty biết cần khắc phục những vấn đề gì và phải có lộ trình cho công ty vừa hoạt động vừa khắc phục theo quy định.

Đồng thời, việc khắc phục phải có sự đồng lòng của TP và người dân. Những vấn đề gì có liên quan đến TP thì kiến nghị thành phố phải khắc phục trước, khi đó công ty mới khắc phục tiếp theo được. TP nên đối thoại và vận động người dân hợp tác để doanh nghiệp khắc phục và hoạt động trở lại thì việc khắc phục mới thực hiện được", ông Tân nói.

Theo vị này, với việc dừng hoạt động gần 2 tháng qua, các ngân hàng đã yêu cầu xử lý nợ vay hơn 1.000 tỷ đồng và công ty không có khả năng thanh toán; tiền lương người lao động đã không thể chi trả, 1.000 người lao động sẽ mất việc làm; tiền phạt và bồi thường hợp đồng đã lên đến vài triệu USD. Nợ nần doanh nghiệp không thể kéo dài được nữa. Không cần đến 6 tháng, chỉ 2 tháng dừng là công ty đã "chết", các hệ lụy xã hội, đầu tư là rất lớn. 

Trong khi đó, nhiều người dân xã Hòa Liên cho biết rằng, họ cũng quá mệt mỏi vì quanh năm suốt tháng vây nhà máy thép. Cũng như 2 nhà máy, người dân chờ câu trả lời từ chính quyền theo kiểu "di dân hay di dời nhà máy".

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc!

Danh Vĩnh 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến