Ngày 5/10, hàng chục hộ dân thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) vẫn tập trung đông trước cổng nhằm ngăn cản 2 nhà máy thép Dana Úc, Dana Ý hoạt động gây ô nhiễm.
Đây đã là ngày thứ 9 (kể từ ngày 27/9) người dân tập trung phản đối sau đúng 6 tháng trời (26/3-26/9) im ắng vì tin vào quyết định của UBND TP Đà Nẵng cho phép nhà máy thép hoạt động nhằm giải quyết những tồn đọng hàng hóa.
Nguồn tin từ chính quyền huyện Hòa Vang cho biết, đã nhiều lần vận động nhưng người dân không chịu về nhà. Do đó, chính quyền yêu cầu lực lượng công an có mặt tại "điểm nóng" này nhằm giữ gìn trật tự.
Người dân tập trung, ngăn chặn nhà máy thép hoạt động vì cho rằng ô nhiễm. Bản thân 2 nhà máy này cũng rất muốn chính quyền sớm xử lý dứt điểm vấn đề.
Còn ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Dana - Ý cho biết, ông đã gửi đơn cầu cứu lên văn phòng Chính phủ vì nguy cơ doanh nghiệp đang đến bờ vực phá sản.
Theo ông Tân, nhà máy hoạt động 10 năm qua, mỗi năm hàng chục tỉ đồng vào ngân sách, đồng thời giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, việc người dân liên tục vây chặn khiến công ty đến bờ vực phá sản, hàng ngàn lao động đứng trước nguy cơ mất. Nguyên nhân sự việc này còn có phần đến từ những chủ trương không nhất quán trong việc xử lý vấn đề người dân bao vây nhà máy thép của UBND TP Đà Nẵng.
"TP Đà Nẵng bất nhất trong việc giải quyết bức xúc của người dân. Đà Nẵng từng có chủ trương di dời người dân xung quanh khu vực nhà máy từ năm 2006 với khoảng gần 200 hộ. Tuy nhiên, chủ trương ấy không được thực hiện, để rồi đến năm 2018 đã đột ngột thay đổi và yêu cầu di dời nhà máy khi dân cư xung quanh nhà máy tăng lên đến hơn 1.500 hộ...", ông Tân nói.
Hàng hóa, vật liệu tồn đọng bên trong nhà máy
Như chúng tôi đã đăng tải, 2 nhà máy thép Dana - Ý và nhà máy thép Dana - Úc liên tục bị người dân xã Hòa Liên liên tục bao vây, cản trở hoạt động vì cho rằng gây ra ô nhiễm. Nhiều năm qua, lãnh đạo Đà Nẵng nhiều lần tổ chức đối thoại nhưng bất thành, bởi những khúc mắc và thay đổi liên tục trong 2 chủ trương di dân hay di dời nhà máy.
Mới đây nhất, khi người dân tiếp tục bao vây nhà máy, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng có ý kiến đề nghị Ban cán sự Đảng UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các sở, ngành chức năng và các địa phương, đơn vị liên quan yêu cầu 2 nhà máy thép chấm dứt các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường.
Dự kiến, tới đây, Đà Nẵng cũng sẽ công bố kết quả quan trắc môi trường 2 nhà máy này. Người dân và 2 nhà máy thép đang rất chờ đợi kết quả này cũng như những động thái mới xử lý vấn đề của chính quyền Đà Nẵng.
Danh Vĩnh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy