Dòng sự kiện:
Vũ Hán chật vật đòi nợ
31/05/2023 10:20:06
Tình hình tài chính của các chính quyền tỉnh, thành phố tại Trung Quốc đã xấu đi đáng kể sau đại dịch. Riêng Vũ Hán mắc kẹt trong khoản nợ khó đòi lên tới 14 triệu USD.

Vũ Hán - thành phố lớn nhất miền Trung Trung Quốc - vừa công khai yêu cầu hàng trăm công ty địa phương trả nợ. CNN nhận định động thái này đã phơi bày những bế tắc trong tài chính mà nhiều chính quyền địa phương tại Trung Quốc đang phải đối mặt.

Trong một tuyên bố vào cuối tuần trước, văn phòng tài chính của thành phố tiết lộ rằng 259 công ty và tổ chức đã nợ chính quyền địa phương tổng cộng 100 triệu nhân dân tệ (14 triệu USD). Cơ quan này thúc giục các doanh nghiệp trả nợ càng sớm càng tốt.

Theo truyền thông Trung Quốc, các tổ chức này bao gồm doanh nghiệp quốc doanh, doanh nghiệp tư nhân, cơ quan chính phủ và tổ chức tư vấn.

Nhiều trong số đó là các công ty lớn như Dongfeng Wuhan Light Vehicle, được kiểm soát bởi cơ quan quản lý tài sản nhà nước của thành phố, và Uni-President Enterprises, gã khổng lồ thực phẩm và đồ uống Đài Loan, hoạt động chính ở Trung Quốc đại lục.

Văn phòng tài chính Vũ Hán cho biết họ không thể thu hồi nợ, và tuyên bố sẽ thưởng cho bất cứ ai có thể cung cấp những thông tin hữu ích về các tài sản tài chính của những tổ chức chưa trả nợ.

Ngân sách của nhiều tỉnh và thành phố tại Trung Quốc đã cạn kiệt sau nhiều năm đối phó với dịch bệnh. Trong khi đó, sự suy yếu của ngành địa ốc bóp nghẹt nguồn thu. Ảnh: Bloomberg.

Sau nhiều năm theo đuổi chiến lược Zero-Covid, ngân sách của nhiều tỉnh và thành phố tại Trung Quốc đã cạn kiệt. Họ phải chi hàng tỷ USD cho các trung tâm cách ly tập trung và xét nghiệm Covid-19 hàng loạt thường xuyên. Đến tháng 12 năm ngoái, Bắc Kinh mới thay đổi hướng đi.

Cùng với đó là sự suy yếu nghiêm trọng của ngành công nghiệp bất động sản. Trong khi đó, doanh thu bán đất là một trong những nguồn thu chính của các chính quyền địa phương.

Theo tính toán của giới phân tích, các khoản nợ tồn đọng của chính quyền nước này đã vượt ngưỡng 123.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 18.000 tỷ USD) vào năm ngoái. Trong số đó, gần 10.000 tỷ USD được gọi là nợ ẩn. Những khoản vay này thuộc về các nền tảng huy động vốn rủi ro cao của chính quyền địa phương.

Do ngân sách bị thắt chặt, một số thành phố đã cắt giảm trợ cấp y tế cho người cao tuổi. Những dịch vụ quan trọng khác cũng đứng trước nguy cơ bị gián đoạn. Điều này làm dấy lên các cuộc biểu tình ở một số địa phương.

Thông báo đòi nợ của chính quyền Vũ Hán được đưa ra chỉ vài ngày sau thông tin một số cơ quan tài chính của Côn Minh - thủ phủ của tỉnh Vân Nam - đang gặp khó trong việc trả tiền cho các trái chủ.

Các khoản nợ tồn đọng của chính quyền Trung Quốc đã vượt ngưỡng 123.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 18.000 tỷ USD) vào năm ngoái. Ảnh: Bloomberg.

Vân Nam là một trong số những địa phương mắc nợ nhiều nhất cả nước. Tỷ lệ nợ tồn động trên thu nhập tài khóa của tỉnh này đã vượt 1.000% vào năm ngoái.

Vũ Hán và Côn Minh không phải những thành phố duy nhất gặp vấn đề về nợ nần. Quý Châu - nằm trong số các tỉnh nghèo nhất Trung Quốc - đã thừa nhận những thất bại trong tài chính của mình hồi tháng 4.

Tỉnh này phải xoay xở để giải quyết các vấn đề về tài chính, và kêu gọi Bắc Kinh hỗ trợ nhằm tránh vỡ nợ.

Nền kinh tế thứ 2 thế giới vẫn đang gượng dậy chậm chạp sau nhiều năm đối phó với dịch bệnh. Theo dữ liệu mới được công bố, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ tại Trung Quốc đã vọt lên mức cao kỷ lục. Theo đó, 6 triệu trong số 96 triệu người ở độ tuổi từ 16 đến 24 tại khu vực thành phố hiện không có việc làm. Điều này phơi bày những thách thức đang bủa vây nền kinh tế 1,4 tỷ dân.

Tác giả: Thảo My

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags : đòi nợ , Vũ Hán
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến