Thanh tra Bộ Xây dựng "vòi tiền"
Liên quan đến vụ việc Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc lập biên bản hành vi vòi tiền ngày 12/6, đến chiều ngày 13/6, 5 cán bộ trong đoàn thanh tra Bộ này vẫn bị tạm giữ tại Vĩnh Phúc.
Trụ sở UBND huyện Vĩnh Tường. (Ảnh: Lê Quân)
Trong số 5 cán bộ bị tạm giữ, có bà Nguyễn Thị Kim Anh, Phó trưởng phòng Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Bộ Xây dựng. Bà Kim Anh cũng là Trưởng đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng tại Vĩnh Phúc thực hiện kế hoạch thanh tra định kỳ được Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt.
4 thành viên còn lại của Đoàn thanh tra chưa được tiết lộ danh tính.
Bộ Xây dựng cho hay đến chiều ngày 13/6, chưa nhận được văn bản chính thức từ phía cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc. Bộ này cũng đã cử đoàn công tác đến tỉnh Vĩnh Phúc nhưng chưa tiếp cận được với những thành viên của Đoàn Thanh tra bị lập biên bản và tạm giữ vào chiều ngày 12/6.
Những thông tin chính thức từ phía Bộ Xây dựng đưa ra đến nay chỉ xác nhận có việc cán bộ của Bộ này đang thực hiện công tác thanh tra định kỳ theo kế hoạch được phê duyệt, không phải thanh tra đột xuất.
Điểm mặt dự án của Phúc Sơn tại huyện Vĩnh Tường
Trong diễn biến tại tỉnh Vĩnh Phúc, mới đây Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn) đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng Cụm Công nghiệp Thổ Tang - Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường với quy mô gần 36ha.
Đây là cụm công nghiệp có địa điểm tại Thị trấn Thổ Tang và xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đó có 26,13ha thuộc địa phận thị trấn Thổ Tang và 9,85ha thuộc địa phận xã Lũng Hòa.
Cụm công nghiệp này được quy hoạch với tính chất, ngành nghề hoạt động chủ yếu là chế biến lâm sản, hỗn hợp, đa ngành.
Để giành được dự án này Tập đoàn Phúc Sơn phải tham gia cả một quá trình đấu thầu. Trong đó, có thể nói bước quan trọng bậc nhất là vòng sơ tuyển thầu dự án. Tại vòng này Tập đoàn Phúc Sơn là đơn vị duy nhất trúng thầu. Cuối cùng, vào ngày 31/01/2019, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án này, Tập đoàn Phúc Sơnđược lựa chọn theo hình thức chỉ định.
Tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng dự án dự kiến 427,032 tỷ đồng. Nguồn vốn này do doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng chịu trách nhiệm và từ nguồn hợp pháp khác.
Theo tìm hiểu của VietTimes, ông Nguyễn Văn Hậu (SN 1981) hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Phúc Sơn. Doanh nhân này quê gốc cũng ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Tập đoàn Phúc Sơn do: ông Nguyễn Văn Hậu, ông Nguyễn Thanh Tùng (SN 1972), và bà Ngô Thị Thanh Nhàn góp vốn sáng lập. Ông Hậu nắm giữ đến 99% giá trị cổ phần tại Tập đoàn này.
Đáng lưu ý là cả ông Hậu, ông Tùng và bà Thanh Nhàn đều đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn Phúc Lập, xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngoài ra, ông Hậu cũng liên quan đến dự án Khu đô thị thương mại Vĩnh Tường, bởi thời điểm trước tháng 6/2018 ông đã từng làm Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty CP đầu tư thương mại và bất động sản Thăng Long (Công ty Thăng Long) - Chủ đầu tư dự án.
Hiện tại ông Nguyễn Thanh Tùng (một trong những thành viên sáng lập Tập đoàn Phúc Sơn) là Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty Thăng Long.
Với dự án Khu đô thị thương mại Vĩnh Tường, vào năm ngoái (2018) báo chí thông tin rằng dự án này có vấn đề trong việc sử dụng đất khiến Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành đã phải ký văn bản chỉ đạo giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Vĩnh Tường; UBND các xã Lũng Hòa, Tân Tiến kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai, xây dựng, nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản tại dự án Khu đô thị thương mại Vĩnh Tường.
Được biết, Dự án Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị Thương mại thuộc huyện Vĩnh Tường, có quy mô diện tích lập quy hoạch 186,49 ha. Trong đó, đất thuộc phạm vi dự án gồm: 92,99 ha đất xây dựng thương mại đô thị; 32,62 ha đất xây dựng Chợ đầu mối nông sản thực phẩm; 17,41 ha đất xây dựng hệ thống kho vận; 11,15 ha đất xây dựng Chợ điện tử, vật liệu xây dựng.
Trước đây, Tập đoàn Phúc Sơn từng gây sự chú ý bằng việc công bố dự án "siêu nghĩa trang" tại tỉnh Vĩnh Phúc, trong khi số vốn điều lệ trước đó 1 năm của Tập đoàn này chỉ là 130 tỷ đồng. Bằng cách nào đó, Tập đoàn Phúc Sơn đã được chủ trương đầu tư dự án Thiên An Viên tại Vĩnh Phúc, với tổng đầu tư là 1.500 tỷ đồng. Chỉ sau một năm, "ập đoàn" này tăng hai lần vốn điều lệ và thông báo con số vốn mới đúng bằng 1.500 tỷ đồng. Dự án Thiên An Viên sau đó bị tuýt còi vì trái thẩm quyền, nằm ngoài phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng chính phủ.
Điều đáng chú ý, là không chỉ riêng Dự án CĐM Vĩnh Tường xuất hiện tình trạng phân lô, bán nền mà tại các dự án bất động sản của mình, Tập đoàn Phúc Sơn vẫn phân lô, bán nền, ngay cả khi tình trạng pháp lý chưa rõ ràng. Dự án sân bay Nha Trang (cũ) có quy mô - theo doanh nghiệp này quảng cáo - lên tới 10.000 tỷ đồng và diện tích 62,3ha cũng là một điển hình.
Khánh Linh (T/h)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy