Chiều 4/6, tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, người phát ngôn Bộ Công an - Trung tướng Tô Ân Xô đã trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua đã thống nhất bổ sung một số vụ án vào diện theo dõi như vụ Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh...
Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an - Trung tướng Tô Ân Xô.
Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, trong các vụ án này có nhiều người liên quan là cán bộ, đảng viên, lãnh đạo... Các bị can này phạm tội do lợi dụng chính sách, lợi dụng chức vụ quyền hạn, vi phạm các quy định về đấu thầu, đưa hối lộ và nhận hối lộ. Trong đó, các bị can là cán bộ đảng viên sẽ bị xử lý theo các quy định của Đảng và theo các quy định của pháp luật.
"Dòng tiền là yếu tố rất quan tọng để cơ quan điều tra tìm ra bản chất vụ việc. Trong một số vụ án, khi khám xét một số bị can đã phát hiện trong ngăn kéo có tới hơn 10 tỷ đồng. Ví dụ, như vụ Việt Á, đối tượng khai kiếm lãi khoảng 4.000 tỷ đồng và bôi trơn khoảng 800 tỷ đồng. Rõ ràng đó là kênh để các nhà điều tra tìm ra và mở rộng điều tra", Trung tướng Tô Ân Xô nói.
Ông Xô nêu cụ thể, từ việc trục lợi chính sách, các đối tượng đã chiếm đoạt hoặc thu lợi bất chính số tiền lớn. Ví dụ, vụ FLC, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Minh Huế mượn CMND của 26 cá nhân, lập 20 doanh nghiệp, mở 450 tài khoản tại 41 công ty chứng khoán để thực hiện các hành vi thao túng giá cổ phiếu nhằm tạo cung cầu giả tạo với 6 họ mã chứng khoán họ FLC và thu lợi bất chính 975 tỉ đồng, gây thiệt hại rất lớn cho các nhà đầu tư.
Cơ quan điều tra tiếp nhận hơn 557 đơn thư tố cáo hành vi thao túng thị trường của Trịnh Văn Quyết và đồng phạm. Việt Á cũng do lợi dụng chính sách để trục lợi để thu lợi bất chính.
Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an khẳng định, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lực lượng công an đang tập trung điều tra để sớm có kết quả./.