Dòng sự kiện:
Vụ vợ chồng phó VKS vỡ nợ: Người dân bức xúc vì bị tố ngược cho vay nặng lãi
17/08/2022 11:09:45
Bị người dân tố lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, phó viện trưởng viện kiểm sát tố ngược rằng gia đình mình là nạn nhân, những người tố cáo có hành vi cho vay lãi nặng khiến gia đình ông kiệt quệ.

Bà Hiếu (trái) và bà Nhân bức xúc vì bị tố cho vay nặng lãi. Bà Nhân đang ở Khánh Hòa, khi hay tin ông Thức nói người dân cho vay nặng lãi đã bắt xe về Buôn Ma Thuột để nói lại sự việc - Ảnh: TRUNG TÂN

Liên quan đến vụ vợ chồng phó viện trưởng VKS vỡ nợ, sáng 16-8, lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk xác nhận đã thụ lý và giao Phòng Cảnh sát hình sự điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Nói về việc vợ chồng phó viện trưởng tố ngược người dân có hành vi cho vay nặng lãi, lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết đã tiếp nhận tất cả hồ sơ, thông tin.

"Trong quá trình điều tra, nếu xác định hành vi nào có dấu hiệu vi phạm hình sự, công an sẽ xử lý theo quy định", lãnh đạo này nói.

Tiền công nợ thành "giấy vay tiền", cho vay nặng lãi?

Trước đó, báo chí đưa tin về việc vợ chồng phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Krông Ana Nguyễn Công Thức (43 tuổi, nguyên phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Ea Hleo) lên tiếng rằng vợ chồng ông là nạn nhân, bị người dân cho vay lãi nặng.

Bị phó viện trưởng tố ngược, nhiều người dân tỏ ra bức xúc. Bà Nguyễn Thị Thu Hiếu (37 tuổi, trú thôn 2A, xã Ea Nam, Ea Hleo, Đắk Lắk) cho biết rất ngạc nhiên khi nghe tin ông Nguyễn Công Thức tố ngược bà Hiếu là người cho vay lãi nặng. "Tôi thật không ngờ ông Thức lại có thể nói ra những lời trắng trợn như vậy", bà Hiếu bức xúc nói.

Theo bà Hiếu, từ năm 2017 bà bắt đầu làm ăn với điểm thu mua, sau đó là Công ty TNHH XNK nông sản Đăng Anh do bà Nguyễn Thị Thúy Kiều (vợ ông Thức) làm giám đốc. Quá trình làm ăn ban đầu suôn sẻ. Đến năm 2021, bà Kiều còn lưu kho của bà Hiếu hàng trăm tấn tiêu, cà phê. Hai bên chốt công nợ tương đương hơn 22 tỉ đồng.

"Cuối tháng 4-2021, bà Kiều nói cần huy động một lượng lớn hạt tiêu để trả hợp đồng nên nhờ tôi thu gom trong dân đưa đến đại lý của bà chốt bán, ăn chênh lệch. Trong hai tháng, tôi gom được gần 121 tấn hạt tiêu đem đến công ty bà Kiều chốt bán bằng 10 phiếu ký gửi (có chữ ký bà Kiều, tương đương 14,7 tỉ đồng).

Đến ngày 21-10-2021, bà Kiều nói đi ngân hàng rút tiền, trả nợ cũ lẫn nợ mới là 36,7 tỉ đồng. Nhưng đến nay vẫn chưa thanh toán.

Đến trước thời điểm tuyên bố phá sản, bà Kiều cho người đem hai tờ "giấy vay tiền" đến nhà tôi. Một tờ có số nợ 14,7 tỉ đồng (ghi ngày 1-1-2022), tờ kia là hơn 22 tỉ đồng (8-3-2022), khớp với số nợ tiền hàng bà Kiều đang nợ tôi. Cả hai tờ "giấy vay tiền" chỉ có chữ ký, điểm chỉ của bà Kiều", bà Hiếu kể.

Vợ chồng ông Thức (bên trái) làm việc với cơ quan công an vào ngày 23-3-2022 - Ảnh: Người dân cung cấp

Đối với các giấy vay tiền khác, bà Hiếu nói đã cộng dồn công nợ thành "giấy vay tiền" theo ý bà Kiều. "Công an sao kê tài khoản của tôi rồi. Rất mong công an điều tra nhanh, xem tôi cho vay nặng lãi ra sao, tài sản ông Thức bà Kiều đã tẩu tán như thế nào để dân còn đòi lại tiền", bà Hiếu đề nghị.

Phó viện trưởng từng cam kết bán tài sản cá nhân để vợ trả nợ

Cũng theo người dân, sau khi đã "hợp thức hóa" các phiếu gửi, chốt bán cà phê, hồ tiêu thành "giấy vay tiền" thì vợ chồng ông Thức tuyên bố phá sản.

Tại buổi "tuyên bố phá sản" ngày 23-3-2022, ông Thức thừa nhận việc làm ăn của vợ chồng có thua lỗ, chủ động viết giấy cam kết sẽ bán hết tài sản để trả nợ cho dân. "Thế nhưng, bây giờ ông Thức lại nói trên báo mình không liên quan gì việc kinh doanh, mua bán của vợ", bà Hiếu bức xúc.

Tại giấy cam kết ghi ngày 23-3-2022 (ngày vợ chồng ông Thức tuyên bố vỡ nợ - PV), ông Thức ghi: "Tôi (là chồng) chấp nhận bán hết tài sản của cá nhân để vợ trả nợ cho dân. Toàn bộ tài sản sẽ được tòa án phát mãi (theo Luật công ty năm 2014) trong thời gian sớm nhất. Sau khi tòa án phát mãi, toàn bộ tài sản sẽ được trả cho bà con, số nợ còn lại vợ chồng tôi sẽ có phương án để thanh toán cho bà con".

Trước đó, ngày 10-8, sau khi có thông tin trên báo chí về việc người dân tố cáo vợ chồng phó viện trưởng lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng, ông Thức lên tiếng trên một tờ báo rằng việc vợ ông lập công ty hay vay mượn, mua bán nông sản ông đều không tham gia.

Ông Thức còn nói vợ ông đã có đơn gửi công an tố cáo hành vi cho vay lãi nặng của một số người dân.

Ngoài ra, ông Thức cho biết "vợ ông một mình ký đơn gửi tòa án đề nghị giải quyết ly hôn". Tuy nhiên, người dân cho biết dù nói đã ly hôn, hằng tuần ông Thức vẫn từ huyện Krông Ana về nhà sống với "vợ cũ" tại huyện Ea Hleo.

Để làm rõ vấn đề này, phóng viên tiếp tục nhiều lần liên hệ với ông Thức, bà Kiều nhưng đều không được hồi âm.

Theo nguồn tin, Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Đăng Anh do bà Nguyễn Thị Thúy Kiều làm giám đốc chuyển từ Khánh Hòa đến Đắk Lắk hoạt động từ ngày 17-3-2021.

Công ty này hoạt động ở nhiều lĩnh vực, trong đó có xuất nhập khẩu nông sản. Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk cho biết từ khi chuyển về, doanh nghiệp này chưa có hoạt động kê khai thuế tại Đắk Lắk.

Tác giả: Trung Tân

Theo: Tuổi Trẻ
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến