Dòng sự kiện:
Vụ xúc xích Vietfood: Có thể phạt tù Quản lý thị trường Hà Nội hay không?
31/05/2016 15:00:42
ANTT.VN – Kết luận hồ đồ, tịch thu hàng hóa của doanh nghiệp rồi âm thầm trả lại không một lời xin lỗi – cách hành xử của Đội Quản lý thị trường số 14 (Chi cục QLTT Hà Nội) với cơ sở chế biến Thực phẩm Việt - Vietfoods (Bình Dương) đang khiến cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng hết sức bất bình.

Tin liên quan

Suýt phá sản chỉ vì một kết luận thiếu căn cứ

Ngày 20/4/2016, đội QLTT 14 - Chi cục QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra Công ty TNHH TM Hùng Anh (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) và tiến hành tạm giữ hơn 2,2 tấn xúc xích do cơ sở Vietfoods (Bình Dương) sản xuất với lý do nghi vấn chứa chất cấm.

Tiếp đó, ngày 22/4, kết quả kiểm nghiệm cho thấy những mẫu xúc xích này chứa chất sodium nitrate-251 với hàm lượng từ 55 - 100mg/kg.

Mặc dù không viện dẫn được văn bản pháp luật nào quy định cấm sử dụng chất này trong sản xuất xúc xích nhưng ngày 26/4, QLTT Hà Nội vẫn mời đại diện Công ty Hùng Anh, cơ sở Vietfoods làm việc và lập biên bản vi phạm hành chính với nội dung: “Đã có hành vi vi phạm hành chính: sản xuất, bán ra thị trường thực phẩm không phù hợp an toàn thực phẩm...”.

Ngay sau đó, khi chưa có kết luận kiểm nghiệm, đơn vị quản lý thị trường của Hà Nội đã cung cấp thông tin xúc xích Vietfood chứa chất cấm gây ung thư cho báo chí và làm dấy lên làn sóng tẩy chay mặt hàng này trong người tiêu dùng, không những khiến Vietfood lao đao mà cả những hãng sản xuất xúc xích khác cũng bị liên đới.

Sau gần 1 tháng bị thu giữ, 2,2 tấn xúc xích Vietfood bị trả về trong tình trạng hết hoặc gần hết hạn sử dụng

Ngày 17/5, tại buổi họp liên ngành giữa Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế và đại diện Chi cục QLTT Hà Nội liên quan đến sản phẩm xúc xích của Công ty Vietfoods, Cục An toàn thực phẩm khẳng định Vietfoods không sai nhưng Chi cục QLTT Hà Nội vẫn cho rằng mình “làm đúng quy trình”, đồng thời cho biết chờ ý kiến trả lời của Bộ Y tế để xử lý tiếp.

Ngày 23/5, Bộ Y tế có công văn tham vấn gửi Chi cục QLTT Hà Nội. Văn bản tiếp tục khẳng định Vietfoods không sai. Hàm lượng sodium nitrate tìm thấy trong xúc xích Vietfoods khoảng 55mg/kg, hoàn toàn an toàn và theo thông lệ quốc tế đã áp dụng tại Mỹ, New Zealand, Singapore, Malaysia... Do đó, lô hàng bị thu giữ cần sớm được giải tỏa cho doanh nghiệp.

Đến lúc này, Chi cục QLTT Hà Nội mới ra quyết định trả lại tang vật tạm giữ cho Công ty Hùng Anh với lý do ghi trong quyết định: “doanh nghiệp không có hành vi vi phạm hành chính như nội dung ghi trong biên bản vi phạm hành chính ngày 26/4”.

Hậu quả của quyết định hồ đồ này đã khiến Vietfood mấp mé bờ vực phá sản.

Tại cuộc họp báo công bố “Sản phẩm Vietfoods an toàn với người tiêu dùng” tổ chức tại TP.HCM ngày 29-5, đại diện Vietfood cho biết: sau hơn một tháng bị tạm giữ, phần lớn sản phẩm trong số 2,2 tấn xúc xích được trao trả lại cho doanh nghiệp đã hết và gần hết hạn sử dụng. Sản xuất của họ bị đình trệ, công nhân bị mất việc, thậm chí đã có doanh nghiệp đặt vấn đề mua lại nhà xưởng nhưng họ không bán. Đến giờ tuy, kết luận đã minh oanh cho Vietfood song sản xuất vẫn chưa thể vận hành lại như cũ vì hậu quả của thông tin sai là quá lớn, thậm chí vẫn còn đầy rẫy những bài báo, đoạn tin phản ánh xúc xích Vietfood chưa chất gây ung thư tràn lan trên mạng khiến người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm này. Theo DN này, ước tính thiệt hại họ phải gánh chịu lên tến 10 tỉ đồng.

Đủ cơ sở để khiếu nại đòi bồi thường hoặc khởi kiện hình sự

Điều đáng nói ở chỗ, cho đến ngày hôm qua 30/5, trả lời báo chí, đại diện Chi cục QLTT Hà Nội vẫn khẳng định mình không sai, ở chỗ chưa có văn bản nào quy định doanh nghiệp được sử dụng chẩt đó trong sản xuất xúc xích (!)

Bức xúc trước hành vi kiểm tra thu giữ rầm rộ nhưng trả lại lặng lẽ và không một lời xin lỗi, đại diện Vietfood cho hay đã sẵn sàng các hồ sơ để khởi kiện nếu trong 10 ngày tới không nhận được động thái thiện chí nào từ cơ quan quản lý thị trường.

Trao đổi với ANTT.VN – luật sư Nguyễn Quang Ngọc (Giám đốc Công ty Luật Quốc Tế Thiên Việt (VIETSKY LAW FIRM), Giám đốc Trung tâm pháp luật – Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, thành viên Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết:

“Thứ nhất, thẩm quyền của Đội QLTT 14 là chống hàng giả hàng nhái, nhưng bản thân Đội 14 không có quyền phát ngôn về chất lượng hàng hoá do không có đủ năng lực chuyên môn. Do đó, trong trường hợp này họ chỉ có thể công bố hàng hóa là giả hoặc kém chất lượng (nếu có), chứ không có quyền phát ngôn về các chất độc hại trong sản phẩm trước khi có kết luận của bên thứ ba có chuyên môn (ở đây là Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế)”.

Thứ hai, hiện nay không có văn bản nào quy định: những chất nào không đề cập là được dùng thì đồng nghĩa với cấm dùng. Do đó, lập luận của Đội 14 là không hợp lý.

Luật sư Ngọc khẳng định: Trong vụ việc này, doanh nghiệp hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường cho những thiệt hại thực tế phát sinh từ/hoặc lỗi của đơn vị quản lý thị trường theo tinh thần của điều 605 BLDS và nghị quyết 03/HĐTP về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Trong trường hợp không giải quyết được bằng hòa giải, doanh nghiệp cũng đủ cơ sở để khởi kiện cơ quan quản lý thị trường tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, được quy định tại điều 285 Bộ luật Hình sự.

Điều 605. Bộ luật Dân sự 2005: Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

Nghị quyết 03/HĐTP ngày 8 tháng 7 năm 2006 hướng dẫn áp dụng một số qui định của Bộ luật dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Mục I - Điểm 2. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

2.1. Khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, cần phải thực hiện đúng nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 605 BLDS. Cần phải tôn trọng thoả thuận của các bên về mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường, nếu thoả thuận đó không trái pháp luật, đạo đức xã hội.

2.2. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cần chú ý:

a) Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ, có nghĩa là khi có yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại do tài sản, sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm phải căn cứ vào các điều luật tương ứng của BLDS quy định trong trường hợp cụ thể đó thiệt hại bao gồm những khoản nào và thiệt hại đã xảy ra là bao nhiêu, mức độ lỗi của các bên để buộc người gây thiệt hại phải bồi thường các khoản thiệt hại tương xứng đó.

b) Để thiệt hại có thể được bồi thường kịp thời, Toà án phải giải quyết nhanh chóng yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại trong thời hạn luật định. Trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật tố tụng để giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự.

c) Người gây thiệt hại chỉ có thể được giảm mức bồi thường khi có đủ hai điều kiện sau đây:

- Do lỗi vô ý mà gây thiệt hại;

- Thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại, có nghĩa là thiệt hại xảy ra mà họ có trách nhiệm bồi thường so với hoàn cảnh kinh tế trước mắt của họ cũng như về lâu dài họ không thể có khả năng bồi thường được toàn bộ hoặc phần lớn thiệt hại đó.

d) Mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với thực tế, có nghĩa là do có sự thay đổi về tình hình kinh tế, xã hội, sự biến động về giá cả mà mức bồi thường đang được thực hiện không còn phù hợp trong điều kiện đó hoặc do có sự thay đổi về tình trạng thương tật, khả năng lao động của người bị thiệt hại cho nên mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với sự thay đổi đó hoặc do có sự thay đổi về khả năng kinh tế của người gây thiệt hại...

Điều 285. Bộ luật Hình sự 1999: Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.

3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Minh Minh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến