“Vua nhôm” Oleg Deripaska: Lắm tiền, nhiều bê bối
20/08/2014 15:22:53
Dù được Tạp chí Forbes xếp vào danh sách những người giàu nhất nước Nga với nguồn tài sản từng sở hữu hàng chục tỉ USD, nhưng tỉ phú Oleg Deripaska cũng phải đối đầu với nhiều vấn đề nảy sinh sau khi "phất lên quá nhanh".
 
Chính sự bành trướng quá rộng trong lĩnh vực kinh doanh đã đẩy Deripaska vào cảnh phải vay mượn khắp nơi, khiến ông cũng không thoát khỏi nguy cơ trở thành con nợ khổng lồ và phá sản.
 
Ngoài ra, sự suy yếu của Oleg Deripaska khiến các mối quan hệ với những ông lớn ở Nga cũng bắt đầu rạn nứt. "Vua nhôm" lần lượt vướng phải kiện tụng, hầu hết đều liên quan tới khối tài sản bạc tỉ và đế chế nhôm RusAl lớn nhất thế giới.
 
Cho tới bây giờ, báo chí vẫn nhắc tới hai cái tên khiến Deripaska cảm thấy bất an và cần phải dè chừng nhiều nhất: Bố già Boris Berezovsky và nhà tài phiệt Michael Cherney…
 
Không thoát khỏi tai tiếng!
 
Cá tính cứng cỏi và trí tuệ đã đưa Deripaska từ một làng quê ở miền Nam nước Nga tới các trường đại học hàng đầu Moskva hơn 20 năm trước. Với các văn bằng về vật lý và kinh tế học, ông bắt đầu xây dựng "đế chế" của mình, trở thành vua nhôm của nước Nga với Tập đoàn RusAl. Đến năm tuổi 40, Oleg Deripaska đã trở thành tỉ phú trẻ nhất và giàu nhất nước Nga, với gia tài 44 tỉ USD và gần 30 vạn công nhân.
 
Theo giới truyền thông, Oleg Deripaska từng bị một phóng viên có tên tuổi ở Nga tống tiền, nhưng bất thành. Nghe nói, "Vua nhôm" đã đầu tư một khoản tiền khá lớn cho Khoa Nghiên cứu vật lý - hóa học - sinh vật Trường đại học Moskva để nghiên cứu thuốc trường sinh và công việc này đang được tiến hành một cách khá lặng lẽ bởi đây là vấn đề hết sức nhạy cảm.
 
Một vài tiết lộ mới đây cho biết, các công trình nghiên cứu bước đầu đã cho kết quả khả quan và loại thuốc trường sinh sẽ được sáng chế trong thời gian không xa bởi loại thuốc thần tiên này đang được thử nghiệm trên chuột và đưa ra kết luận cuối cùng. Và người đầu tiên nhận được báo cáo kết quả nghiên cứu, cũng như sử dụng loại thuốc đặc biệt kể trên chính là Oleg Deripaska.
 
Cách đây mấy năm, Deripaska mạnh tay vay tiền từ các ngân hàng của Nga và các ngân hàng có vốn nước ngoài để mở rộng "đế chế", nhưng hoạt động này bị giảm đáng kể từ cuối năm 2008 đến nay. Việc này khiến cho "Vua nhôm" phải thế chấp tài sản cho chủ nợ, đồng thời nhận cứu trợ (trị giá 4,5 tỉ USD) từ Chính phủ Nga.
 
Theo thống kê, tổng số các khoản nợ mà Oleg Deripaska vay lên tới 20 tỉ USD. Tỉ phú đã phải cầu cứu Chính phủ Nga can thiệp để giãn thêm thời gian trả nợ nếu không muốn "đế chế" của mình bị phá sản.
 
Hiện nay, Deripaska đang đối mặt với cuộc điều tra về vai trò của RusAl trước các cáo buộc liên quan tới vụ lừa gạt 500 triệu USD ở Tajikistan. Ông cũng gặp rắc rối với các khoản đầu tư lớn ở Montenegro và đang đệ đơn lên một tòa án thương mại quốc tế tại Frankfurt (Đức) với hy vọng đòi lại 400 triệu USD đã đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nhôm và du lịch tại đây.

Oleg Deripaska đã phải cầu cứu Tổng thống Putin và chính phủ can thiệp nhằm tránh nguy cơ phá sản.

"Cú đánh mới nhất" làm Oleg Deripaska phải chóng mặt đó là thất bại cay đắng trong nỗ lực cứu vãn hãng sản xuất xe tải LDV đóng trụ sở tại Birmingham (Anh). Cuối năm ngoái, LDV đã sụp đổ sau khi thỏa thuận cứu nguy với Tập đoàn Weststar của Malaysia không thành công.

 
Trước đó, Hãng xe GAZ của tỉ phú Deripaska cũng đã cắt nguồn viện trợ cho LDV vì doanh số bán ra thị trường loại xe thương mại này sụt giảm nhanh chóng. Các công đoàn Anh đã đề nghị phía London nên can thiệp cứu LDV khỏi cảnh phá sản. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng lý do LDV không được cứu nguy là do các chính trị gia Anh cảm thấy phải đặc biệt cẩn trọng trong các mối giao du với nhà tỉ phú Nga Deripaska.
 
Điều này hẳn phải có căn cứ rõ ràng, bởi vì Deripaska từng khiến dư luận Anh "choáng" sau vụ bê bối du thuyền (yatchgate) hồi năm 2008. Vụ việc bị chuyên gia kinh tế và cũng là triệu phú ngành ngân hàng Nat Rothschild tiết lộ với báo chí. Trong kỳ nghỉ hè hồi tháng 6/2008, cựu Bộ trưởng Thương mại Peter Mandelson và Bộ trưởng Tài chính George Osborne đã gặp Oleg Deripaska trên chiếc du thuyền sang trọng mang tên Queen K của ông neo trên vùng biển gần hòn đảo Corfu của Hy Lạp.
 
Là bạn của "hai ông lớn" Mandelson và Osborne, ông Rothschild cũng có mặt khi đó. Ông nói rằng Osborne đã vận động tỉ phú Deripaska đóng góp gần 100.000USD cho Công đảng của ông ta, mà theo quy định, chỉ những người có tên trong danh sách bầu cử hoặc các hãng hợp pháp của Anh mới có thể đóng góp cho các đảng phái chính trị.
 
Sau gần một tuần giữ im lặng thì Bộ trưởng Osborne đã buộc phải lên tiếng vừa phủ nhận vừa có phần nhận lỗi. "Tôi không đề nghị và cũng không nhận tiền và không vi phạm quy tắc, nhưng tôi cho là mình đã phạm sai lầm", ông Osborne phát biểu trên Đài BBC.
 
Trong khi đó, Peter Mandelson bị tố cáo rằng thời còn giữ ghế Ủy viên cấp cao phụ trách thương mại của Liên minh châu Âu (EU), ông có những cuộc gặp bất thường với Oleg Deripaska. Sau đó, cựu Mandelson đã áp dụng những chính sách có lợi cho nhà tỉ phú Nga. Ngòi nổ đã được châm và nghi ngờ được nhiều người coi là có cơ sở, do ông Deripaska kiểm soát phần lớn sản lượng nhôm của Nga, còn ông Mandelson khi đó giám sát lĩnh vực thuế của EU áp với mặt hàng kim loại.
 
Peter Mandelson đã khẳng định không dành bất kỳ ưu ái nào cho Deripaska, và Ủy ban EU cũng đã nêu rõ quyết định năm 2005 dỡ bỏ thuế nhập khẩu với mặt hàng nhôm lá - điều rõ ràng đem lại lợi ích cho Tập đoàn RusAl của tỉ phú Nga - được đưa ra mà không có sự can thiệp cá nhân nào của Mandelson.
 
Thậm chí, cựu Bộ trưởng phải nhờ tới cả BBC cho đăng tải "tâm thư", trong đó ông nói  gặp Oleg Deripaska lần đầu tiên tại một bữa tiệc tối vào năm 2004 ở Moskva, và sau đó chỉ gặp gỡ tỉ phú như vẫn thường xuyên gặp các nhà doanh nghiệp khác khắp thế giới phục vụ cho công tác xác lập chính sách thương mại cho EU của mình.
 
Những ông lớn kiện nhau vì tiền
 
Oleg Deripaska phất lên nhờ nhôm và thứ kim loại này cũng chính là gót chân Achilles của ông. Kẻ thông minh, biết thức thời để "bẫy" Deripaska lại cũng là một nhân vật tầm cỡ thế giới ngầm: "Bố già Điện Kremlin" Boris Berezovsky.
 
Những năm 1990, đặc biệt là sau khi có công lớn trong chiến dịch tái đắc cử của Tổng thống Nga Boris Yeltsin năm 1996, quyền lực của Berezovsky bao trùm cả nước Nga, và bố già này trở thành tay bảo kê về mặt chính trị cho các nhà tài phiệt. Nghĩa là, bất cứ kẻ nào muốn yên ổn làm ăn trên đất Nga, buộc phải nộp cho bố già một khoản tiền "bôi trơn chính trị" gọi là "krysha".
 
Oleg Deripaska không phải là kẻ tầm thường vì được triều đại Boris Yeltsin hậu thuẫn. Deripaska được liệt vào hàng có máu mặt trong xã hội Nga, nhân vật mà bố già không thể chơi bằng hai cách là dùng cảnh sát tống vào tù hay dùng xã hội đen thanh toán. Vậy nên, để "quấy nhiễu" Deripaska, Boris Berezovsky đã nã tiền krysha qua ORT - Đài Truyền hình lớn nhất nước Nga.
 
Cụ thể, bằng quyền lực chính trị của mình, Berezovsky đã ép ORT liên tục phát sóng về những bê bối, tiêu cực của Tập đoàn RusAl mà Deripaska đang quản lý. Khi RusAl bị bới móc, ngày 17/10/1997, Deripaska buộc phải tìm đến bố già. Thế là bằng quyền lực của mình, "Bố già Điện Kremlin" đã khiến ORT phải im miệng và RusAl… không có vấn đề gì. Nhưng đổi lại, Oleg Deripaska phải cho các công ty nằm dưới sự kiểm soát của Berezovsky vay số tiền 15 triệu USD với lãi suất 7%/năm.
 
Nhưng Berezovsky không coi số tiền trên là khoản vay, mà xem như tiền krysha nên từ chối hoàn trả cho Oleg Deripaska. Không những thế, Berezovsky còn liên tục "nã" các khoản tiền khác của Deripaska thông qua quân bài ORT. Năm 2000, khi Berezovsky gặp nạn dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, ông ta đã phải chạy tị nạn sang Anh. Và đây là thời điểm thuận lợi cho "Vua nhôm" thanh toán sòng phẳng món nợ năm xưa.
 
Tháng 3/2000, tại khách sạn Dorchester, London diễn ra một cuộc gặp tay ba giữa Boris Berezovsky, Oleg Deripaska và Roman Abramovich (tỉ phú Nga từng có cổ phần trong RusAl, nhưng sau đó đã bán lại cho Deripaska để tách ra hoạt động riêng). Cuộc gặp mặt chớp nhoáng này nhanh chóng đi đến một thỏa thuận: Roman Abramovich sẽ là người thay thế cho Oleg Deripaska trong việc "chăm sóc" món nợ 15 triệu USD của Boris Berezovsky.
 
Câu chuyện trên là toàn bộ lời khai của Deripaska với tư cách nhân chứng cho Abramovich trong phiên tòa xử Berezovsky kiện ông chủ Chelsea tại London. Theo đó, Berezovsky nghiễm nhiên không có lợi ích gì trong RusAl, và kể từ sau khi phiên tòa kết thúc, bố già này chính là con nợ của Abramovich mà không còn can dự gì nữa tới cá nhân Oleg Deripaska. Chỉ biết rằng sau đó, "Vua nhôm" bỗng nhiên được tự do, và hả hê ngồi xem màn hài kịch mới khi Berezovsky kiện ngược lại Abramovich, đòi bồi thường 5 tỉ USD với cáo buộc "đe dọa" và "ép giá" trong vụ mua bán cổ phần RusAl!?

"Vua nhôm" từng vướng phải rắc rối sau các vụ kiện tụng với "Bố già Điện Kremlin" Boris Berezovsky (trái) và nhà tài phiệt Michael Cherney (phải).

Sáu năm sau "cuộc hỗn chiến" với "Bố già Điện Kremlin", Oleg Deripaska tiếp tục vướng vào mâu thuẫn với "chiến hữu thân thiết nhất": nhà tài phiệt Michael Cherney. Cherney cho rằng ông ta có 20% cổ phần trong RusAl và số cổ phần này được ủy quyền cho "chiến hữu" Oleg Deripaska đứng tên. Nhưng khi Cherney gặp nạn vì khủng hoảng kinh tế và đứng trước nguy cơ phá sản, Deripaska đã cho Cherney số tiền 250 triệu USD và… chấm hết, trong khi giá trị 20% cổ phần đó lên tới  4 tỉ USD. Thế là, hai đại gia đưa nhau ra tòa để chờ phán xét, nhưng điều thú vị ở chỗ: cả Deripaska và Cherney quyết định đưa án lên Tòa thượng thẩm London (Anh) vào cuối năm 2006, chứ không muốn làm ầm ĩ ở quê nhà.

 
Michael Cherney quen biết Deripaska vào tháng 10/1993 và lúc đó Deripaska là doanh nhân thành đạt, có nhiều mối quan hệ tại Nga cũng như ở nước ngoài. Nhận thấy cơ hội phất lên nhờ nhôm trong giai đoạn này, Cherney đã hỗ trợ Deripaska khá nhiều tiền. Từ năm 1996 đến 1998, vài hãng của Cherney đã chuyển cho các công ty của Deripaska 100 triệu USD.
 
Mikhail Cherney nói với báo giới rằng, sau khi Deripaska thâu tóm hoàn toàn "Hãng nhôm Russia", và đổi tên thành RusAl vào tháng 3/2001, ông không thấy tên mình trong ban lãnh đạo. Khi đó Deripaska giải thích rằng, do Tổng thống Nga lúc bấy giờ là ông Vladimir Putin không ưa Cherney, nên đề nghị Cherney bán lại cổ phần của mình ở RusAl. Hai bên ký văn bản thỏa thuận là Cherney chấm dứt kinh doanh cùng Deripaska và nhận 250 triệu USD từ việc bán cổ phần ở RusAl. Và sau khi bán hết cổ phiếu của Cherney tại đây, Deripaska sẽ trả nốt 250 triệu USD nữa. Tuy nhiên, Deripaska đã "thất hứa", và sau vài lần đòi không được nên Michael Cherney đã đâm đơn kiện ra tòa.
 
Tại tòa, luật sư của Deripaska cho rằng, khi thân  chủ của mình làm quen với Cherney, thì ông không phải là "sinh viên nghèo khó" mà đã là "nhà kinh doanh đích thực". Trong phần tranh tụng bằng văn bản, luật sư nhận định một số từ tiếng Nga được dịch qua tiếng Anh là không chính xác. Và do đó Oleg Deripaska chưa bao giờ đồng ý hợp tác kinh doanh với Michael Cherney kể cả bằng lời nói hay bằng văn bản, nhưng đã phải chi tiền cho ông ta vì bảo kê khỏi thế giới tội phạm.
 
Ngoài ra, phía Deripaska còn tố cáo Cherney có quan hệ chặt chẽ với thủ lĩnh các tổ chức tội phạm, cho rằng bản thân Cherney phạm tội hình sự, tống tiền Deripaska trong hơn 6 năm liên tiếp. Và ngay cả việc Cherney gặp Deripaska vào tháng 10/1993 cũng là bịa đặt khi Deripaska nói ông gặp Cherney lần đầu vào tháng 5/1994 và thực ra không có kế hoạch làm quen với nhà tài phiệt này.
 
Sau đó, vụ kiện kéo dài 6 năm với những bằng chứng thuyết phục do phía Oleg Deripaska đưa ra, khiến Michael Cherney buộc phải rút đơn kiện vào tháng 9/2012 mà không nhận được bất cứ khoản bồi thường nào…
 

Theo CAND.com.vn

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến