Dòng sự kiện:
Vươn đến tầm cao mới
05/02/2019 10:00:21
Việc triển khai thành công kế hoạch cho từng giai đoạn từ năm 2018 đến 2020; và từ 2021 đến 2025 theo lộ trình Chiến lược vạch ra chính là những nấc thang để ngành Ngân hàng vươn đến những tầm cao mới.

Tài chính - ngân hàng vốn là huyết mạch của nền kinh tế. Nếu huyết mạch không lưu thông tốt thì sao có thể duy trì cơ thể khỏe, không ngừng lớn mạnh. Ngày 8/8/2018, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 986/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là sự kiện lớn của ngành Ngân hàng, bởi việc đưa ra một chiến lược phát triển dài hạn không chỉ là yêu cầu tất yếu, mà với những mục tiêu cụ thể cho chặng đường mười, mười lăm năm tới.

Kỳ vọng của nhà cầm quân

Với mức tăng trưởng kinh tế 6,21% năm 2016, 6,81% năm 2017 và  7,08% năm 2018, Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất trên thế giới với việc tiến xa hơn trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Nhu cầu vốn sẽ tiếp tục gia tăng để đáp ứng các yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Đó là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với ngành Ngân hàng khi với nền kinh tế mở, chúng ta sẽ chịu những tác động tức thời bởi những biến động của thị trường toàn cầu. Chưa kể khoa học công nghệ đã, đang làm thay đổi phương thức điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của NHTW cũng như hoạt động của TCTD…

Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đưa ra những mục tiêu tổng quát, dài hạn cả về công tác quản lý điều hành của NHNN lẫn định hướng phát triển của các TCTD. Về quản lý điều hành, Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể: Tăng dần tính độc lập, chủ động và trách nhiệm giải trình của NHNN về thực hiện mục tiêu điều hành CSTT, kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững.

Giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán dưới 7,5% vào năm 2020 và mức 5% vào năm 2030; tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ, đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế. Tăng cường năng lực thể chế, hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giám sát ngân hàng.

Đến cuối năm 2025, thanh tra, giám sát ngân hàng tuân thủ phần lớn các nguyên tắc giám sát ngân hàng hiệu quả theo Basel. Đối với các đơn vị thực thi chính sách, hoạt động kinh doanh: Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%; cuối năm 2025 con số này chỉ ở mức dưới 8%.

Tăng số lượng doanh nghiệp và người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính, ngân hàng, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Phát triển hệ thống các TCTD phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thực trạng của hệ thống qua từng giai đoạn, cụ thể: Giai đoạn 2018 - 2020, tập trung cơ cấu lại hệ thống các TCTD theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020; Giai đoạn 2021 - 2025, nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt trong quản trị và trong hoạt động của các TCTD.

Tăng hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; Thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh”; Tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Và từng bước nâng cao vị thế của Việt Nam tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế về tiền tệ ngân hàng, phục vụ cho phát triển ngành Ngân hàng, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế...

Biết mình là ai, ­đang ở đâu

Qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, nhất là 10 năm trở lại đây ngành Ngân hàng đã tạo dựng được nền móng khá vững chắc. Song với những mục tiêu đặt ra trong Chiến lược thì thách thức không nhỏ đang chờ phía trước.

Đơn cử, về mục tiêu tăng tính độc lập, chủ động và trách nhiệm giải trình của NHNN. Vị thế pháp lý của NHNN tuy đã được nâng lên theo Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010, tuy nhiên thực tế cho thấy tính độc lập của NHNN trong hoạch định và thực thi CSTT chưa cao. CSTT vẫn phải theo đuổi đồng thời nhiều nhiệm vụ: vừa kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an toàn hệ thống. Các chuyên gia đánh giá, để đạt được đồng thời các mục tiêu, nhiệm vụ này, NHNN đang phải sử dụng phối hợp giữa các công cụ điều hành theo cơ chế thị trường lẫn cơ chế hành chính. NHNN đôi khi còn bị phân tán vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Về mục tiêu tăng cường năng lực thể chế, hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giám sát ngân hàng: Khuôn khổ pháp lý, pháp quy về thanh tra, giám sát ngân hàng, an toàn hoạt động ngân hàng chưa đầy đủ và đồng bộ; Công tác chỉ đạo tập trung thống nhất từ Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng tới các đơn vị thanh tra, giám sát địa phương và công tác phối hợp giữa Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng với các đơn vị thuộc NHNN còn hạn chế. Chúng ta chưa có đầy đủ công cụ để xử lý các TCTD yếu kém.

Phương pháp thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro mới chỉ triển khai trong khối các TCTD và chi nhánh Ngân hàng nước ngoài. Việc thanh tra, giám sát đối với các TCTD trong nước vẫn là phương pháp thanh tra, giám sát tuân thủ nên hạn chế đến khả năng nhận biết, cảnh báo sớm về an toàn hệ thống. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật còn chậm so với yêu cầu đổi mới của khu vực ngân hàng. Thực tế những năm gần đây cho thấy thị trường phát sinh nhiều loại hình, hành vi mới trong hoạt động kinh doanh tiền tệ, ngân hàng nhưng chậm được rà soát, điều chỉnh, hướng dẫn; thiếu chế tài xử lý, xử phạt.

Trong bối cảnh thị trường vốn vẫn chậm phát triển, cấu trúc của thị trường tiền tệ chưa hoàn thiện, thiếu các tổ chức trung gian, các nhà tạo lập thị trường, nên vốn cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh vẫn chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng. Nhiều năm qua các TCTD cũng do một phần vì nặng gánh trách nhiệm này nên hoạt động quản trị, điều hành, kiểm soát nội bộ của TCTD còn bất cập. Mức độ đầu tư vào ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại còn khiêm tốn so với các nước tiên tiến trong khu vực.

Bên cạnh đó, vấn đề sở hữu chéo, nhóm cổ đông chi phối còn diễn biến phức tạp. Do đó, để đạt được mục tiêu của Chiến lược đến cuối năm 2020 có ít nhất 12 - 15 NHTM áp dụng thành công Basel II, một đến hai ngân hàng nằm trong Top 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á… đòi hỏi sự nỗ lực lớn của hệ thống TCTD với hỗ trợ tích cực từ các cơ quan quản lý, điều hành.

Với mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, Chiến lược đề ra: Đến cuối năm 2025, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 8%. Đây là chỉ tiêu cao khi hiện nay mức độ sử dụng các dịch vụ ngân hàng hiện đại còn thấp. Một bộ phận người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn trong tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Chưa kể, thanh toán bằng tiền mặt vẫn là thói quen cố hữu của đại đa số người dân Việt Nam.

Thành công là một hành trình chứ không phải điểm đến. Đánh giá một cách khách quan, thẳng thắn để biết mình là ai, đang ở đâu, phải giải quyết những vấn đề gì… Làm được việc này đã là một bước tiến quan trọng cho chặng đường chinh phục những mục tiêu lớn phía trước. Tiếp đến, việc triển khai thành công kế hoạch cho từng giai đoạn từ năm 2018 đến 2020; và từ 2021 đến 2025 theo lộ trình Chiến lược vạch ra chính là những nấc thang để ngành Ngân hàng vươn đến những tầm cao mới.

Chiến lược Phát triển ngành Ngân hàng đã bao hàm tất cả các lĩnh vực của Ngành, từ hoạt động kinh doanh của các TCTD đến hoạt động quản lý Nhà nước của NHNN với hàng loạt mục tiêu, các nhóm giải pháp. Để thực hiện một cách đầy đủ, đồng bộ các giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, cần có sự chỉ đạo, hỗ trợ từ Chính phủ cũng như sự đồng thuận, phối hợp của các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp…

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến