Một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dần hồi phục và tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết và đi vào thực thi đã tạo đà cho ngành dệt may quay lại guồng sản xuất khi nhận được nhiều đơn hàng.
Theo Bộ Công Thương, trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021, ngành dệt may, da giày đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng xuất khẩu đến quý III năm nay đến các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Chỉ số sản xuất ngành dệt tháng 5 tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2020; ngành sản xuất trang phục lần lượt tăng 2,1% và 12,9%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 8,1% và 21,2%. Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 8,1% so với cùng kỳ; ngành sản xuất trang phục tăng 9,1%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 12%.
Chỉ số sản xuất ngành da và các sản phẩm liên quan tháng 5 tăng 8,1% so với tháng 4 và tăng 21,2% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất của ngành này tăng 12% so với cùng kỳ.
Theo ông Đặng Vũ Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), trong năm 2021, Vinatex đã xây dựng mục tiêu sản xuất kinh doanh căn cứ trên tình hình phát triển thực tế của hệ thống Sợi – Dệt – May. Những chỉ tiêu của quý I và quý II đã được Tập đoàn vượt qua, tuy nhiên trong quý III và quý IV, tình hình có những khó khăn do làn sóng thứ 4 của đại dịch COVID-19 đang bùng phát rất mạnh tại Việt Nam.
Dự báo từ tháng 6 đến tháng 8/2021 là thời điểm căng thẳng đối với các doanh nghiệp may trong việc hoàn thành và giao hàng, các doanh nghiệp trong tập đoàn tuyệt đối không để dịch bệnh khiến kế hoạch sản xuất kinh doanh trong đơn vị bị ngưng trệ.
Không chỉ sở hữu nhiều đơn hàng, phân tích của nhiều chuyên gia ngành dệt may cho thấy, dệt may Việt Nam đang có ưu thế trên một số thị trường xuất khẩu lớn.
Tại thị trường EU, năm 2020, giá trị của 100 kg áo T-shirt cotton sản xuất tại Bangladesh đã giảm 1% so với năm 2019 xuống còn 1.091,5 Euro, sản phẩm cùng chủng loại được sản xuất tại Việt Nam tăng giá 3%, đạt 2.157,9 Euro; giá trị của 100 kg áo thun cotton của phụ nữ hoặc trẻ em gái sản xuất tại Bangladesh giảm 7%, xuống còn 1.329,5 Euro, còn của Việt Nam không thay đổi ở mức 2.157,8 Euro.
Tại thị trường Mỹ, giá 1 tá áo thun cotton Bangladesh giảm 20% vào năm 2020, xuống còn 17,99 USD, Việt Nam giảm 17% xuống còn 31,9 USD; giá áo len chui đầu của Bangladesh giảm 2%, còn Việt Nam vẫn ổn định ở mức 46,9 USD.
Đơn hàng dồi dào, kết hợp với những lợi thế trên thị trường xuất khẩu đã giúp dệt may Việt Nam dần hồi phục với xuất khẩu tăng trưởng theo từng tháng. Cũng đồng thời chứng tỏ doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã thích ứng với điều kiện kinh doanh mới.
Đặc biệt, doanh nghiệp đã và đang tiếp tục đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để ngành dệt may chịu được những áp lực của thị trường về chất lượng, giao hàng nhanh.
Ông Nguyễn Văn Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt May Huế cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý I/2021 đã chuyển biến rất tích cực. Doanh thu tiêu thụ sản phẩm may xấp xỉ 300 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch năm 2021, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu thanh toán đạt hơn 12 triệu USD, đạt 40% kế hoạch năm, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2020.
Cũng theo ông Phong, để đáp ứng đơn hàng, các nhà máy của công ty cũng đã thực hiện rất tốt các giải pháp tăng năng suất lao động, doanh thu gia công mỗi nhà máy đạt tới ngưỡng 12 tỷ đồng/tháng, cao nhất từ trước đến nay, năng suất lao động bình quân đạt trên 25 USD/người/ngày.
Công ty đã tiếp nhận đủ đơn hàng đến hết tháng 6, một số nhà máy đã nhận được đơn hàng đến hết tháng 8 của khách hàng Kohl’s, Target, Perry Ellis… Doanh nghiệp đang phấn đấu doanh thu quý II đạt tương đương 25% kế hoạch năm.
Từng gặp nhiều khó khăn bởi dịch COVID-19, năm 2020, doanh thu của Tổng công ty May Hưng Yên đã giảm khoảng 5% so với năm 2019. Tuy nhiên, đầu năm 2021, khi vaccine phòng dịch COVID-19 được đưa vào sử dụng, đơn hàng cũng dần quay trở lại với May Hưng Yên.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên cho biết, hiện doanh nghiệp ông đã có đơn hàng đến hết tháng 7/2021, tập trung vào thị trường Mỹ (trên 50%), châu Âu, Nhật Bản.
"Con số tăng trưởng của May Hưng Yên năm 2021 dự kiến khoảng 5-10%, bù lại cho thiếu hụt năm 2020 và tăng nhẹ so với năm 2019", vị Chủ tịch kỳ vọng.
Nhận định về mục tiêu ngành dệt may Việt Nam phấn đấu xuất khẩu khoảng 39 tỷ USD trong năm 2021, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) vừa được ký kết. Đặc biệt, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng được kỳ vọng tạo ra động lực cho ngành và thay thế một số thị trường mà đại dịch COVID-19 vẫn chưa kiểm soát được. Đồng thời, các FTA còn là lực hấp dẫn giúp ngành dệt may tiếp tục kêu gọi đầu tư vào phần cung thiếu hụt nguyên liệu.
Tuy nhiên, ngành vẫn cần tính tới các giải pháp dài hơi, không chỉ chuẩn bị cho việc nắm bắt cơ hội khi dịch bệnh được kiểm soát mà còn là nền tảng cho ngành phát triển vững.
Theo đó, cần phải định ra được chiến lược phát triển 2021-2025. Hoạch định rõ các giải pháp về công nghệ, trong đó đưa ra tầm nhìn cho ngành công nghiệp kéo sợi và dệt nhuộm, tập trung vào tự động hóa để tạo ra nền tảng theo xu thế thay đổi nhanh của thị trường sau COVID-19. Định hướng một chương trình xanh hóa, thông qua tiết kiệm năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nước và phát triển bền vững cho nhà máy và người lao động. Phát triển chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, phát triển các thương hiệu dệt may Việt Nam ra thị trường thế giới. Xây dựng chiến lược kết nối, tạo nền tảng đưa thương hiệu dệt may Việt Nam vào chuỗi bán lẻ toàn cầu.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQCP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Tuấn Anh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy