Phố Wall nhích nhẹ trong phiên ngày thứ Sáu (1/4), khi báo cáo việc tháng 3 cho thấy một thị trường lao động mạnh mẽ và có khả năng giữ cho Fed duy trì kế hoạch tăng lãi suất.
Theo đó, báo cáo việc làm của Bộ Lao động cho thấy, tốc độ tuyển dụng nhanh hơn, trong khi tiền lương tiếp tục tăng, mặc dù không đủ để theo kịp với lạm phát.
Cụ thể, các nhà tuyển dụng Mỹ đã bổ sung thêm 431.000 việc làm mới trong tháng 3, thấp hơn so với ước tính 490.000, nhưng vẫn cho thấy mức tăng việc làm mạnh mẽ.
Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,6%, mức thấp nhất trong hai năm, trong khi thu nhập trung bình tính theo giờ tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo việc làm giúp tăng kỳ vọng rằng Fed có thể sẽ trở nên quyết liệt hơn trong việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Brian Jacobsen, Chiến lược gia đầu tư cấp cao tại Allspring Global Investments ở Menomonee Falls, Wisconsin, cho biết: “Số việc làm tăng lên khá cao, nhiều người đã quay trở lại văn phòng. Nếu các dữ liệu khác từ bây giờ đến cuộc họp tiếp theo của Fed giữ nguyên màu sắc này, Fed có thể sẽ cảm thấy thoải mái khi tăng thêm lãi suất thêm 0,5%”.
Nhà đầu tư cũng bỏ phần lớn lo ngại về tín hiệu suy thoái từ thị trường trái phiếu, xuất hiện trong phiên thứ Năm và một lần nữa vào sáng ngày thứ Sáu, khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm đảo ngược lần đầu tiên kể từ năm 2019.
Tuần qua, S&P 500 tăng nhẹ 0,1%, còn Dow Jones mất 0,12%, trong khi Nasdaq Composite tăng 0,65%.
Kết thúc phiên 1/4, chỉ số Dow Jones tăng 139,92 điểm (+0,40%), lên 34.818,27 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 15,45 điểm (+0,34%), lên 4.545,86 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 40,98 điểm (+0,29%), lên 14.261,50 điểm.
Chứng khoán châu Âu tăng, khi một đợt phục hồi của các cổ phiếu liên quan đến hàng hóa và ngân hàng giúp giải quyết nỗi lo về tăng trưởng kinh tế chậm lại và lạm phát gia tăng, trong khi châu Âu vẫn cảnh giác về sự gián đoạn nhập khẩu khí đốt từ Nga.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,54% lên 458,34 điểm, với cổ phiếu ngân hàng tăng 1,2% nâng đỡ, với Santander tăng 2,6% sau khi nhắc lại mục tiêu lợi nhuận năm 2022.
Cổ phiếu các công ty khai thác và dự trữ dầu dẫn đầu mức tăng trong ngày và ghi nhận tăng 18% và 14% trong quý trước, trong bối cảnh giá hàng hóa tăng do xung đột tại Ukraine.
Mặt khác, sự lo lắng quay trở lại, khi dữ liệu cho thấy lạm phát của khu vực đồng euro đã tăng lên 7,5% trong tháng 3, đạt mức cao kỷ lục sau khi cũng chạm mức đỉnh trong tháng trước đó.
Cổ phiếu công nghệ nằm trong số những cổ phiếu có hoạt động kém nhất trong quý trước do lo ngại lạm phát, giảm 17% và giảm thêm 0,3% vào thứ Sáu.
Kết thúc phiên 1/4: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 22,22 điểm (+0,30%), lên 7.537,90 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 31,73 điểm (+0,22%), lên 14.446,48 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 24,44 điểm (+0,37%), lên 6.684,31 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm, khi các nhà đầu tư mở rộng lực bán chốt lời sau khi thị trường đã tăng mạnh trong tháng trước.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, với các nhà phát triển bất động sản dẫn dắt, do kỳ vọng có thêm kích thích kinh tế sau khi dữ liệu cho thấy hoạt động của nhà máy giảm với tốc độ nhanh nhất trong hai năm vào tháng 3.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, do nhóm cổ phiếu niêm yết tại Mỹ tiếp tục đối mặt với khả năng hủy niêm yết.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm do cuộc khủng hoảng Ukraine ngày càng trầm trọng và dữ liệu yếu ở châu Á làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế.
Kết thúc phiên 1/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 155,45 điểm (-0,56%), xuống 27.665,98 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 30,51 điểm (+0,94%), lên 3.282,72 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 43,70 điểm (+0,19%), lên 22.039,55 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 17,80 điểm (-0,65%), xuống 2.739,85 điểm.
Giá vàng thế giới ngày thứ Sáu giảm khá mạnh khi dòng tiền rời bỏ và tìm đến các kênh sinh lời khác hấp dẫn hơn, do thị trường dường như tin rằng Fed sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5% đã giúp đồng USD tăng tốc và gây sức ép đến kim loại quý.
Kết thúc phiên 1/4, giá vàng giao ngay giảm 11,6 USD xuống 1.925,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 5 giảm hơn 25 USD xuống 1.925,8 USD/ounce.
Giá dầu thô giảm mạnh nhờ vào việc Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định xuất kho một khối lượng dầu kỷ lục tới khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày từ Kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) trong 6 tháng.
Kết thúc phiên 1/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 1,01 USD (-1,02%), xuống 99,27 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,24 USD (-0,22%), xuống 107,67 USD/thùng.
Tác giả: Lạc Nhạn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy