WB: Một quốc gia thịnh vượng không thể dựa vào FDI
03/12/2014 15:47:27
ANTT.VN – “Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cải cách và hoàn thiện môi trường kinh doanh là mấu chốt để đưa nền kinh tế vươn tới quỹ đạo tăng trưởng mới”, đó là nhận định của Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Victoria Kwakwa.

WB dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2014 của Việt Nam sẽ đạt mức 5,6%

Còn quá sớm để đánh giá về một sự tăng trưởng bền vững

Sáng nay (03/12), Ngân hàng Thế giới World Bank đã tiến hành công bố Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2014.

Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2014 của Việt Nam sẽ đạt mức 5,6%; cải thiện đáng kể so với con số 5,3% của năm 2013. Trong quý 4, mức tăng trưởng GDP cũng đã đạt con số đáng mừng 6,2%.

Viễn cảnh khả quan trên chủ yếu đến từ việc tình hình kinh tế vĩ mô đã được giữ ổn định, việc kiểm soát hiệu quả về mặt chính sách đã giúp kiềm chế lạm pháp ở mức thấp, giảm áp lực, nâng cao thặng dư của nền kinh tế, tạo đà cho tăng trưởng.

 Đồng thời, chính những điều này đã giúp mức độ xếp hạng rủi ro quốc gia được cải thiện, tạo điều kiện cho Việt Nam phát hành Trái phiếu Chính phủ trên thị trường quốc tế và huy động được 1 tỷ USD với những điều kiện tương đối hợp lý (lãi suất 4,8%).

 Dẫu vậy, Ngân hàng Thế giới nhận định: “vẫn còn quá sớm để đánh giá về một sự tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế Việt Nam”

Mối lo nợ công và sự tương phản giữa 2 thái cực đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nội địa

Theo báo cáo, trong 9 tháng đầu năm, thu ngân sách đã tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái; tuy nhiên, tổng chi ngân sách cũng tăng 11,5%, trong đó, chủ yếu là tăng chi thường xuyên.

WB cũng đề cập đến những quan ngại về tình hình gia tăng nợ công của Việt Nam. Theo đó, tổ chức này đánh giá tổng nợ công của Việt Nam hiện chiếm 52% GDP vào năm 2014, đồng thời, dự báo tỷ lệ sẽ còn tiếp tục tăng cao và đạt đỉnh 60% vào các năm tới. Theo các đại diện WB, hoạt động kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước chính là nguyên nhân lớn nhất làm cho nợ công của Việt Nam gia tăng. Tổ chức này khuyến cáo Việt Nam nên đưa tỷ lệ nợ công về mức an toàn dưới 50% GDP.

Bên cạnh đó, kết quả hoạt động của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và tư nhân trong nước là khá tương phản. Trong khi khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục là nguồn tăng trưởng quan trọng thì khu vực doanh nghiệp nội địa lại đang rất khó khăn.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang đóng vai trò động lực quan trọng cho cả nền kinh tế

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang đóng vai trò động lực quan trọng cho cả nền kinh tế

Số lượng doanh nghiệp trong nước đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động ngày càng tăng. Năm 2013, tổng số doanh nghiệp đóng cửa hay ngừng hoạt động kinh doanh là 61 nghìn doanh nghiệp so với con số 47 nghìn năm 2013. Trong 10 tháng đầu năm 2014, đã có thêm 54 nghìn doanh nghiệp rơi vào tình trạng này – tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp mới thành lập lại giảm 6,5%. Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, WB cho biết, sự suy thoái của khối doanh nghiệp tư nhân trong nước dường như đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi như: tiếp cận nguồn vốn hạn chế, nhu cầu tiêu dùng trong nước thấp và sân chơi bất bình đẳng so với khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh: “Một quốc gia thịnh vượng không thể phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài mà cần phải phát triển dựa vào khu vực doanh nghiệp tư nhân nội địa”.

Trong năm 2014, Chính phủ đã thực hiện một số biện pháp mạnh nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Đáng chú ý phải kể đến Nghị quyết 19 về cắt giảm thủ tục và chi phí hành chính, tăng cường trách nhiệm giải trình và minh bạch trong các cơ quan hành chính Nhà nước. Luật Phá sản, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ tăng cường hiệu quả quản trị doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng. WB nhận định, những nỗ lực trên của chính quyền sẽ đem lại những hiệu quả thiết thực trong thời gian tới.

Ghi nhận những chuyển biến tích cực từ việc đổi mới thể chế kinh tế thị trường tại Việt Nam, song Ngân hàng thế giới vẫn cho rằng tiến trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) vẫn còn chậm hơn so với mục tiêu đã đề ra. Chính phủ đưa ra quan điểm rõ ràng về tái cấu trúc khu vực DNNN nhưng vấn đề quan trọng là thực hiện một cách nhất quán và quyết liệt.

“Số lượng doanh nghiệp được tái cơ cấu không quan trọng. Quan trọng là chất lượng của công tác tái cơ cấu và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau tái cơ cấu” bà Victoria Kwakwa chia sẻ.

Tăng trưởng tín dụng dưới tiềm năng

Đánh giá về hoạt động tín dụng tại Việt Nam, WB cho biết tăng trưởng tín dụng vẫn thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra, làm cản trở nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc đẩy nhanh tín dụng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng cho vay vẫn bị kìm nén – một phần do chất lượng bảng cân đối tài sản của các ngân hàng còn xấu – một phần do các ngân hàng cũng còn quan ngại về sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp đi vay, do thị trường bất động sản èo uột và do cầu tín dụng còn yếu với nguyên nhân mức độ niềm tin tiêu dùng và nhà đầu tư còn thấp. Việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh như vậy sẽ khó có khả năng mang lại tác động đáng kể tới tăng trưởng tín dụng chung. Tuy nhiên, mức tiền gửi trong khu vực ngân hàng tiếp tục tăng trưởng với tốc độ lành mạnh từ đó đảm bảo mức thanh khoản phù hợp cho hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Chuyên gia tài chính cao cấp của WB, Sameer Goyal

Chuyên gia tài chính cao cấp của WB, Sameer Goyal

Trả lời câu hỏi của phóng viên ANTT.VN về việc: “Nền kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế tăng trưởng dựa nhiều vào vốn, tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng vẫn còn rất hạn chế nếu so với tiềm năng. Điều này có ảnh hưởng như thế nào trong ngắn hạn cũng như tương lai và Việt Nam cần làm gì để cải thiện tình trạng trên?”, ông Sameer Goyal, chuyên gia tài chính cao cấp của Ngân hàng Thế giới cho biết:

“Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam vẫn thấp hơn kì vọng do niềm tin tiêu dùng và đầu tư thấp, bên cạnh đó, các NHTM cũng đang tỏ ra miễn cưỡng trong việc mở rộng tín dụng do quan ngại về những rủi ro mất vốn. Điều này đã làm hạn chế tác dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của nguồn vốn tín dụng. Tuy nhiên thời gian qua, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước đã có rất nhiều nỗ lực để cải thiện tình trạng trên thông qua việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, cơ cấu lại các khoản nợ xấu, hạ mặt bằng lãi suất cũng như ban hành các văn bản kích thích thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn và gần đây nhất SBV ban hành Thông tư 36 với nhiều nội dung tích cực cải thiện điều kiện trong cho vay đầu tư chứng khoán và bất động sản”.

Báo cáo “Điểm lại” của WB lần này cũng có một phần Chuyên sâu tập trung vào Đánh giá khu vực Tài chính, trong đó tóm tắt các kết quả của Chương trình Đánh giá Khu vực Tài chính. Báo cáo đưa ra một khuôn khổ toàn diện  cho việc xác định các yếu kém của hệ thống tài chính. Chính phủ đã công bố một chương trình đổi mới tổng thể nhằm giải quyết các vấn đề của khu vực tài chính và Chương trình Đánh giá Khu vực Tài chính (FSAP) đã đề xuất một tập hợp nhiều khuyến nghị chính sách nhằm thực hiện chương trình này.

Hiến kế cho kinh tế Việt Nam, bà Victoria Kwakwa chia sẻ: “Tiềm năng để kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn chỉ có thể trở thành hiện thực khi có tiến bộ thực sự trong việc giải quyết những bất cập của khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng – hiện đang gây trở ngại tới hiệu quả và năng suất của nền kinh tế. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cải cách và hoàn thiện môi trường kinh doanh là mấy chốt để đưa nền kinh tế vươn tới quỹ đạo tăng trưởng mới.”

N.G – Tú Anh

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến