Dòng sự kiện:
World Bank đề xuất 5 lựa chọn chính sách cho Việt Nam phát triển thị trường vốn
19/12/2019 18:01:16
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa có báo cáo 'mở lối cho các thị trường vốn nhằm phục vụ tương lai phát triển của Việt Nam'.

Trong báo cáo, WB đã ước tính tốc độ tăng trưởng năm 2019 của Việt Nam đạt con số ấn tượng 6,8% - cao gần gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng trung bình của thế giới (2,6%) và cao hơn 1,2% so với trung bình các nước Đông Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, WB cho rằng quốc gia vẫn cần cải cách nhiều để cải thiện khả năng tiếp cận tài chính, đặc biệt cho khu vực tư nhân. Các thị trường vốn ở Việt Nam mặc dù đã có tiến triển từ năm 2011 đến giờ nhưng vẫn còn nhỏ so với Thái Lan và Malaysia lần lượt ở mức từ 1,5 đến 2 lần, và vẫn chủ yếu do một vài tổ chức lớn chi phối, bao gồm cả Chính phủ.

WB khuyến nghị một số điểm để các nhà lập chính sách cần quan tâm để đẩy mạnh sự phát triển của các thị trường vốn, bao gồm:

Thứ nhất, Việt Nam cần hoàn thiện nền tảng pháp lý về huy động tài chính, cần ưu tiên hiện đại hóa nền tảng quy phạm pháp luật cho các thị trường. Đồng thời, cần tăng cường năng lực giám sát và thực thi hiệu lực để đảm bảo liêm chính và hiệu quả trên thị trường, qua đó khiến cho chi phí huy động vốn trở nên cạnh tranh hơn cho Chính phủ và các doanh nghiệp, bao gồm cả huy động vốn cho hạ tầng. Bên cạnh đó là nhu cầu cơ chế khuyến khích các đơn vị phát hành (v.d. linh hoạt hơn về cơ cấu và mục đích sử dụng trái phiếu và các công cụ khác, như chứng khoán đảm bảo bằng tài sản) và các nhà đầu tư (thuế tạo sân chơi công bằng).

Các đại biểu chủ trì buổi họp báo. (Ảnh: G.T)

Thứ hai, thách thức quan trọng ở Việt Nam là phải hình thành được văn hóa định mức tín nhiệm, nhằm đo lường và định giá khách quan rủi ro, thông qua chuẩn mực cao về công khai, công bố thông tin. Sự tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến nay vẫn ở mức rất hạn chế. Điều này một phần là do thiếu minh bạch và thông tin hiện chỉ được công bố cho các nhà đầu tư dự kiến. Một phần nữa là do chưa có đủ các đợt phát hành chất lượng cao được chào bán trên thị trường sơ cấp, vì nhiều lô trái phiếu phát hành trong thời gian qua được thiết kế thành giao dịch phát hành riêng lẻ và chủ yếu được phát hành cho các ngân hàng trong nước.

Thứ ba, Việt Nam cần xúc tiến các sản phẩm đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các công cụ mới để huy động tài chính cho khu vực kinh tế thực (chẳng hạn hạ tầng và nhà ở) có thể là trái phiếu dự án, quỹ đầu tư hạ tầng, các giải pháp và công cụ tài chính khác cần có để hỗ trợ đầu tư cho hạ tầng ở Việt Nam.

Thứ tư, cần mở rộng mạng lưới nhà đầu tư cho các thị trường vốn, đặc biệt là nhà đầu tư ngoài ngân hàng là yếu tố quan trọng. Mặc dù đã có những tín hiệu tích cực về sự tham gia ngày càng nhiều của các doanh nghiệp bảo hiểm và nhà đầu tư cá nhân, có thể gián tiếp hoặc trực tiếp thông qua các quỹ tương hỗ, nhưng thông điệp quan trọng vẫn là phải tiếp tục mở rộng mạng lưới các nhà đầu tư.

Thứ năm, cần tăng cường huy động nguồn tài chính dài hạn qua chỉ đạo của Chính phủ. Kinh nghiệm ở các thị trường mới nổi cho thấy Chính phủ có thể gây ảnh hưởng đến đường cong lợi suất của trái phiếu bằng cách kéo dài trục kỳ hạn. Cách làm đó đã chứng tỏ là có hiệu quả nhằm khuyến khích doanh nghiệp phát hành, thông qua hình thành giá tham chiếu cho cả nhà đầu tư ở cả phân khúc ngắn hạn và dài hạn trên đường cong lợi suất. Chính phủ cũng có thể tác động đến khối lượng thanh khoản trên thị trường bằng cách cam kết về phát hành trong khả năng dự liệu sao cho các nhà đầu tư tiềm năng có thể lập kế hoạch đầu tư từ sớm.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến