Dòng sự kiện:
Xâm nhập 'điểm nóng' lâm tặc lộng hành nơi thượng nguồn Tả Trạch
06/03/2019 06:00:51
Hành trình xâm nhập vào khu vực khai thác gỗ trái phép trong rừng phòng hộ Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế), nơi thượng nguồn sông Tả Trạch của PV ANTT.

Với 283.000ha đất có rừng, trong đó có 212.170ha rừng tự nhiên, Thừa Thiên - Huế luôn là một trong những "điểm nóng" của nạn khai thác gỗ trái phép. Ngoài một phần vì đối tượng phá rừng "vất vưởng" kế mưu sinh, thêm phần nhu cầu sử dụng nguyên liệu gỗ đang ngày càng mạnh góp phần đẩy lợi nhuận từ việc khai thác gỗ tăng cao khiến nhiều người dân sống ven rừng dù biết phạm pháp nhưng vẫn luôn "hưng phấn" trở thành lâm tặc.

Và miếng mồi thơm của lâm tặc vẫn luôn là các khu rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ tiếp giáp các rừng sản xuất của người dân hoặc nằm cạnh các dòng chảy của sông, khe suối, thuận lợi cho việc vận chuyển.

Trong số đó, rừng phòng hộ Hương Thủy, thuộc TX Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) là một ví dụ.

Khu vực đập Tả Trạch (mũi tên đỏ) nơi tích nước của dòng sông Tả Trạch. (ảnh chụp từ Google Maps)

Khu rừng phòng hộ này do Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) thị xã Hương Thủy quản lý bảo vệ với diện tích 20.293,9ha, nằm trên địa bàn các xã: Dương Hòa, Phú Sơn, Thủy Phù, phường Thủy Châu, phường Phú Bài (TX Hương Thủy), xã Bình Thành (TX Hương Trà, Thừa Thiên - Huế), cùng một số diện tích khác được hợp đồng giao khoán cho người dân bảo vệ theo chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng và một số nguồn thu khác.

Diện tích rừng tự nhiên ở đây rộng lớn, trải dài cạnh bên thượng nguồn của dòng sông Tả Trạch với nhiều khe suối ngóc ngách chảy ra từ các đồi núi. Bởi vậy, rừng phòng hộ Hương Thủy luôn là "điểm đến đầy hứa hẹn" của lâm tặc ở Huế.

Để xâm nhập được "điểm nóng" này, ngoài đường bộ đi từ tuyến đường 74 nối liền 2 huyện Nam Đông, A Lưới (Thừa Thiên - Huế) hoặc xuôi nguồn từ thượng Nam Đông thì con đường duy nhất để di chuyển vào là xuất phát từ đập Tả Trạch, thuộc xã Dương Hòa, TX Hương Thủy.

Đập Tả Trạch là công trình thủy điện ngăn dòng chảy nơi thượng nguồn sông Hương, có dung tích 650 triệu khối, diện tích lưu vực hồ chứa 717m2. Công trình không chỉ có ý nghĩa quan trọng về kinh tế mà còn là vấn đề đảm bảo an ninh, chính trị, an toàn xã hội.

4h30 sáng, sau khi đúng hẹn với vợ chồng người lái thuyền, PV cùng 2 đồng nghiệp có mặt tại khu vực đập Tả Trạch để xuất phát. Con thuyền nhôm gắn 1 máy cole 13 mã lực xé màn sương đặc quánh, lao vun vút hướng về thượng nguồn trong sáng sớm tinh mơ.

Trong tiếng ồn của máy cole cùng tiếng gió lùa kèm sương lạnh rít liên hồi, người dẫn đường khuyên PV nên mặc thêm áo gió.

Giữa lòng hồ Tả Trạch, không gian trở nên huyền mặc bởi hình ảnh của những rừng keo trên các ốc đảo thoắt ẩn thoắt hiện giữa màn sương dày đặc.

Lấp ló đâu đó là những chiếc thuyền chài với ánh sáng duy nhất phát ra từ chiếc đèn pha nhỏ gắn trên đầu của người lái đò đang buông lưới, thả câu.

Sau 1 tiếng đồng hồ, luồn lách qua nhiều ốc đảo rừng keo, người dẫn đường chỉ tay về ngã ba đoạn giao giữa sông Tả Trạch với khe La Ma và thì thầm cho biết, đó là con đường độc đạo bằng thuyền để lên “điểm nóng” khai thác gỗ mà chúng tôi đang muốn đến.

Ngã ba giao sông Tả Trạch với khe La Ma (hướng mũi tên đỏ) nơi trạm kiểm lâm đóng chốt (chấm màu xanh nước biển). (Ảnh chụp từ Google Maps)

Thuyền đến ngã ba khe La Ma, vợ chồng người lái thuyền cho biết, tại điểm này có một trạm chốt của kiểm lâm. Vì đây là là điểm xuất phát hướng vào rừng phòng hộ còn nhiều gỗ nguyên sinh nên để tránh các đối tượng vào khai thác gỗ trái phép, người dân nào muốn ra vào khe La Ma phải trình báo với các cán bộ trực trạm.

Bằng nghiệp vụ nhập vai của báo chí, chiếc thuyền của đoàn được các cán bộ kiểm lâm đồng ý cho chạy vào khe.

Con thuyền tiếp tục xé dòng nước hướng vào khe La Ma. Chạy khoảng 4km, bắt đầu đến khu vực nước nông, nhiều ghềnh đá, con thuyền dừng lạ, các thành viên trong đoàn xuống thuyền cuốc bộ.

Men theo khe suối La Ma, người dẫn đường hướng PV về ngã ba Rau Rớn, điểm giao để lên khu vực rừng bị khai thác.

Một bếp lửa còn bốc khói PV phát hiện trên đường đi.

Băng qua nhiều khúc suối, rảo bộ trên các thảm đá chông chênh trơn trượt, dù chỉ cách khoảng gần 5km nhưng phải mất gần 2 tiếng, chúng tôi mới có thể đặt chân đến ngã giao giữa khe Rau Rớn và La Ma.

Người dẫn đường như một hướng dẫn viên thực thụ chia sẻ, gọi là khe Rau Rớn, vì khu vực dọc con khe này có rất nhiều rau rớn mọc. Rau rớn thực chất là một loài dương xỉ, ăn được, phần ngọn của loài dương xỉ này vẫn thường được người dân hái về bán để chế biến thành món ăn - mà chỉ "nhà có điều kiện" mới được thưởng thức.

Ngã ba Rau Rớn (Chấm màu xanh nước biển) cùng tọa độ. (Ảnh chụp từ Google Maps)

Từ ngã bã Rau Rớn, chúng tôi tiếp tục lội qua những con suối sâu đến gần ngực. Dọc đường đi, hình ảnh con suối bị ngăn lại bằng các tấm bạt ở nhiều điểm khiến đoàn đặt nhiều câu hỏi. Người dẫn đường thông tin, việc ngăn suối này nhằm làm đập nhỏ để tích tụ nước tạo thành lực cuốn đưa gỗ khai thác ra sông sau này.

Con đập nhỏ để tích nước vận chuyển gỗ.

Để trực quan hơn, người dẫn đường chỉ tay về các khúc gỗ chưa cưa phách mà lâm tặc còn sót lại đang bồng bềnh giữa đập ngăn suối. Không chỉ vậy, dọc khe suối Rau Rớn, PV còn phát hiện nhiều điểm lâm tặc dùng để tiến hành xẻ gỗ khi đưa ra khỏi rừng với nhiều mùn gỗ và ván xẻ còn sót lại.

Các bãi xẻ gỗ dọc con suối...

Một khúc gỗ còn sót lại ở khu vực xẻ.

Đi được khoảng 1km mất gần 1 giờ đồng hồ, chúng tôi bắt gặp một bãi bồi đã được dọn sạch đá. Một bộ phận mà theo người dẫn đường là dụng cụ lâm tặc dùng để "tời" gỗ được để lại ở đây, cùng nhiều tấm gỗ được sắp xếp thành bàn ăn. Xung quanh là nhiều vỏ bia, gia vị và một bếp lửa với mùn tro còn mới…

Bàn ăn tại Khu vực nghỉ ngơi của các đối tượng lâm tặc.

Bên kia con suối, đối diện địa điểm trên là một con dốc tạo thành lối mòn thẳng đứng nối với khu rừng rậm rạp phía trên đỉnh núi. Người dẫn đường thông tin, lâm tặc khi vận chuyển gỗ từ rừng xuống suối sẽ thả theo con dốc này. “Gỗ sau khi được cắt phách sẽ có một đầu được đẽo nhọn. Sau đó gỗ được thả từ trên đỉnh núi theo hướng thẳng đứng với đầu nhọn hướng xuống suối. Việc này sẽ tiết kiệm rất nhiều sức lực vận chuyển”, người dẫn đường giải thích.

Theo quan sát, con dốc này có góc khoảng 70 độ, đã tạo thành lối mòn với nhiều sợi mây, cây nứa được làm dây để người leo bám vào khi lên, xuống dốc. Con dốc có chiều dài khoảng 100m nhưng đoàn phải mất khoảng nửa tiếng đồng hồ để trèo lên điểm tiếp giáp với khu rừng rậm rạp.

Phải rất vất vả đoàn mới leo hết đoạn dốc thẳng đứng này.

Đến đoạn tiếp giáp này, người dẫn đường cho hay, leo theo sườn núi, đi vào khoảng 300m là đến điểm các đối tượng lâm tặc đang khai thác gỗ. Tỏ ra ái ngại, người dẫn đường xin phép ở lại để làm cảnh giới khu vực điểm tiếp giáp khu rừng rậm và không quên dặn "tránh để các đối tượng lâm tặc phát hiện".

Dọc theo lối mòn, hình ảnh của việc vận chuyển gỗ còn in đậm trên đất cùng nhiều vết hằn của dây "tời" in trên các gốc cây và rải rác là các can đựng nguyên liệu như xăng, dầu máy…

Can nhựa đựng dầu máy, xăng nằm lại trên lối mòn.

Một số cây cổ thụ hàng chục, hàng trăm năm tuổi PV phát hiện khi men theo lối mòn.

Tiếp tục đi vào sâu, PV bất ngờ nghe thấy tiếng người nói chuyện cùng tiếng rựa chặt vào cây, thi thoảng là tiếng cưa như đang chạy thử máy lúc râm ran, lúc bất ngờ vụt tắt.  Đoàn lúc ấy chỉ có 2 người gồm PV và đồng nghiệp, thêm 1 người vì thấm mệt phải nghỉ lại cách đó khoảng 100m.

Đang lúc phân vân khi nhớ đến lời dặn dò của người dẫn đường, người viết cùng đồng nghiệp bất ngờ phát hiện tiếng người nói chuyện ngày một gần hơn…

(Còn nữa)

Lê Kông

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến