Dòng sự kiện:
Xây 67 chuồng bò “ngốn” gần 12,5 tỷ đồng: "Nghèo còn chơi sang'?
16/07/2020 06:50:09
Thay vì bỏ gần 12,5 tỷ đồng để xây “biệt thự” hoành tráng cho bò thì Ban Dân tộc Nghệ An nên cân đối để đầu tư cho hạng mục khác thiết thực hơn nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội dân tộc Ơ Đu.

Xây “biệt thự” cho… bò

Ngày 11/7/2019, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An ký Quyết định số 2618/QĐ-UBND về việc phân khai kinh phí thực hiện các hạng mục hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An năm 2019.

Trong phần hỗ trợ sản xuất của quyết định trên có 6 nội dung, bao gồm hỗ trợ con giống gia súc có hiệu quả kinh tế cao (cả kinh phí vắc xin tiêm phòng) với số tiền dự kiến là hơn 5,1 tỷ đồng; hỗ trợ khai hoang tạo đất sản xuất với kinh phí là hơn 5,3 tỷ đồng; hỗ trợ cỏ, giống ngô, phân bón và các vật tư thiết yếu phục vụ nuôi, trồng và chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm là hơn 1,5 tỷ đồng…

 
Quyết định của Nghệ An hỗ trợ gần 13 tỷ đồng xây chuồng bò.

Đặc biệt có hạng mục hỗ trợ xây dựng chuồng trại gia súc theo quy hoạch lâu dài với số tiền là gần 13 tỷ đồng. Hiện tại theo tìm hiểu của phóng viên thì hạng mục này đã được bàn giao nghiệm thu và đã đưa vào sử dụng.

Cụ thể, tại bản Văng Môn, xã Nga My (huyện Tương Dương), chủ đầu tư là Ban Dân tộc Nghệ An đã cho xây dựng 67 chuồng trại gia súc theo quy hoạch lâu dài.

Trong đó, có 4 chuồng loại 1 gần 510 triệu đồng, 53 chuồng loại 3 hơn 7,24 tỷ đồng. Đặc biệt có 10 chuồng loại 2 hơn 2,36 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc 1 chuông bò tương ứng gần 260 triệu đồng.

Đối với bà con vùng miền Tây Nghệ An thì số tiền xây dựng một chuồng bò như vậy thật sự là “khủng”. Thậm chí, người dân còn gọi đùa: nhà nước đã xây “biệt thự” cho bò!

Thật sự cần thiết?

Phóng viên An ninh Tiền tệ làm việc với Ban Dân tộc Nghệ An thì được cung cấp báo cáo thực hiện do Trưởng ban này là ông Lương Thanh Hải ký với nội dung như sau:

Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội dân tộc Ơ Đu được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 3829/QĐ-UBND ngày 31/10/2017. Với tổng mức đầu tư đề án là 120 tỷ đồng. Quy mô tập trung tại 2 bản Văng Môn, xã Nga My, nơi có đông dân tộc Ơ Đu là 9,64 tỷ đồng và bản Đửa, xã Lượng Minh là 23,360 tỷ đồng.

Đến nay, tổng vốn được ngân sách Trung ương cấp là 28,181 tỷ đồng. Trong đó, vốn sự nghiệp cấp năm 2018 là 18,182 tỷ đồng; vốn sự nghiệp cấp năm 2019 là 9,369 tỷ đồng.

Tổng kinh phí đã thực hiện đối với đề án trên là 27,709,237 tỷ đồng. Trong đó hỗ trợ xây dựng 67 chuồng (10 chuồng đôi) nuôi nhốt bò giống cho 77 hộ với số tiền 12,466,533 tỷ đồng.

Nghệ An chi gần 12,5 tỷ đồng để xây 67 chuồng bò hỗ trợ dân tộc Ơ Đu có thật sự cần thiết. 

Nói về thủ tục pháp lý, Ban Dân tộc Nghệ An cho rằng, sau khi được cấp có thẩm quyền cấp phê duyệt chủ trương đầu tư, định mức kinh phí, Ban Dân tộc đã lựa chọn đơn vị khảo sát, thiết kế, lập dự toán trình Sở Kế hoạch-Đầu tư, Sở NN&PTNT thẩm định báo cáo UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt.

Hiện tại thì các công trình đã được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng. Tuy nhiên vấn đề người dân đặt ra là Nghệ An bỏ ra gần 12,5 tỷ đồng để xây 67 chuồng bò để hỗ trợ cho đồng bào vùng cao đặc biệt khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc Ơ Đu là thật sự đã cần thiết và sát với thực tế nhu cầu người dân nơi đây cần hay chưa?

Trong khi đó một số hạng mục khác mà người dân Ơ Đu đang rất cần và cấp thiết như hệ thống mương thoát nước nội bản; làm đập thủy lợi phục vụ tưới cho hàng chục ha đất mới khai hoang… thì lại chưa được hỗ trợ kịp thời.

Dư luận cho rằng, xây dựng chuồng bò hoành tráng thì ai cũng thích chứ không riêng bò nhưng cần đầu tư sát thực tế. Nhằm tránh lãng phí và đạt được hiệu quả cao trong việc hỗ trợ người Ơ Đu phát triển kinh tế xã hội như mục tiêu của đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đưa nhầm 231 người Ơ Đu vào đề án hỗ trợ 120 tỷ

Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2025 được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2016 và quyết định phê duyệt đề án của UBND tỉnh Nghệ An năm 2017. Đề án được thực hiện tại 2 bản Văng Môn (xã Nga My) và bản Đửa (xã Lượng Minh), thuộc huyện Tương Dương do Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An thực hiện.

Tuy nhiên, dù tại bản Đửa không có người dân tộc Ơ Đu sinh sống nhưng cơ quan chức năng ở Nghệ An vẫn lập danh sách đưa 45 hộ với 231 nhân khẩu vào đề án trên. Sau đó, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đề nghị và UBND tỉnh Nghệ An đã đồng ý rút bản Đửa ra khỏi danh sách được hỗ trợ phát triển. Rất may là hiện tại bản Đửa chưa triển khai bất cứ hạng mục nào từ nguồn vốn đã cấp thực hiện đề án.

An ninh Tiền tệ sẽ tiếp tục thông tin./.

Trọng Đức

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến