Dòng sự kiện:
Xây dựng Hòa Bình thay đổi phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ và hoán đổi nợ
05/04/2024 16:37:39
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC - sàn HoSE) công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, Đại hội tổ chức ngày 25/4, hình thức trực tuyến.

Trong năm 2024, Xây dựng Hòa Bình đặt kế hoạch tổng doanh thu 10.800 tỷ đồng, tăng 43,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế dự kiến lãi 433 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 1.110,7 tỷ đồng.

Về phân phối lợi nhuận, Xây dựng Hòa Bình trình cổ đông không trả cổ tức năm 2023.

Điểm đáng lưu ý, Xây dựng Hòa Bình trình cổ đông dừng phương án tăng vốn thông qua ngày 18/10/2023, đồng thời trình phương án tăng vốn mới.

Trong đó, Xây dựng Hòa Bình dự kiến phát hành tối đa 274 triệu cổ phiếu (74 triệu cổ phiếu hoán đổi nợ và 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ), dự kiến triển khai trong năm 2024 đến năm 2025.

Đối với kế hoạch hoán đổi nợ, Công ty phát hành tối đa 74 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị hoán đổi là 740 tỷ đồng, thời gian hạn chế chuyển nhượng 1 năm. Trong đó, Công ty sẽ hoán đổi nợ hiện hữu của Công ty với các chủ nợ như nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà sản xuất.

Đối với phương án chào bán riêng lẻ 200 triệu cổ phiếu, giá phát hành dự kiến 12.000 đồng/cổ phiếu, huy động 2.400 tỷ đồng, thời gian hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ khi phát hành. Trong đó, số tiền huy động được dùng để thanh toán các khoản nợ vay của Công ty tại Ngân hàng.

Được biết, ngày 18/10/2023, Xây dựng Hòa Bình thông qua kế hoạch phát hành 252.484.528 cổ phiếu. Trong đó, 220 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ và 32.484.528 cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ.

Đối với kế hoạch chào bán riêng lẻ 220 triệu cổ phiếu, giá chào bán tối thiểu 12.000 đồng/cổ phiếu và giá chào bán cao nhất là 14.500 đồng/cổ phiếu, số tiền huy động dự kiến từ 2.640 - 3.190 tỷ đồng và cổ phiếu chào bán bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm kể từ ngày phát hành. Thời gian chào bán dự kiến trong quý IV/2023 đến quý I/2024 và sau khi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thông qua.

Số tiền huy động từ đợt chào bán riêng lẻ được sử dụng để thanh toán các khoản nợ vay. Trong đó, 1.754 tỷ đồng trả gốc và lãi tại Ngân hàng BIDV, thời gian từ quý IV/2023 đến quý III/2024; 997,8 tỷ đồng trả gốc và lãi tại Ngân hàng VietinBank, thời gian từ quý IV/2023 đến quý IV/2024; 158,3 tỷ đồng trả gốc, lãi tại Ngân hàng Hàng Hải, thời gian từ quý I/2024 đến quý IV/2024; 135,96 tỷ đồng trả gốc, lãi tại Ngân hàng Quốc Dân, thời gian dự kiến từ quý I/2024 đến quý II/2024; 95,3 tỷ đồng trả gốc, lãi tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, thời gian dự kiến từ quý II/2024 đến quý III/2024; và 48,6 tỷ đồng trả gốc, lãi tại Ngân hàng Đông Nam Á, thời gian quý I/2024.

Công ty cho biết hai cổ đông dự kiến tham gia là Primetech VN Development And Investment Joint Stock Company dự kiến mua 120 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu từ 0%, lên 22,79% vốn điều lệ; và Tumaz And Tumaz Enterpries Ltd dự kiến mua 100 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu từ 0%, lên 18,99% vốn điều lệ.

Đối với phương án phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ, thời gian dự kiến trong quý IV/2023 đến quý I/2024.

Như vậy, trong tờ trình kế hoạch gọi vốn sắp tới, khối lượng phát hành riêng lẻ giảm từ 220 triệu xuống còn 200 triệu cổ phiếu, giá phát hành còn 12.000 đồng/cổ phiếu và kéo dài thời gian thực hiện thay vì hoàn thành trong quý I/2024; đối với phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ, tăng lượng phát hành thêm hơn 41,5 triệu cổ phiếu, đồng thời kéo dài thời gian phát hành thay vì kết thúc quý I/2024.

Trả phí 3%/năm khi mượn tài sản cho hai cá nhân

Bên cạnh các tờ trình, ngày 4/4/2024, Xây dựng Hòa Bình còn thông qua việc chấp thuận việc trả phí 3%/năm trên giá trị tài sản của ông Nguyễn Văn Tịnh và bà Bùi Ngọc Mai cho Công ty mượn sử dụng làm tài sản đảm bảo với Ngân hàng.

Về nhân sự, Xây dựng Hòa Bình bổ nhiệm ông Lê Văn Viên vào vị trí Phó tổng giám đốc kể từ ngày 1/5/2024. Ngược lại, miễn nhiệm chức Phó tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Tấn Thọ, hiệu lực từ ngày 4/4/2024.

Xây dựng Hòa Bình bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục

Trong Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 của Xây dựng Hòa Bình được kiểm toán bởi Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC, đơn vị kiểm toán đã có nhiều vấn đề cần chú ý đối với nhà đầu tư.

Đầu tiên, tại thời điểm 31/12/2023, Xây dựng Hòa Bình có khoản lỗ luỹ kế tới 3.240,3 tỷ đồng và một số khoản nợ quá hạn thanh toán.

“Những dấu hiệu lỗ luỹ kế và một số khoản nợ quá hạn thanh toán cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Xây dựng Hòa Bình”, Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC nhấn mạnh trong Báo cáo kiểm toán.

Thứ hai, trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023, một số nghiệp vụ tạm ứng của Xây dựng Hòa Bình đã được thực hiện khi chưa có đủ phê duyệt phù hợp. Các nghiệp vụ này sau đó đã được Hội đồng quản trị thông qua vào ngày 20/5/2023 và các Nghị quyết của Hội đồng quản trị tương ứng.

Thứ ba, Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC đã đưa ra cơ sở của ý kiến kiểm toán ngoại trừ khi Xây dựng Hòa Bình đang trong quá trình làm các thủ tục đảm bảo cho một số khoản tạm ứng để bổ sung các bằng chứng thích hợp và đầy đủ về giá trị có thể thu hồi.

Trong đó, kiểm toán chưa thể thu thập được đầy đủ các thư xác nhận về các số dư nợ phải thu và nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2023 bao gồm phải thu ngắn hạn của khách hàng 2.938,4 tỷ đồng; trả trước cho người bán ngắn hạn 705,6 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn khác 455,3 tỷ đồng; phải trả người bán ngắn hạn 1.691,1 tỷ đồng; người mua trả tiền trước ngắn hạn 1.277,6 tỷ đồng; phải trả ngắn hạn khác 172,7 tỷ đồng; và các khoản vay 57,9 tỷ đồng.

“Tính đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán, các công việc nêu trên vẫn đang được thực hiện và chưa hoàn thành, do đó chúng tôi chưa thể xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh các chỉ tiêu trên Báo cáo tài chính hợp nhất kèm theo có liên quan đến các khoản tạm ứng này hay không”, Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC đã đưa ra cơ sở của ý kiến kiểm toán ngoại trừ.

Sau kiểm toán năm 2023, doanh thu giảm 9,33 tỷ đồng, về 7.537,1 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm tới 333,06 tỷ đồng, từ lỗ 782,28 tỷ đồng tăng lên lỗ tới 1.115,34 tỷ đồng. Trong đó, biến động mạnh nhất là chi phí quản lý doanh nghiệp đã tăng thêm 274,79 tỷ đồng sau kiểm toán, từ 482,91 tỷ đồng, lên 757,7 tỷ đồng.

Với việc tiếp tục lỗ trong năm 2023, tính tới 31/12/2023, Xây dựng Hòa Bình nâng tổng lỗ luỹ kế lên 3.240,3 tỷ đồng, bằng 118,2% vốn điều lệ (vốn điều lệ 2.741,33 tỷ đồng).

Như vậy, kết thúc năm 2023, lỗ luỹ kế của Xây dựng Hòa Bình đã vượt vốn điều lệ Công ty.

Tác giả: Duy Bắc

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến