Hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối cần minh bạch hơn, các cơ quan quản lý phải nắm thông tin sát thị trường, chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và điều hành giá xăng dầu kịp thời, không để doanh nghiệp bị lỗ, phải móc tiền túi để gánh lỗ cho người dân… là những kiến nghị của doanh nghiệp liên quan việc xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu.
Kiến nghị để doanh nghiệp tự quyết định giá bán lẻ
Liên quan đến việc góp ý xây dựng nghị định mới của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Sở Công Thương TPHCM mới đây có công văn gửi Bộ Công Thương đề xuất có quy định về giải pháp điều hành giá theo biên độ giá xăng dầu tăng, giảm phù hợp với thị trường.
Theo Sở Công Thương TPHCM, thời gian qua sở đã ghi nhận ý kiến của nhiều doanh nghiệp liên quan điều chỉnh chu kỳ điều hành giá xăng dầu. Một số doanh nghiệp đề xuất rút ngắn chu kỳ điều hành giá, một số đề xuất quay trở lại chu kỳ điều hành giá 15 ngày. Một số doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối đề xuất có chu kỳ điều chỉnh giá là 20 ngày để phù hợp với khung thời gian quy định về lượng xăng dầu dự trữ.
Sở Công Thương TPHCM cũng kiến nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng các quy định về điều kiện cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hướng gia tăng các điều kiện đảm bảo chặt chẽ và nâng cao năng lực của doanh nghiệp. Việc để quy định hiện hành cho phép doanh nghiệp phân phối xăng dầu có thể không cần đầu tư hạ tầng, bến bãi, kho chứa, hệ thống phân phối, chỉ cần thuê lại từ các đơn vị khác…đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng cũng dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp đầu mối lợi dụng các kẽ hở để trục lợi, thậm chí không đáp ứng đủ điều kiện nhưng vẫn được cấp phép. Cùng với đó, Bộ Công Thương cần nghiên cứu, xác định rõ quyền và nghĩa vụ kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu để đưa vào nghị định mới.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hùng Việt, Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Nguyễn Hùng Việt cho rằng, nếu Chính phủ quyết tâm sửa triệt để nghị định về kinh doanh xăng dầu thì cần mạnh dạn để cho thị trường quyết định hoạt động kinh doanh xăng dầu. Theo ông Việt, phải tách rời khâu bán lẻ ra khỏi các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối.
Nếu đã chọn làm đầu mối, phân phối thì không bán lẻ. Việc cho phép doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối được quyền vừa nhập khẩu vừa phân phối vừa bán lẻ là phi thị trường và tạo sự bất cập trong kinh doanh. Việc vừa nhập khẩu, vừa phân phối và vừa bán lẻ cũng dễ dẫn đến lũng đoạn thị trường. Đi kèm với việc tách khâu bán lẻ, cũng cần có chi phí định mức riêng biệt cho từng khâu từ nhập khẩu, phân phối và bán lẻ.
Nếu để doanh nghiệp xăng dầu tự quyết giá bán sẽ là bước đột phá trong quản lý thị trường xăng dầu Ảnh: Nguyễn Bằng
“Việc tách rời chi phí từng khâu sẽ giúp doanh nghiệp hạch toán riêng biệt. Khi nhà phân phối bán ra 1 khối xăng dầu thì Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế sẽ biết phí môi trường và tất cả các loại thuế phải tính toán ngay từ cửa ra của nhà phân phối. Về phần tổng đại lý và đại lý, cục thuế địa phương chỉ thu thuế chênh lệch giá trị gia tăng và giá bán hàng nếu có tăng có giảm. Việc tách chi phí riêng biệt từng khâu sẽ tránh được việc chuyển giá, chuyển thuế phí cho sân sau, tránh được việc ép đại lý bán lẻ bán hàng không có lợi nhuận, giúp cơ quan quản lý thu thuế được đúng và đủ”, ông Việt phân tích.
Đại diện các doanh nghiệp bán lẻ cũng cho rằng, thị trường chỉ thật sự ổn chừng nào không còn cảnh doanh nghiệp phải bán xăng dầu dưới giá thành. Cơ quan quản lý cũng cần tăng cường trách nhiệm thanh tra, giám sát hoạt động của các đầu mối, thương nhân phân phối và cả bán lẻ. Cùng với việc có quy định tách khâu bán lẻ khỏi các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, cần để doanh nghiệp tự quyết giá bán thay vì cơ quan quản lý định giá như hiện nay. Việc tự quyết giá bán như áp dụng với thị trường gas nhiều năm qua sẽ giúp doanh nghiệp kinh doanh có lãi và điều này sẽ giúp thị trường không có tình cảnh “đứt nguồn” như từng xảy ra thời gian qua.
Phải theo cơ chế thị trường
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, nhiệm vụ lúc này với cơ quan quản lý (Bộ Công Thương), chính là cần xây dựng nghị định mới có tầm nhìn. Cụ thể, nghị định mới phải đảm bảo hai tiêu chí: Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đảm bảo vận hành theo cơ chế thị trường. Trong đó, phải giải quyết được gốc của vấn đề là Nhà nước phải tạo ra thị trường xăng dầu thực sự, để thị trường tự vận hành và điều tiết theo nguyên tắc cạnh tranh.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một đại diện Bộ Công Thương cho biết, sau khi Thủ tướng có yêu cầu Bộ Công Thương phải trình nghị định mới trong tháng 3, Bộ đã có ý kiến xin được lui sang tháng 6/2024, do phải tuân thủ các quy trình. “Riêng việc lấy ý kiến các bộ, ngành và tổng hợp theo quy định cũng cần tới 2 tháng. Hiện Bộ Công Thương sẽ cố gắng gấp rút hoàn tất việc xây dựng dự thảo nghị định và đưa ra lấy ý kiến trong tháng 3 này. Việc sửa các quy định sẽ giúp thị trường vận hành tốt hơn”, đại diện Bộ Công Thương cho hay. |
Theo ông Ánh, để thị trường vận hành ổn định, trước hết cần hạn chế sự can thiệp quá nhiều của cơ quan quản lý. Thị trường sẽ vận hành tốt nếu để doanh nghiệp tự vận động, thực hiện theo đúng các quy định, còn vai trò của cơ quan quản lý sẽ là giám sát và hậu kiểm. Điển hình như Bộ Công Thương chỉ cần giao chỉ tiêu nhập khẩu xăng dầu tối thiểu trong năm cho các doanh nghiệp đầu mối và định kỳ kiểm tra. Việc của doanh nghiệp sẽ là phải tự lo đàm phán, chọn thời điểm để có giá nhập khẩu tốt nhất và cung ứng đủ số lượng cho thị trường theo đúng phần giao của cơ quan quản lý. Túm lại doanh nghiệp đầu mối chỉ cần đảm bảo nhập đủ số lượng, không cần biết là nhập khẩu hay mua lại từ các nhà máy trong nước. Cơ quan quản lý sẽ xử lý nếu doanh nghiệp không đáp ứng được số lượng phân giao. Khi có đầu vào tốt, đương nhiên sẽ có sự cạnh tranh về giá giữa các doanh nghiệp.
“Cùng với sắp xếp lại hệ thống, tạo cạnh tranh giữa các đầu mối, giá đầu vào sẽ giảm xuống mức thấp nhất và như vậy doanh nghiệp và người tiêu dùng đều có lợi. Cùng đó, cần tách khâu bán lẻ khỏi các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối đi cùng với xóa độc quyền nhóm. Như vậy thị trường sẽ ổn”, ông Ánh kiến nghị.
Liên quan đến việc sửa nghị định kinh doanh xăng dầu và những kiến nghị để thị trường xăng dầu vận hành trơn tru, không còn tình cảnh liên tục phải sửa vì những bất cập, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) Bùi Ngọc Bảo cho rằng, việc sửa các bất cập về quản lý kinh doanh xăng dầu là cần thiết, tuy nhiên, phải thực hiện triệt để. Như Nghị định 80 mới được ban hành và áp dụng được vài tháng nhưng đến nay cũng đã phải sửa dù đã có sự điều chỉnh về công thức tính giá, bãi bỏ loại hình tổng đại lý. Nghị định có nhiều mặt được khi có sự thay đổi về thời gian điều hành và đáp ứng được phần nào yêu cầu từ các doanh nghiệp. Trong đó, đáng chú ý chính là việc nghị định đã cập nhật thời gian điều chỉnh rút chi phí tạo nguồn sát hơn với thực tế, rút từ 6 tháng còn 3 tháng. Thời gian điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu được rút xuống còn 7 ngày (ấn định vào thứ năm hàng tuần) thay cho 10 ngày trước đây. Những cập nhật này đã giúp cho giá thị trường xăng dầu bán lẻ trong nước tiệm cận dần với giá xăng dầu thế giới.
“Nghị định 80 đã giúp tăng sự cạnh tranh trên thị trường cũng như tăng cạnh tranh về chiết khấu, giúp doanh nghiệp tối ưu được nguồn hàng bằng cách cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được mua xăng dầu từ tối đa 3 nguồn. Dù có những điểm mới nhưng Nghị định 80 vẫn chưa khắc phục hết được các bất cập hiện nay của thị trường xăng dầu”, ông Bảo nói.
Để thị trường thật sự vận hành trơn tru, theo ông Bảo, cần phải sửa các quy định quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu và để thị trường xăng dầu vận hành theo đúng cơ chế thị trường. Theo đó, cần gỡ bỏ quy định không cần thiết liên quan đến các thủ tục hành chính trong kinh doanh xăng dầu đi kèm với đó là xây dựng cơ chế làm sao để đảm bảo cho doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả.
Tác giả: Phạm Tuyên
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy