Dòng sự kiện:
Xây dựng tiêu chuẩn nước mắm mang lại lợi ích cho nhà sản xuất và người tiêu dùng
10/03/2019 20:42:46
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trước ý kiến lo ngại tiêu chuẩn ban hành sẽ làm khó nước mắm truyền thống.

Tại cuộc gặp gỡ báo chí để trao đổi về những nội dung liên quan đến Dự thảo TCVN 12607: 2019 Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm được Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp cùng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) tổ chức ngày 8/3, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL), ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, mục đích của việc xây dựng tiêu chuẩn này nhằm đưa ra các khuyến nghị thực hành sản xuất tốt nước mắm, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của nước mắm, bảo vệ an toàn và sức khỏe cho người tiêu dùng.

Theo ông Linh, mặc dù dự thảo tiêu chuẩn đã được cơ quan soạn thảo nghiên cứu khá công phu trong khoảng 9 năm (2008-2017) và gần 2 năm tổ chức xây dựng dự thảo (2017-2018), vẫn có nhiều quan điểm khác nhau về các khuyến nghị kỹ thuật trong dự thảo bởi không có bất kỳ tiêu chuẩn nào nhận được sự đồng thuận 100%, kể cả tiêu chuẩn quốc tế.

Mục đích của tiêu chuẩn này không phân biệt nước mắm tiêu chuẩn hay nước mắm truyền thống mà có thể hiểu tiêu chuẩn này là các hướng dẫn, khuyến nghị mang tính tự nguyện về việc xác định các mối nguy có thể ảnh hưởng tới sự mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất, qua đó để phòng ngừa các rủi ro có thể xẩy ra cho người sử dụng sản phẩm.

Người sản xuất nước mắm có thể dựa vào tiêu chuẩn này để nhận biết một cách dễ dàng hơn về các mối nguy có thể xuất hiện ở các công đoạn sản xuất của mình để có phương án hạn chế các mối nguy về hóa học, sinh học, vật lý có thể xảy ra nhằm đáp ứng được các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm của nước mắm.

Tại cuộc họp, có ý kiến băn khoăn về quy định hàm lượng histamin trong tiêu chuẩn và dự thảo tiêu chuẩn này có bắt buộc áp dụng hay không, ông Linh khẳng định, dự thảo TCVN 12607:2019 không quy định mức giới hạn của histamin và không bắt buộc áp dụng.

Ông Linh nhấn mạnh rằng, cần phân biệt rõ ràng, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã quy định rõ tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) là khuyến khích áp dụng, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) mới là văn bản bắt buộc áp dụng. Do đó, Tiêu chuẩn này là tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và ban hành QCVN là một việc độc lập với việc xây dựng và ban hành TCVN. Các yêu cầu và cách thể hiện của QCVN nếu có cũng sẽ không thể như quy định của dự thảo TCVN này.

“Mục đích của việc ban hành tiêu chuẩn là mang lại thuận lợi cho các bên liên quan trong đó có cả người tiêu dùng, nhà sản xuất, nhà kinh doanh, nhà quản lý. Tiêu chuẩn cũng là công cụ giúp các nhà sản xuất, kinh doanh nhanh chóng nắm bắt các tiến bộ khoa học, thực hành sản xuất tốt và mang lại các sản phẩm tốt hơn cho người tiêu dùng, cho xã hội”, ông Linh nói.

Đồng quan điểm, TS. Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết đã nghiên cứu rất kỹ dự thảo này và thấy rằng mục tiêu của dự thảo không dành cho loại nước mắm nào cả mà dành chung cho nước mắm ở Việt Nam nhằm dành cho tất cả người tiêu dùng.

Từ các quy định này, cả người sản xuất và tiêu dùng có cơ sở để phát hiện, kiểm soát được từ nguyên liệu, các khâu ủ chượp, chế biến... Nếu áp dụng đúng sẽ bảo vệ được sức khỏe người tiêu dùng.

Vì thế ông Đáng đề nghị tiêu chuẩn sớm được xem xét để sớm ban hành, các hộ sản xuất và doanh nghiệp công bố áp dụng, sản phẩm có cơ hội vươn ra thị trường quốc tế.

Theo ông Linh, Tổng cục TCĐLCL và Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng đã và sẽ quyết liệt chỉ đạo các cơ quan liên quan, Ban soạn thảo, Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn nước mắm khẩn trương nghiên cứu tiếp thu các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà sản xuất kinh doanh đảm bảo xây dựng được tiêu chuẩn minh bạch, rõ ràng, làm cơ sở cho tổ chức, cá nhân áp dụng được hiệu quả, mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp, người tiêu dùng và cộng đồng.

Dự thảo Tiêu chuẩn TCVN 12607:2019 về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm được xây dựng dựa trên căn cứ Tiêu chuẩn CODEX (CAC/RCP 52-2003), TCVN 7265:2015 và thực tế sản xuất nước mắm tại Việt Nam. Tổng cục TCĐLCL (Bộ Khoa học và Công nghệ) là cơ quan thẩm định phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản là cơ quan biên soạn.

Theo VietQ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến