Dòng sự kiện:
Xe ôtô cá nhân phải lắp camera giám sát hành trình: Liệu có khả thi?
22/09/2023 11:41:15
Hiện nay, nhiều chủ xe ôtô cá nhân đều lắp camera giám sát hành trình để giám sát trên đường khi va chạm có chứng cứ, không bị bắt phạt oan.

Xe ôtô đã lắp camera giám sát hành trình để giám sát trên đường. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tại Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đang được lấy ý kiến, Bộ Công an đề xuất không chỉ xe ôtô kinh doanh vận tải mà tới đây ôtô cá nhân cũng bắt buộc phải lắp đặt camera giám sát hành trình.

Với đề xuất này, nhiều chủ xe ôtô và Hiệp hội Vận tải cũng như một số chuyên gia giao thông đều đồng tình ủng hộ nhưng cũng bày tỏ quan điểm cơ quan soạn thảo cũng cần tính toán đến việc thu thập dữ liệu hình ảnh cá nhân để truyền về hệ thống phần mềm cơ sở lưu trữ.

Cần khoản chi phí lớn

Sở hữu chiếc ôtô ngót nghét được gần 10 năm, anh Phạm Trung Kiên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết cách đây 5 năm, xe đã lắp camera giám sát hành trình trong xe để giám sát trên đường khi va chạm có chứng cứ, không bị bắt phạt oan. Thậm chí, khi có sự vụ di chuyển trên đường, thiết bị camera giám sát hành trình ôtô có thể ghi lại được hình ảnh một vụ trộm cắp, cướp giật sẽ trở thành cơ sở để cơ quan công an điều tra, xử lý thông qua việc trích xuất hình ảnh, clip.

“Thực tế, nhiều chủ xe ôtô đều lắp camera giám sát hành trình. Tuy nhiên, quy định này chỉ nên dừng ở việc khuyến cáo chứ không nên bắt buộc vì còn liên quan đến vấn đề kinh tế của mỗi người. Nếu truyền dữ liệu về một trung tâm xử lý thì tất nhiên sẽ ủng hộ nhưng thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe thì không nên, đây là quyền riêng tư cá nhân của mỗi người,” anh Kiên góp ý.

Anh Nguyễn Văn Hòa (Đống Đa, Hà Nội) đưa quan điểm nếu đã quy định bắt buộc thì 100% xe mới xuất xưởng hiện nay phải có sẵn camera giám sát hành trình sẽ giúp quy định đi vào thực tế khả thi hơn. Ngoài ra, các xe cũ đang lưu hành cũng nên có lộ trình để thực hiện bởi còn liên quan đến vấn đề kinh tế của người dân.

Đại diện một doanh nghiệp sản xuất, cung cấp lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, hiện nay thiết bị giám sát hành trình có giá khoảng 3-3,5 triệu đồng, nếu có thêm tính năng camera thì giá mỗi thiết bị rơi vào khoảng 3,5 -5 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết theo thống kê, hiện nay, cả nước có khoảng 5 triệu xe ôtô, trong đó khoảng 1,2 triệu xe kinh doanh vận tải đã lắp đặt theo quy định. Nếu Dự thảo Luật này có quy định ban hành, sẽ có khoảng 3,8 triệu ôtô cá nhân cũng phải lắp đặt thiết bị và tổng chi phí trang bị cho số xe này sẽ dao động khoảng 13.000-15.000 tỷ đồng.

Đánh giá đây là một đề xuất có tác động lớn đến người dân, ông Quyền lưu ý cơ quan soạn thảo cần làm rõ mục tiêu của đề xuất cũng như nên có nghiên cứu, khảo sát, trình bày rõ mục tiêu, ý tưởng quản lý để xem xét tính khả thi cũng như đánh giá tác động chi phí xã hội.

Phải có quy định chặt chẽ

Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng ứng dụng công nghệ trong giám sát trật tự an toàn giao thông nói riêng và toàn xã hội nói chung là điều không cần phải bàn cãi bởi tính minh bạch, khách quan, toàn diện mà nó mang lại. Đề xuất trên sẽ tạo bước đột phá trong ứng dụng công nghệ để quản lý an ninh trật tự, an toàn giao thông tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Tạo cũng bày tỏ chi phí lắp đặt thiết bị có thể sẽ là khó khăn khi triển khai nhưng xét về ý nghĩa, tác dụng mang lại trong bảo đảm an toàn giao thông, đảm bảo tính mạng con người, giảm thiệt hại về tai nạn giao thông, nếu tuyên truyền để người dân hiểu, sẽ nhận được đồng thuận cao.

“Thiết bị camera giám sát hành trình hiện nay có nhiều loại, tuỳ thời gian lưu trữ, chất lượng hình ảnh, dữ liệu mà giá thành sẽ khác nhau. Song song với việc ban hành luật, cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu, ban hành quy chuẩn thiết bị (về kiểu loại, yêu cầu kỹ thuật tối thiểu, hướng dẫn cách lắp đặt,…) phù hợp với loại xe cá nhân. Việc này nên tham khảo quốc tế và chọn lọc áp dụng phù hợp với tình hình thực tế trong nước,” ông Tạo chia sẻ.

Bộ Công an đề xuất không chỉ xe ôtô kinh doanh vận tải, tới đây, ôtô cá nhân cũng bắt buộc phải lắp đặt camera giám sát hành trình. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Đưa ra góp ý cần cân nhắc quy định lắp thiết bị thu thập dữ liệu hình ảnh người lái xe trên cả ôtô cá nhân, theo ông Tạo, hiện dữ liệu thu nhận truyền về hệ thống phần mềm lưu trữ của Cục Đường bộ Việt Nam với xe kinh doanh vận tải hành khách để giám sát sức khoẻ, trạng thái người lái xe, giám sát hoạt động của hành khách trên xe, ngăn các vi phạm như chèn ép hành khách... Tuy vậy, đối với xe cá nhân việc này còn ảnh hưởng đến quyền riêng tư của mỗi người...

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo Luật cũng cần ban hành quy định trách nhiệm của chủ xe, lái xe trong việc cung cấp dữ liệu thiết bị cho cơ quan chức năng đồng thời cũng tính toán đến xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu xử lý thông tin từ thiết bị giám sát hành trình để chủ xe không phải chịu chi phí cho việc truyền dẫn dữ liệu giống như các đơn vị kinh doanh vận tải./.

Tác giả: Việt Hùng

Theo: Vietnam+
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến