Xé rào margin: Nhà đầu tư luôn thiệt?
13/07/2015 15:28:19
Hơn nửa thập kỷ margin (giao dịch ký quỹ) xuất hiện trên thị trường chứng khoán (TTCK), từ chỗ thiếu kiểm soát cho đến khi được luật hóa vẫn luôn xảy ra những mâu thuẫn, tranh chấp giữa công ty chứng khoán (CTCK) và nhà đầu tư (NĐT). Người ngoài cuộc cho rằng đây là sự bất thường, còn NĐT trong nghề lại đánh giá là chuyện thường ngày ở huyện.

Tin liên quan

Rủi ro cả đôi bên

Mới nhất là vụ việc NĐT H. phản ánh CTCK P. đã tự ý bán gần 200.000 CP N. gây thiệt hại gần nửa tỷ đồng mà P. cung cấp margin cho H. với tỷ lệ lên đến 70% (theo quy định là từ 50% trở xuống). Phải đợi đến khi các cơ quan chức năng đưa ra kết luận cuối cùng mới có thể biết được bên nào đúng, bên nào sai, nhưng có thể thấy những chi tiết khá quen thuộc đó là margin vượt rào và bán giải chấp.

Giới chứng khoán gồm NĐT và người làm trong nghề vẫn kháo nhau về chuyện CTCK này cho vay margin với tỷ lệ vượt rào như 6:4 (6 vay 4 vốn) hay thậm chí 8:2 (8 vay 2 vốn), NĐT nào nghe cũng choáng, còn thực hư ra sao mỗi người tự tìm hiểu. Điều này không mới, nhưng theo chia sẻ của giới chứng khoán kỳ cựu CTCK sẽ có nhiều cách để lách, chẳng hạn như cho vay 8:2 (thậm chí còn có đời đồn đại là 9:1) và chỉ được vay đến ngày T+3 là phải bán ngay lập tức…

Qua câu chuyện này cần phải thấy là không ít NĐT đã “nghiện” hoặc “máu” margin đến mức phải sử dụng công cụ này với tỷ lệ càng cao càng tốt, bất chấp rủi ro. CTCK sẽ phải đứng giữa những sự lựa chọn, an toàn cho hệ thống, hay đáp ứng tất cả nhu cầu của khách để có nguồn thu.

Tất nhiên, với những CTCK lớn, tên tuổi việc xử lý những vấn đề trên không quá khó, khách hàng nào có yêu cầu thái quá “xin mời đi nơi khác”, nhưng với CTCK nhỏ, chịu áp lực doanh thu có thể rẽ sang hướng khác. Nói tóm lại, nguyên nhân dẫn đến chuyện margin vượt rào đến từ 2 phía, khách hàng và CTCK, tất nhiên bên nào sai bên đó phải chịu.

Ảnh minh họa.

Chơi dao có ngày đứt tay

Thông thường, mỗi CTCK thường có quy định tỷ lệ margin/vốn nhất định với NĐT để tiến hành xử lý khi có sự cố, nhằm đảm bảo an toàn với NĐT và thường sẽ có 2 bước chính: Yêu cầu NĐT đóng thêm tiền, hoặc bán bớt CP để đảm bảo cho tài khoản đạt tỷ lệ an toàn; trường hợp nếu không thực hiện, giá trị danh mục giảm CTCK sẽ tiến hành bán giải chấp. Những “xích mích” giữa CTCK và khách hàng cũng thường đến từ đây.

Khi NĐT đã chấp nhận sử dụng margin cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận có thêm rủi ro. Để có lợi nhuận cao hơn, việc phải sẵn sàng đón nhận rủi ro là điều hiển nhiên.

Khi TTCK giảm, hoặc CP giảm giá khiến NĐT không vui, ngay lập tức còn bị “đòi nợ”, sự bực bội dâng trào là điều dễ hiểu. Ở đây nếu CTCK cung cấp dịch vụ margin vượt quy định của cơ quan quản lý, việc những cam kết, thỏa thuận giữa khách hàng và CTCK xem chừng cần phải đặt lại câu hỏi về tính đúng đắn.

Nếu CTCK “rào” khách hàng bằng hợp đồng, nhưng hợp đồng không phù hợp, hoặc “lách” một cách nào đó, phần thiệt đương nhiên thuộc về mình. Nhưng nếu khách hàng biết không phù hợp mà vẫn tham gia, rủi ro phải chấp nhận.

Cuối năm ngoái, râm ran tin đồn tại một CTCK đã từng lọt vào top 10 thị phần tiến hành giải chấp CP của khách hàng, sau đó xin lỗi và cho rằng tại hệ thống của mình mắc lỗi nên mới làm như vậy. Theo như các hợp đồng margin thông thường, CTCK được quyền giải chấp tài khoản của khách hàng trong trường hợp khách hàng không tuân thủ các yêu cầu để giữ trạng thái giữa margin/vốn nằm trong ngưỡng an toàn.

Thông thường ngưỡng này được xác định bằng một con số tuyệt đối nào đó được đưa ra, tuy nhiên cách xử lý của CTCK tùy vào thời điểm lại khác nhau. Chẳng hạn, mặc dù tài khoản của khách hàng dù chưa đến ngưỡng có thể bị giải chấp, nhưng nhìn nhận khả năng TTCK sẽ giảm mạnh, xuất hiện những phiên bán tháo, CTCK có thể yêu cầu NĐT thận trọng, bán ra trước, hoặc đóng thêm tiền. Và đây là một trong những nguyên nhân tạo ra những tranh chấp giữa NĐT và CTCK.

Một bên cho rằng “thấy rủi ro nên giải chấp” và một bên “vẫn trong ngưỡng an toàn sao lại giải chấp”. Có trường hợp CTCK làm gắt đến mức khiến NĐT bực bội, có CTCK khôn ngoan thực hiện một cách mềm dẻo hơn. Nhưng theo một nhân viên môi giới chia sẻ, cũng không loại trừ trường hợp NĐT vì vay cú, bị giải chấp ngay khi CP chạm đáy nên đã quyết “ăn thua đủ” với CTCK.

Ngược lại, trường hợp TTCK diễn biến không quá rủi ro, nặng nề yêu cầu xử lý của CTCK dành cho khách hàng có thể nương nhẹ hơn, nhưng nếu TTCK đi ngang, hoặc tăng điểm cũng hiếm có CP nào có thể lao dốc, hay giảm mạnh để CTCK phải mạnh tay xử lý, trừ các trường hợp kiểu như JVC hay KSS.

Như đã nói ban đầu, trừ trường hợp CTCK “gài bẫy” khách hàng bằng các hợp đồng thiếu minh bạch trong margin, còn trong trường hợp nếu NĐT biết và chấp nhận sử dụng margin theo kiểu xé rào, việc sau đó phải nhận những hệ quả nặng nề theo kiểu “xé rào” âu cũng là chuyện “có đi có lại”. Còn CTCK dám chấp nhận mạo hiểm xé rào cho vay margin cũng phải lường trước và chấp nhận có ngày hoạt động của mình bị nhận biết và nếu vi phạm thì bị xử phạt.

Tóm lại khi sử dụng margin, nếu để tài khoản của mình tiệm cận với các ngưỡng an toàn và có thể bị giải chấp, thường CTCK sẽ nắm đằng cán trong việc xử lý. NĐT dù có bức xúc với CTCK, kiện tụng, tranh chấp, tài khoản cũng đã bị giải chấp, thiệt hại là rất rõ ràng.

Theo Báo Sài Gòn Đầu Tư

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến