Xem xét nâng mức giới hạn lãi suất cho vay từ 150% lên 200%
06/01/2015 15:31:44
ANTT.VN – Theo luật hiện hành, nếu cho vay với lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố có thể bị truy cứu hình sự. Tuy nhiên, tại dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), mức giới hạn này đã được nâng lên 200%.

Tin liên quan

Tại Lễ công bố kế hoạch của Chính phủ về tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) đã có những điểm mới đáng chú ý, cụ thể là điều 491 quy định về lãi suất cho phép trong hợp đồng vay tài sản.

Theo đó, ở dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ Tư pháp đề xuất nâng mức lãi suất thỏa thuận cho phép lên so với mức trước đây. Cụ thể, trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng, trừ trường hợp luật có quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định ở khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Cho vay với lãi suất cao gấp trên 20 lần so với lãi suất cơ bản của NHNN có thể bị truy cứu hình sự.

Trong khi đó, theo quy định tại điều 476 Bộ luật Dân sự hiện hành, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.

Như vậy, dự thảo đã có thay đổi về giới hạn lãi suất vay tối đa theo thỏa thuận và cũng đồng nghĩa với việc người nào cho vay với lãi suất cao gấp trên 20 lần (hiện tại là 15 lần) so với lãi suất của Ngân hàng Nhà nước mới có thể bị truy cứu hình sự.

Trước đó, ngày 14/4/2008, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã có tờ trình kiến nghị sửa điều 476 theo hướng nâng trần lãi suất cho vay lên 250% lãi suất cơ bản tuy nhiên việc này đã không được chấp  thuận.

Quay trở lại với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) nói trên với quy định mới dự kiến nâng giới hạn từ 150% lên 200% như vậy liệu có đồng nghĩa với việc nới điều kiện đối với nạn cho vay nặng lãi hay không?

Theo ý kiến Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Bộ luật dân sự (sửa đổi) ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế xã hội. Hạn chế tối đa sự can thiệp của cơ quan công quyền và việc xác lập, thay đổi, chấm dứt các quan hệ dân sự.

Việc lấy ý kiến người dân về những thay đổi trong Bộ luật dân sự (sửa đổi) được bắt đầu từ ngày 5/1/2015 cho đến hết ngày 5/4/2015.

Diệu Ly (tổng hợp)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến